Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích bài “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến

1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
857
0
0
Tô Hương Liên
06/08/2017 19:41:51

1. Vài nét về tác giả và tác phẩm
Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, hiệu là Quế Sơn. Ở làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (nay thuộc Hà Nam Ninh). Ông vốn dòng dõi nhà nho nghèo. Học giỏi, ông đỗ đầu cả ba kỳ thi (thi hương, thi hội, thi đình) nên gọi ông là Tam Nguyên Yên Đổ. Ông làm quan đến chức Tống đốc. Năm 1883, buồn vì không làm được ích lợi cho quốc gia trong khuôn khố của chế độ thực dân, ông cáo quan về dạy học. Tác phẩm của ông gồm có Quế Sơn thi tập bằng chữ Hán và nhiều thơ, văn, câu đối bằng chữ Nôm, hầu hết được sáng tác trong thời gian cáo quan về nhà. Ông mất năm 1909.

2. Thời đại Nguyễn Khuyến và hoàn cảnh sáng tác của bài thơ.
Cuộc đời Nguyễn Khuyến nằm gọn trong cảnh “nước mất nhà tan”. Bên cạnh triều đình bù nhìn, hèn nhát, phản bội quyền lợi của dân tộc, có những tên bán nước, cầu vinh, có những người cố tình bưng tai bịt mắt để trục lợi, có những kẻ làm quan chỉ nhằm đục khoét của dân, có những phường “vá áo túi cơm” mang danh khoa bảng mà bất tài, bất lực..v..v. Ngòi bút đả kích của Nguyễn Khuyến đã chỉa thẳng vào những con người ấy, kể cả bọn thực dân “Vịnh Kiều, Ồng Nghè tháng Tám, Hỏi thăm quan tuần mất cướp, Hội Tây, Gục nhe…”

Đời sống của nhân dân dưới hai tầng áp bức bóc lột, ngày càng cơ cực- thiên tai đe dọa, sưu thuế nặng nề… Lâu năm sống ở nông thôn, ông rung cảm với cảnh sống của người nông dân một cách sâu sắc. Những mũi tên trào phúng của ông bắn vào bọn thống trị đương thời. Tấm lòng yêu nước của ông lắng sâu trong lòng. Nhiều lúc ông thấy phải xa lánh cuộc đời xấu xa, lánh những thực tế đau buồn để hòa vào thiên nhiên cho tâm hồn chơi vơi trên mặt nước, bay trên từng mây. Bài Thu Điếu được sáng tác trong hoàn cảnh như vậy. Ta còn rung cảm qua bài thơ chính là vì hình tượng tâm tư của tác giả, vì thái độ phán kháng, dù là tiêu cực, của một con người có tài không chịu khuất phục bọn cướp nước và bán nước.

3. Phân tích bài thơ
Quan hệ đồng nhất hay chủ đề của bài thơ này là gì? Ta phân tích cấu trúc của bài thơ mới có thể xác nhận được.
Câu “thừa” đặt vấn đề, nói đến người đi câu:
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Câu “thực” lẽ ra phải miêu tả buổi câu cá, nhưng tác giả chỉ miêu tả thiên chiên:
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lả vàng trước gió khẽ đưa vèo
Câu “luận” lẽ ra phải luận về câu cá, nhưng tác giả cũng chỉ nói đến thiên nhiên:
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Nqõ trúc quanh co khách vắng teo
Câu “kết” nói rõ: Câu mãi mà không được cá, thực ra cũng chằng kết luận gì về câu cá.

Vậy thì tác giả diễn tả cái gì trong bài thơ này? Phải phân tích những yếu tố trong bài thơ và những nét đối lập giữa chúng với nhau mới thấy được. Bài thơ thể hiện hai trạng thái đối lập nhau: tĩnh và động, nhưng tĩnh nhiều hơn động:

Ao thu lạnh lẽo, nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Từng mây lơ lửng, trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được.

Chỉ có tiếng động khẽ phá vỡ không khí yên tĩnh này:
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Tác dụng của hai tiếng động khẽ ấy nêu rõ được tính chất của trạng thái yên tĩnh và của bức tranh hiện thực:

Người câu cá (tác giả) ngồi trên thuyền câu “tựa gối ôm cần”, nhưng không phải để câu cá mà là để nhìn mặt nước và “sóng biếc theo làn hơi gợn tí”. Bỗng chiếc lá vàng bay vèo trước mắt, kéo ông trở về thực tại, rồi ông ngước mắt nhìn lên: “từng mây lơ lửng trời xanh ngắt” rồi lại nhìn xuống đất: “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Rồi bỗng “Cá đâu đớp động dưới chân bèo” làm ông chú ý tới việc đi câu và mới biết mình: “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được”. Rõ ràng tác giả không tả buổi câu cá, mà chỉ tả cái dáng điệu người câu cá. Thông qua dáng người câu cá, tác giả miêu tả tâm trạng cô đơn của mình.

Những từ ngữ miêu tả tâm trạng cô đơn, vắng vẻ trong bài thơ là những yếu tố chủ yếu diễn đạt hệ thống tâm tư của nhà thơ. Thuyền câu ở đây cũng không phải là một “con thuyền” linh hoạt như thuyền của ông Tô Tử trên sông Xích Bích:

Ông Tô Tử qua chơi sông Xích Bích
Một con thuyền với một túi thơ
Cũng không phải là một “lá thuyền” mơ mộng:
Thuyền một lá xông pha dòng Bạch Lộ
Nhởn nhơ nhường lên bến tiên hương
mà là một chiếc thuyền cô đơn, bé tẻo teo.

Sự bé nhỏ của chiếc thuyền càng làm tăng thêm cảnh “lạnh lẽo” của ao thu, đồng thời như quên cả cái tồn tại vật chất bên ngoài, mà chỉ còn lại cái suy tưởng bên trong của người câu cá. Tất cả là vắng vẻ, cô đơn. Nhà thơ chìm đắm triền miên trong dòng suy tưởng. Nhìn lên bầu trời thì:

Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Mây cũng chơi vơi ở giữa bầu trời bao la xanh ngắt, không trung êm ắng, mọi hoạt động như ngừng đọng. Nhìn xuống đất thì chung quanh ao cũng đượm một màu hiu quạnh:

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Ngõ trúc bên ao cũng mang hình ảnh ngõ trúc của nhà tác giả. Dù nhìn xuống mặt nước, nhìn ra chung quanh, nhìn lên trời hay xuống đất, lúc nào cái nhìn của nhà thơ cũng là cái nhìn trong suy tưởng.

Bài làm thứ 2:
“Thu điếu” là một trong ba bài thư viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến rất nổi tiếng xưa nay. Mùa thu đã thú vị, mùa thu ngồi câu cá lại càng thú vị hơn. Niềm thú vị ấy đã trở thành cảm hứng cho một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Khuyến.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến giới thiệu và hạn định khái quát nơi phát sinh cảm hứng với câu phá đề:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Địa điểm là ao, thời gian là thu, một mùa thu. Hai từ “ao”, “thu” được kết hợp thành một nghĩa “ao thu”, một thứ ao riêng chỉ đến mùa thu mới có những nét ấy. Cảm xúc ban đầu của Nguyễn Khuyến về ao thu được phát hiện nhờ tính chất “lạnh lẽo” và “nước “trong veo”. Chính nhờ vậy mà lòng nhà thơ tràn trề cảm hứng. Sau một mùa hạ nóng nực, kéo dài, cái “lạnh lẽo” của mùa thu với bao cảm xúc, cái lạnh nhưng lại có “nước trong veo”. Ao lạnh, nước yên, nước trong nhìn tận đáy. Trời cũng lặng gió, bầu trời cũng phải thật trong, nước mới có thể “trong veo” như thế. Cái “ao” ở đây gợi lên một cái gì rất thân quen bình dị trong cuộc sống ở nông thôn.

Trên cái nền ấy là hình ảnh người ngồi câu cá.
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.

Người ngồi câu cá không phải ngồi trên bờ như những người khác ngồi mà ngồi trên “một chiếc thuyền câu”, vì thế tầm nhìn rộng hơn, bao quát hơn. Nhà thơ lại ngồi trên một chiếc thuyền câu “bé tẻo teo” nghĩa là rất nhỏ có thể đó là một thứ “thuyền thúng” rất phổ biến ở vùng quê miền Bắc, vừa vặn cho một người ngồi. Vừa thực mà vừa mơ, cả không gian như co lại trong cái lạnh mùa thu và trên chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Nhờ vậy nhà thơ đã nhận ra nhiều vẻ của mùa thu:

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.

Trong bốn câu thơ trên, hai câu thực là cảnh gần, hai câu luận là cảnh xa. Cảnh gần thì có “sóng biếc gợn” và lá vàng đưa tiếng và hình cực nhỏ cuối hai câu nổi lên hai từ “tí”, “vèo”, một từ diễn tả sự cực nhỏ của hình khối, một từ diễn tả sự cực nhỏ, của âm thanh. Vẻ tĩnh lặng của mùa thu cứ tăng dần qua từng cấp độ. Không gian động mà tĩnh ở hai câu luận, cảnh thu như xa hơn một chút, cảnh ngoài giới hạn của ao thu, phía trên là bầu trời mùa thu, trước mắt là làng xóm mùa thu. Trời thu xanh, xóm làng thì vắng vẻ. Trời thu thì xanh ngắt, đó cũng là điểm đặc trưng khơi gợi của trời thu.

Từng mây lơ lửng ở bên dưới là để làm rõ thêm trời xanh ngắt. Một cái nhìn và cảm thật tinh tế! Cảnh xóm làng thì vắng vẻ gần như tuyệt đối: “vắng teo”. Hai câu kết con người mới xuất hiện, chính là tác giả bài thơ:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được.

Một tư thế có thể ngồi lâu để mà vừa câu cá, vừa trầm tư, thưởng thức cái cảnh đẹp của mùa thu. Nhưng ngồi đã lâu mà vẫn chưa có cá. Hình như nhà thơ chỉ một điều gì đó mà chính mình cũng không rõ.

Thế rồi “Cả đâu đớp động dưới chân bèo”

Một câu kết mơ hồ mà cũng như có thực: Có thể cá cắn câu mà cũng có thể không. Cái rung động nhẹ nhành ấy khiến cả không gian mùa thu như lắng đọng lại.

“Thu điếu” với sự điêu luyện trong việc sử dụng tiếng nói dân tộc uyển chuyển, phong phú đạt đến mức tuyệt đối trong sáng và tinh tế. Nhờ đó đã diễn tả được vẻ đẹp giản dị thực sự của mùa thu ở những làng quê Việt Nam, đồng thời trong “Thu điếu” ta cũng nhận ra một vẻ đẹp của tâm hồn trong sáng tinh tế, mà giản dị, chân thành, gắn bó với quê hương và dân tộc.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×