Hỏi đáp tổng hợp Gửi câu hỏi Gửi khảo sát

Tư duy cầu tiến và tư duy bảo thủ

Yuo | Chat Online
29/09/2017 06:09:59
1.003 lượt xem

“Nếu bớt ước mơ, con người sẽ chỉ hài lòng với phần ít ỏi mà mình có.”

Debbie Millman đã đưa ra lời phát biểu này trong lễ tốt nghiệp của sinh viên và thúc giục rằng “Hãy làm điều mình thích, đừng dừng lại cho đến khi đạt được nó. Hãy làm việc chăm chỉ hết mức có thể, hãy dám khát khao những điều vĩ đại hơn chính mình…” Chúng ta đã nghe quá nhiều những lời khuyên thế này, nhưng quả thật nó đã phản ánh cách mà tâm lý học hiện đại nhận diện hệ thống niềm tin về khả năng của con người, các chất xúc tác để thúc đẩy hành vi cũng như dự đoán thành công. Chúng ta có thể tìm thấy hầu hết các kiến thức này trong cuốn sách Mindset: The New Psychology of Success của nhà tâm lý học trường Stanford tên Carol Dweck. Cuốn sách đã cho ta cái nhìn sâu sắc về sức mạnh của niềm tin dù trong tỉnh thức hay vô thức, cách mà việc thay đổi niềm tin, dù là nhỏ nhất, cũng đem lại tác động to lớn đến gần như hầu hết các mặt của đời sống.

Một trong những niềm tin cơ bản mà Dweck chỉ ra trong bài nghiên cứu của mình đó là cách mà chúng ta nhìn nhận những yếu tố hình thành nên tính cách của bản thân.

“Tư duy bảo thủ” (Fixed Mindset) cho rằng tính cách, trí thông minh và khả năng sáng tạo là những thông số có sẵn, và rằng chúng ta không thể thay đổi được chúng. Thành công là sự công nhận những trí thông minh được thừa hưởng, là bài đánh giá khả năng vốn có của bản thân với chuẩn mực đã được định sẵn. Vậy nên, nỗ lực vươn tới thành công đồng thời hạn chế các lỗi lầm là con đường độc đạo để duy trì được trí thông minh và kĩ năng vốn có. Ngược lại, “Tư duy cầu tiến” (Growth Mindset) không ngừng tìm kiếm thử thách và xem thất bại không phải là do thiếu thông minh mà là con đường tất yếu trong quá trình trưởng thành và rèn giũa kĩ năng. Chúng ta bắt đầu biểu lộ các tư duy này khi còn rất bé, và chúng ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi, sự thành bại trong đời sống cá nhân lẫn công việc, và cả hạnh phúc của chính mình nữa.

Sau 2 thập niên nghiên cứu trên cả trẻ em và người lớn, Dweck nhận ra rằng việc tin rằng trí thông minh và tính cách có thể được phát triển đã đem lại hệ quả rất đáng mừng. Cô viết:

Trong suốt 20 năm qua, nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng cách bạn nhìn nhận bản thân mình ảnh hưởng rất nhiều đến cách bạn điều hướng cuộc sống. Nó có thể quyết định việc bạn sẽ trở thành người mình muốn và liệu bạn có đạt được những điều mình trân quý hay không. Tại sao lại như thế? Tại sao một niềm tin đơn giản lại có sức mạnh chuyển hóa tâm lý và hơn cả là cuộc sống của bạn đến như vậy?

Với tư tưởng rằng năng lực của bản thân là cái vốn có và không thể phát triển thêm, tư duy bảo thủ luôn thúc dục bản thân phải không ngừng chứng minh chính mình. Nếu bạn chỉ có chừng đó trí thông minh, chừng đó tính cách, chừng đó phẩm chất đạo đức, vậy thì bạn nên chứng minh cho thế giới thấy rằng phần mình có đều là những giá trị tốt đẹp. Thật không hay chút nào nếu lỡ người khác biết mình thiếu đi một vài đức tính cơ bản.

[…]

Tôi đã từng gặp rất nhiều người với mục tiêu duy nhất là chứng tỏ được bản thân dù là trong lớp học, trong công việc hay trong mối quan hệ. Họ xem xét bất cứ tình huống nào trong đời sống: Liệu tôi sẽ thành công hay thất bại? Liệu tôi sẽ trông có vẻ thông minh hay như tên hề? Liệu tôi sẽ được chấp nhận hay bị từ chối? Liệu tôi sẽ thành người thắng cuộc hay kẻ đại bại? …

Đối với tư duy cầu tiến, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Tất cả các đức tính của bản thân không phải là cái sẵn có và phải được công nhận liên lục. Thực chất, đó chỉ là điểm khởi đầu và bạn sẽ dần phát triển thêm nhiều đức tính, năng lực khác nữa dựa trên nỗ lực không ngừng. Mặc dù mỗi người sẽ có những xuất phát điểm khác nhau về tài năng, năng khiếu, sở thích, tính khí,… mọi người đều có thể thay đổi và trưởng thành thông qua các trải nghiệm.

Vậy người với tư duy cầu tiến đều sẽ tin rằng con người có thể trở thành bất kì cái gì họ muốn ư, bất cứ ai với động lực đúng đắn và giáo dục phù hợp sẽ trở thành Einstein hoặc Beethoven ư? Không, nhưng họ tin rằng tiềm năng thật sự của mỗi người vẫn chưa được khai phá hết (và sẽ không thể khai phá hết được). Chúng ta hoàn toàn không thể dự đoán trước được cái chúng ta sẽ đạt được sau hàng chục năm luyện tập, đam mê,… Kết quả luôn là những điều bất ngờ.

Mấu chốt của “tư duy cầu tiến” chính là nó tạo động lực để con người không ngừng nỗ lực học tập thay vì chỉ đơn thuần tìm kiếm sự chấp nhận. Nó tin rằng phẩm chất của con người như trí thông minh hay sáng tạo, và cả khả năng điều phối các mối quan hệ trong cuộc sống, đều được rèn giũa từ nỗ lực và luyện tập có chủ ý. Những người với tư duy này không hề gục ngã bởi thất bại, trái lại họ xem đó là một bài học để họ tiến lên. Dweck viết rằng:

Tại sao chúng ta phải phí thời gian để chứng minh mình tuyệt vời thế nào, trong khi chúng ta có thể dùng thời gian đó để trau dồi bản thân? Tại sao chúng ta lại phải tìm mọi cách để dấu đi những thiếu sót thay vì vượt qua nó? Tại sao chúng ta phải chơi với những người chỉ biết tung hô tính tự tôn của mình mà lại không phải là người sẵn sàng đưa ra thử thách để mình trưởng thành hơn? Tại sao chúng ta phải giới hạn bản thân thay vì không ngừng kiếm tìm các trải nghiệm để trở thành bản thể tốt đẹp hơn? Đam mê hoàn thiện bản thân là mấu chốt của tư duy cầu tiến. Đó là tư duy cho phép con người không được phép gục ngã kể vào lúc khó khăn gian nan nhất trong cuộc đời.

Ý tưởng này không hề mới. Trong thực tế, đó luôn là câu được lặp lại trong nhiều cuốn self-help: “Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn”. Cái khiến công trình của Dweck khác biệt chính là các nghiên cứu sâu rộng về cách mà tâm trí hoạt động đã định hình nên tư duy cũng như cách tư duy được lập trình trong não.

Dweck và đội ngũ của của cô đã nhận ra rằng những người với tư duy bảo thủ xem rủi ro và nỗ lực là nguy cơ khiến những điều không hoàn hảo trong họ bị thể hiện ra. Thế là họ không dám dấn thân vào những trải nghiệm mới. Nhưng mối quan hệ giữa tư duy và nỗ lực hoạt động hai chiều:

Không phải chúng ta chỉ đơn thuần nhận ra lợi ích của việc thử thách chính mình và tầm quan trọng của nỗ lực mà đồng thời việc chúng ta được dạy về “tư duy cầu tiến”, về việc chú trọng vào quá trình hơn kết quả, đã khiến chúng ta dần thấm nhuần và sống theo tư duy ấy…

Khi đã dần hiểu về tư duy cầu tiến lẫn bảo thủ, bạn sẽ thấy chính xác cách mà chúng tương quan tới bản thân: cách niềm tin về các giá trị không thể thay đổi của bản thân sẽ dẫn đến lối suy nghĩ và hành động; cũng như cách chúng ta tin rằng năng lực có thể được trau dồi sẽ dẫn đến suy nghĩ và hành động khác, đưa bạn đi theo một con đường hoàn toàn khác.

[…]

Các tư duy thay đổi cách chúng ta cố gắng và nhìn nhận thành công… nó thay đổi cách chúng ta định nghĩa, tầm quan trọng và tác động của thất bại…Chúng thay đổi ý nghĩa thẩm sâu nhất của cố gắng.

Dweck đã tiến hành một cuộc khảo sát với 143 nhà nghiên cứu sáng tạo. Tất cả đều nhận định rằng yếu tố hàng đầu quyết định đến việc đạt được những thành tựu trong sáng tạo là sự kiên trì bền bĩ và không bỏ cuộc. Cô viết:

Khi tiếp thu một tư duy mới, bạn sẽ bước vào một thế giới hoàn toàn mới. Nếu bước vào thế giới của tư duy bảo thủ, của những đức tính không thay đổi được thì thành công chính là việc bạn chứng minh bản thân mình, chứng minh mình tài năng thông minh như thế nào. Ở một thế giới khác, thế giới của những đổi thay, của tư duy cầu tiến, bạn được toàn quyền vươn mình ra hết cỡ để học điều mới. Bạn được quyền phát triển chính bản thân mình.

Ở thế giới của tư duy bảo thủ, thất bại chính là bước thụt lùi. Bị điểm kém. Thua trong cuộc thi. Bị sa thải. Bị từ chối. Nó có nghĩa là bạn không thông minh hoặc tài năng. Ở thế giới của tư duy tiến bộ, thất bại nghĩa là chưa phát triển hết. Chưa với tới được điều mà bạn trân quý. Bạn vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng thực sự trong mình.

Khi đắm chìm trong tư duy bảo thủ, nỗ lực là một điều xấu. Tương tự như thất bại, nó có nghĩa bạn chưa đủ thông minh hoặc tài năng. Vì nếu bạn đã thông minh và tài năng, bạn chẳng cần phải cố gắng mà vẫn đạt được thành công. Ngược lại, trong thế giới của tư duy tiến bộ, nỗ lực chính là cách khiến bạn trở nên thông minh và tài giỏi hơn.

Trả lời / Bình luận (0)
Chưa có câu trả lời hoặc bình luận nào, bạn có thể gửi ý kiến tại đây:
Gửi câu trả lời / bình luận của bạn tại đây (*):
Hình ảnh (nếu có):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có câu hỏi cần giải đáp, hãy gửi cho mọi người cùng xem và giải đáp tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi câu hỏi
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo