Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng - Hải Dương)

Chymtee :"v | Chat Online
21/11/2018 10:06:24
3.262 lượt xem
Việt Nam là một đất nước có truyền thống hiếu học, từ ngàn xưa cha anh ta đã có ý thức, sự kiên trì, miệt mài trong việc học hành, thi cử. Đã có rất nhiều những tiến sĩ đỗ đầu bảng trong các kì thi năm xưa được lưu tên bảng vàng đến tận ngày nay. Truyền thống đó là một nét đẹp song cũng là một niềm tự hào to lớn của người dân Việt Nam. Ngày nay, nơi dùng để tri ân công lao học hành, cống hiến của các vị tiến sĩ Nho học kia chính là các văn miếu. Khi nhắc đến văn miếu, hẳn chúng ta sẽ nghĩ đến văn miếu Quốc Tử Giám, nhưng trên lãnh thổ Việt Nam cũng còn có những văn miếu khác, một trong số đó có thể kể đến Văn Miếu Mao Điền của quê hương em.

Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng - Hải Dương),Văn miếu Mao Điền - Hải Dương,Văn miếu Mao Điền,Hải Dương

Văn miếu Mao Điền nằm ở thôn Mao Điền, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, thành phố Hải Dương. Khi xưa, văn miếu này được xây dựng nhằm làm nơi tổ chức các cuộc thi hương ở trấn Hải Dương. Vào giữa thế kỉ XV, để phục vụ cho việc thi cử, tuyển chọn nhân tài, triều đình nhà Lê đã cho xây dựng nhiều các trường học như: văn miếu Xích Đằng, văn miếu Trấn Biên, trong đó có văn miếu Mao Điền. Đây là một trong những nơi tuyển chọn nhân tài và cung ứng vào bộ máy nhà nước phong kiến Việt Nam lúc bấy giờ những vị quan tài giỏi, có tài mưu lược. Xưa kia, văn miếu được xây dựng khá quy mô, đồ sộ với những kiến trúc đẹp mắt. Tuy nhiên, theo thời gian cùng với sự phá hoại của thực dân Pháp trong chiến tranh đã làm cho di tích này trở nên bị hư hại nghiêm trọng. Ngày nay, người dân Hải Dương đã sửa chữa, duy trì, tu sửa văn miếu, tuy văn miếu Mao Điền đã phần nào khôi phục được hình dáng như xưa song vẫn không thể nào khôi phục được trọn vẹn như trước được nữa.

Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng - Hải Dương),Văn miếu Mao Điền - Hải Dương,Văn miếu Mao Điền,Hải Dương

Khi xưa, đến mỗi kì thi hương, những nho sĩ khắp nơi trên trấn Hải Dương đều khăn áo về văn miếu Mao Điền để đăng kí ứng thí, không khí của trường thi cũng nghiêm ngặt và quy củ như những kì thi Hội, thi Đình. Sau khi trở thành những người xuất sắc nhất trong cuộc thi Hương này, các nho sĩ của Hải Dương sẽ có cơ hội thi Hội và thi Đình, sau đó nếu đỗ đạt thì có thể trở thành các quan ở trong triều đình của vua Lê. Như bất kì vùng miền nào trên đất Việt Nam, Hải Dương cũng là một xứ có truyền thống hiếu học, nơi tập trung rất nhiều những nhân tài, trong số đó có thể kể tên đến những cái tên nổi tiếng như: Nguyễn Dữ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi…. Ngay trong việc nhà Lê quyết định xây dựng văn miếu Mao Điền ở Hải Dương thì ta cũng có thể thấy sự coi trọng mảnh đất hiếu học này.

Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng - Hải Dương),Văn miếu Mao Điền - Hải Dương,Văn miếu Mao Điền,Hải Dương

Văn miếu Mao Điền có kiến trúc khá độc đáo. So về độ cổ kính thì nó cũng không kém với văn miếu Quốc Tử Giám là mấy. Cổng vào văn miếu được thiết kế theo kiểu mái vòm có hình rồng, khoảng sân rộng, thoáng. Theo tương truyền thì khoảng sân này trước đây là nơi các sĩ tử ngồi, là không gian của trường thi xưa. Trong cụm kiến trúc của văn miếu có năm gian nhà lớn, ở góc bên trái của văn miếu là nơi tập trung các bảng làm bằng đá, trên đó có in những tên của các tiến sĩ đã đỗ đạt khi xưa của trấn Hải Dương. Theo thời gian thì chữ trên tấm bia này cũng mờ đi khá nhiều, nhưng về cơ bản, những nét khắc tinh tế trên bia vẫn có thể nhìn được. Dưới mỗi tấm bia là một chú rùa bằng đá. Rùa chính là biểu tượng của trí tuệ, của sự thông sáng, vì vậy, những người tiến sĩ có cơ hội được khắc tên trên bảng vàng thì đó là một niềm vinh dự, niềm tự hào rất lớn.

Dẫn vào các gian nhà chính, mà bây giờ để thờ những vị tôn sư, những danh nho đó là một cây cầu màu trắng bắc qua một hồ nhỏ, đường trên cầu khá rộng nên bây giờ còn được trưng bày những chậu cây cảnh nhỏ trông vừa trang nghiêm, vừa đẹp mắt. Trước của của gian nhà chính có một cây đa cổ thụ rất lớn, chính cây cổ thụ này càng làm cho không gian của văn miếu trở nên uy nghi, cổ kính hơn. Chính giữa của gian nhà là một lưu hương lớn màu trắng, đây là nơi những du khách có thể dâng hương, ghi tạc công lao của các bậc hiền triết, danh nho xưa. Văn miếu Mao Điền là nơi thờ Khổng Tử, Mạnh Tử, đây là những bậc hiền triết Trung Hoa xưa, được coi là ông tổ của nền Nho học, người có công sáng lập ra nền nho học. Ngoài ra, văn miếu còn thờ nhà giáo Chu Văn An, người được coi là người thầy của những người thầy. Vì vậy, có thể nói văn miếu Mao Điền là nơi thờ phụng, tri ân những con người có công với nền giáo dục, là nơi tưởng nhớ công lao của các vị tiến sĩ khi xưa.

Năm nào cũng vậy, cứ dịp đầu xuân thì không khí ở văn miếu Mao Điền lại hết sức nhộn nhịp, dòng người đổ về đây không chỉ là những du khách trong tỉnh mà còn có rất nhiều những du khách của các tỉnh khác đến. Mà nhiều nhất trong số đó là những bạn học sinh. Bởi, văn miếu Mao Điền là một không gian giáo dục linh thiêng, những bạn học sinh, sinh viên đổ về đây là muốn cầu xin sự linh ứng về sự đỗ đạt, thành tài của mình, mong muốn mọi thi cử, học hành đều diễn ra thuận lợi và có kết quả tốt nhất. Cũng chính vì những lẽ đó mà văn miếu Mao Điền là nơi linh thiêng, là địa danh mà người dân thường lưu tới để cầu mong sự thuận lợi, bình an.

Như vậy, cùng với bao địa danh nổi tiếng khác, văn miếu Mao Điền quê hương tôi cũng mang trong mình bao nhiêu giá trị, lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam. Đó chính là truyền thống hiếu học đã được lưu giữ từ ngàn đời, đó là truyền thống tri ân những bậc kì tài, những tấm gương hiếu học, đó chính là nơi mà các thế hệ hậu bối học hỏi, noi theo. Yêu mến con người, địa danh của Hải Dương, nhưng cảm xúc rõ rệt nhất trong em đó là niềm tự hào không chỉ về địa danh, di tích mà còn về con người và truyền thống của địa phương mình.
Bình luận
Văn miếu Mao Điền là một trong số ít văn miếu còn tồn tại ở Việt Nam. Nguyên được lập ra để tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Hải Dương xưa nhưng vào thời nhà Mạc đã bốn lần tổ chức thi đại khoa. Văn miếu Mao Điền nằm tại làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; ngay cạnh đường quốc lộ số 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng, cách thành phố Hải Dương 15 km về phía tây.

Tại miền Bắc Việt Nam, Văn miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ 2, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám. Văn miếu Mao Điền được lập ra để thờ Khổng Tử và các bậc đại nho theo truyền thống của Việt Nam, Trung Quốc và một số nước Đông Á khác.

Lịch sử
Từ giữa thế kỷ 15, với chủ trương mở mang việc học hành và đào tạo nho sĩ, nhà Hậu Lê đã cho xây dựng một loạt những trường học (trường quốc lập), trong đó có trường thi Hương và Văn miếu Hải Dương.

Văn miếu trấn Hải Dương xưa được xây dựng vào thế kỷ 15 thời Lê sơ tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang) (thường gọi là văn miếu Vĩnh Lại). Công trình gồm 5 gian bái đường và 3 gian chính tẩm nằm trên một gò đất cao. Đồng thời, trường thi Hương trấn Hải Dương cũng được xây dựng tại xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng. Hai công trình này nằm cách nhau khoảng 1 km theo đường chim bay.

Đến thời Tây Sơn (1788 -1802), để thuận tiện cho việc quản lý, Văn miếu được di chuyển từ xã Vĩnh Lại, huyện Đường An về xã Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, hợp nhất với trường thi Hương, tạo thành một quần thể duy nhất là Văn miếu Mao Điền ngày nay.

Năm 1948 thực dân Pháp đánh chiếm Mao Điền, biến Văn Miếu thành khu căn cứ chiếm đóng, phá nhà, xây lô cốt, tường rào kẽm gai xung quanh. Đạn bom và những năm tháng chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Từ một di tích lịch sử có thắng cảnh đẹp, Văn Miếu trở thành một nơi hoang phế.

Trận bão năm 1973 đã đánh sập 5 gian nhà Giải vũ - Tây vu.

Năm 2002 được sự đầu tư, hỗ trợ của các ban, ngành Trung ương và các cấp Đảng bộ chính quyền tỉnh Hải Dương đã khởi công xây dựng, tu bổ lại Văn miếu. Sau hơn hai năm nỗ lực thi công, công trình đã khánh thành.

Đặc điểm
Ngay từ khi mới xây dựng, Văn Miếu đã là một công trình kiến trúc văn hóa bề thế, uy nghi. Phần chính gồm hai toà nhà lớn 7 gian, xây theo kiểu chữ nhị (二), mái cong vút, chạm trổ hình rồng, phượng, áp sát vào nhau là Bái đường và Hậu cung. Nhà trong thờ Khổng Tử và Mạnh Tử. Nhà ngoài là nơi tụ hội bái lễ của các bậc quan trường học giả. Hai bên là hai dãy nhà giải vũ 5 gian đối diện nhau, do nằm ở hai hướng Đông và Tây nên người dân nơi đây vẫn quen gọi là nhà Đông vu, Tây vu. Đông vu là nhà truyền thống còn Tây vu là nhà khách. Tiếp đến là hai gác chuông xây cất rất hoành tráng. Phía trước là hai hồ nước trong xanh in bóng cây gạo già hàng trăm năm tuổi. Xung quanh là các loại cây cảnh, cây ăn quả .

Xưa kia Hải Dương nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long nên gọi là xứ Đông. Đây là vùng "đất học" vì thế triều Lê đã coi đây là một trong những trung tâm văn hoá giáo dục của cả nước, tiến hành tổ chức nhiều kỳ thi Hội. Hàng năm đến kỳ thi, sĩ tử ở khắp nơi tề tựu về đây dựng lều chõng kín khắp cả khu cánh đồng Tràn phía trước. Trong số các sĩ tử đó có nhiều người Hải Dương đã tham dự và hiển đạt, như danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trong quá trình tồn tại, Văn Miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước.

Tháng 2 âm lịch hàng năm, tỉnh Hải Dương lại mở hội Văn Miếu. Người Hải Dương ở khắp nơi lại tề tựu về dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.

Xếp hạng di tích
Di tích đã được xếp hạng bảo vệ cấp Nhà nước Việt Nam và chỉ đứng thứ 2 trong hệ thống văn miếu cả nước. Nhiều đoàn khách du lịch và học sinh, giáo viên các trường đến đây tham quan, chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, việc tổ chức hiện nay (cho đến đầu năm 2007) chưa thực sự xứng tầm là một điểm tham quan du lịch cấp quốc gia.
Biết Tuốt | Chat Online
21/11/2018 10:07:12
0 3
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
Hình ảnh (nếu có):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Quê hương em có cảnh đẹp, hãy gửi lên Lazi tại đây để bạn bè bốn phương biến đến Gửi thông tin >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k