Với cách tạo tình huống vô cùng sáng tạo mà đầy tự nhiên “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện được tình cha con sâu nặng, thiêng liêng trong hoàn cảnh của cuộc chiến tranh tàn khốc, không chỉ là một câu chuyện kể mà nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật được nhà văn sử dụng rất thành công trong việc khắc họa hình ảnh, tâm lí nhân vật bé Thu vô cùng ấn tượng đối với người đọc.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, có biết bao hoàn cảnh, câu chuyện đau thương cho những con người đang phải hứng chịu cảnh bom rơi đạn nổ lúc bấy giờ, hạnh phúc phải chi là rất ngắn ngủi mong manh như hoàn cảnh của bé Thu trong Chiếc lược ngà, cũng là một người pgari chịu cảnh xa cha, mất cha trong cuộc chiến tranh đầy phi nghĩa đó.
Vì chiến tranh mà bé Thu chưa được một lần gặp cha mình kể từ lúc sinh ra, những hình ảnh về cha quý giá nhất với Thu chắc có lẽ chỉ đơn thuần là những bức ảnh treo ở nhà, sự thiệt thòi và nỗi buồn chưa một lần gặp cha của cô bé càng làm cho chúng cha thấy xót xa, Thu còn quá bé để có thấu hiểu được.
Câu chuyện với hai tình huống chính làm cho người đọc đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, và cuối cùng là sự vỡ òa trong xúc động. Tình huống thứ nhất khi mà người cha yêu vợ thương con sau bao ngày xa cách cũng được về nhà với thời gian ngắn ngủi, để có thể nhìn được đứa con gái bé bỏng của mình, được nghe một lần tiếng gọi cha, nhưng trớ trêu thay, bé Thu lại vô cùng ngơ ngác và lạ lẫm, chạy biến đi gọi mẹ, khiến anh Sáu đau lòng biết bao. Khi được mẹ giải thích và nói đây là ba nhưng cô bé hoàn toàn không chấp nhận chỉ một lẽ ba không giống trong những bức hình mà cô bé hay nhìn. Chính vì vậy mà cô bé đã nói trống không khi buộc phải nói chuyện với cha mình “Cơm chín rồi/ Vô ăn cơm/ Con kêu rồi mà người ta không nghe…” Nụ cười như mếu của anh Sáu càng làm cho người đọc cảm thông hơn.
Những hành động ương bướng có phần hơi dữ dội thái quá của cô bé đã làm anh Sáu tức giận và không kiềm chế được đánh cô bé, với tâm lí của đứa trẻ con mới bảy tám tuổi, thì tất nhiên cô bé vô cùng buồn và tức giận, Thu đã đến nhà bà ngoại. nhưng tại đây, khi được ngoại giải thích, lí giải vì sao ba lại có vết sẹo dài đó, cuộc sống của ba gian khổ như thế nào, và chính chiến tranh để khiến cho ba có một vết thương như thế. Thu đã vô cùng buồn và áy náy, cô bé trăn trở mãi “nằm im, lăn lộn, thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn…”
Sáng sau khi được ngoại đưa về nhà, đến lúc nhận ra cha thì cũng là lúc phải chia li giữa hai cha con. Vài phút ngắn ngủi bên nhau nhưng lại làm cho tất thảy mọi người không cầm được nước mắt, giây phút đó cô bé đã bộc lộ ra tất cả những nỗi niềm cảm xúc, nỗi đau đớn khi sau bao tháng ngày cô bé mới được bên cha, sự trăn trở, giằn vặt, áy náy như một động lực vô hình giúp Thu vượt qua mọi rào cản để ở ôm ấp, và đưa thân hình bé nhỏ ôm chặt trong vòng tay cha.
Chúng ta hoàn toàn có thể cảm thông và hiểu được hành động của cô bé, nó phù hợp lứa tuổi của Thu thể hiện qua sự ương bướng rất trẻ con nhưng có khi lại hồn nhiên làm điệu bộ như người lớn. chỉ có một điều là cô bé không chịu nhận cha chỉ vì sự khác nhau giữa ba hiện tại và ba trong ảnh, đó có thể là sự cố chấp mà tất thảy những đứa trẻ đồng trang lứa đều có chăng. Nhưng trước lúc chia li thì tất cả như vỡ òa cảm xúc, Thu “ôm chặt lấy ba” tiếng khóc nấc nghẹn ngào không cho ba đi,… làm cho người đọc dâng trào một nỗi niềm cảm xúc tình cha con thật cao cả và thiêng liêng, trân quý xiết bao.
Nguyễn Quang Sáng đã vô cùng thành công trong việc khắc họa hình ảnh cũng như tâm lí nhân vật bé Thu, cách miêu tả hành động cũng như lời nói của cô bé cho chúng ta thấy cô bé là người có cá tính mạnh, tình cảm yêu ghét rõ ràng. Chút ương bướng của một đứa trẻ nhưng thi thoảng lại nguy ngẫm như người lớn càng làm cho chúng ta thêm yêu quý và thương cảm cho sự thiếu thốn tình cha của cô bé. Nhân vật bé Thu trong Chiếc lược ngà đã để lại một dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người đọc, người nghe.