Nguyễn Trãi không chỉ là một bậc quân thần yêu nước mà ông còn có tài năng văn thư độc nhất vô song. Đặc biệt, trong gia tài văn học đồ sộ của thi hào, thì “Bình ngô Đại Cáo” vẫn được coi là “áng thiên cổ hùng văn” giữa dòng chảy lịch sử của thời đại. Dẫu qua bao nhiêu thế hệ vẫn lưu danh sử sách muôn đời. Đoạn thơ một trích trong “Bình ngô Đại Cáo” một lần nữa đã cho thấy sự mới mẻ, tiến bộ trong cách nhìn, cũng như quan niệm về độc lập, chủ quyền và những giá trị nhân văn cốt lõi cao đẹp của Nguyễn Trãi.
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
“Nhân nghĩa” là tư tưởng cốt lõi, xuyên suốt cả tác phẩm Bình ngô đại cáo, đó là tư tưởng yêu thương dân, mà rộng hơn là lòng thương người , đồng thời cũng là sự đề cao những hành động chính nghĩa, xả thân vì lý tưởng lớn, không vì quỷ kế hèn mọn mà chịu khuất phục. Tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi được ảnh hưởng khá nhiều bởi tư tưởng của đạo Phật, do đó mà thấm nhuần tính nhân văn và những chân giá trị truyền thống của dân tộc. Nhân nghĩa với Nguyễn Trãi là “yên dân”, nghĩa là làm sao để nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc, an lạc, thái bình, thịnh trị, không có chiến tranh loạn lạc xảy ra khắp nơi. Muốn được như thế, điều mà quân điếu phạt phải làm, cần phải nêu cao đó là “trừ bạo”. Chỉ khi diệt trừ các thế lực bạo tàn, đang lăm le xâm lược bờ cõi nước ta thì dân chúng may ra mới không phải chịu cảnh loạn lạc, tan tác thương vong và được sống trong yên ổn. Chỉ những gì xuất phát từ trái tim mới có thể “chạm đến hồn muôn người”, tư tưởng “nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi không gì hơn đã khiến độc giả cảm động bởi tấm lòng yêu thương dân đen con đỏ, một lòng vì nước, vì dân. Do đó, nó là chân giá trị được ngợi ca và truyền tụng bao thế hệ.
Từ những trở trăn khôn nguôn về việc nước tình dân, nhà thơ phóng chiếu cái nhìn của mình về vấn đề chủ quyền dân tộc, về độc lập, tự do của giang sơn:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có".
Trong đoạn thơ trên, một lần nữa thi hào Nguyễn Trãi khẳng định nền văn hiến lâu đời, khẳng định chiều dài lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc, lập luận một cách hào sảng những chiến tích lừng lẫy của cha ông ta để góp phần giữ giang sơn vững chắc. Nếu như trước đó, trong “Nam quốc sơn hà”, tác giả Lý Thường Kiệt cũng khẳng định độc lập về chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc, nhưng dựa vào những chứng cứ sách lực siêu nhiên là “thiên thư”, phần nào có sự trừu tượng, xa xôi. Nhưng đến Nguyễn Trãi, ông đã lấy quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc để làm bảo chứng, do đó vô cùng thuyết phục, gần gũi, mà rất đỗi thiêng liêng cao cả. Đồng thời, việc đặt ngang hàng nước ta với các nước phương Bắc phần nào giúp ta thấy được niềm tự hào, vẻ vang của chiều dài lịch sử dân tộc. Đặc biệt, trong đoạn thơ này, Nguyễn Trãi không chỉ khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, mà còn thể hiện niềm tin sắt đá vào các thế hệ anh hùng hào kiệt, hiền tài quốc gia, đặt vào trong bối cảnh lúc bấy giờ, đó phần nào cũng thể hiện sự mới mẻ, tiến bộ của thi hào Nguyễn Trãi.
Để tiếp tục khẳng định những chiến tích hào sảng của dân tộc, nhà thơ tiếp tục đưa ra một loạt dẫn chứng thép khẳng định đanh thép, người đã nhắc lại nhiều chiến thắng lừng lẫy của nước Đại Việt như một lời khẳng định sự thất bại thảm hại của kẻ thù:
"Lưu Cung tham công nên thất bại,
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.
Việc xưa xem xét,
Chứng cớ còn ghi".
Thất bại đấy của quân địch không chỉ thể hiện tham vọng cuồng vọng của quân địch, phải chuốc lấy tiêu vong, mà còn phần nào thể hiện khí thế hào hùng, tầm vóc lớn lao của anh hùng dân tộc. Đồng thời, nó giống như một bản bảo chứng hùng hồn, đanh thép cho những kẻ muốn lăm le xâm lược đất nước ta, rằng chúng chắc chắn sẽ chuốc lấy bại vong. Cách dùng những dẫn chứng mang tính liệt kê dồn dập phần nào giúp ta thấy được mạch khí thế oai phong, lẫm liệt, niềm tự hào vang dội của người viết bài cáo.
Đại cáo Bình Ngô, giống như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai đầy hào sảng của dân tộc Đại Việt. Đoạn thơ một vừa mở đầu như một khúc hùng ca hân hoan, vang vọng chiến công, chiến tích lẫy lừng để đanh thép buộc tội quân giặc man rợ ở phía sau.