Bài làm:
Cuối tháng 5, những người dân quê tôi lại bắt tay vào mùa thu hoạch lúa. Người làm ruộng thì mùa nào cũng hối hả, nhưng có lẽ, mùa gặt là mùa hối hả nhất. Bởi gia đình nào cũng vận động hết nhân lực ra đồng thu hoạch, cho thóc được nắng, để cày bừa cho đất ải, còn cấy vụ mùa. Nhìn thấy thóc vàng là nhìn thấy no ấm, vì thế, khi lúa được mùa, không khí đồng áng cũng vui vẻ hơn. Những ngả đường, những cánh đồng dẫn về làng đều tấp nập xe cộ, người gồng gánh... Lúa có thể sẽ được tuốt ngay tại đồng, hoặc được chở về nhà. Và phải khi nào phơi được khô, thóc vàng thơm, đổ vào bồ thì bà con mới yên tâm. Mùa lúa chín, cũng là lúc các em học sinh trong làng được nghỉ hè về phụ giúp gia đình, tiếng cười nói râm ran của các em làm xao động cả một cánh đồng. Những động tác chỉ bảo của cha mẹ hướng dẫn cầm liềm, cách gặt lúa như còn in đậm trong mỗi chúng ta. Vào mùa gặt, lúa trĩu bông và đó là công lao chăm sóc của cha mẹ, của những người nông dân lam lũ, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Với những người con xa quê, khi nhớ về mùa gặt, lại liên tưởng về mùa mà áo mẹ cha ướt bởi những giọt mồ hôi! Đó còn là mùa mà trán mẹ cha như nhăn nheo, cái nhăn nheo của vất vả, của nhọc nhằn. Mà mùa này, mưa giông chẳng cần báo trước. Không gì khổ bằng lúa ướt, giông tới thì mưa cũng vừa trút, chỗ lúa bị ướt phải phơi, hong khô thật kỹ chứ không là phải bỏ. Có mùa gặt thì nắng như đổ lửa, nhân dân phải chạy nắng, đi gặt khi tiếng gà chưa gáy, mặt trời chưa tỏ. Thế mới biết, để có hạt gạo ăn, người nông phải vất vả đến nhường nào.
Mỗi mùa lúa chín, những mẹ, người cha tần tảo vẫn thường dạy các con phải biết quý hạt gạo. Đó là hạt ngọc của trời, là mồ hôi nước mắt của bao người làm ra nó. Vậy nên, mỗi khi ăn cơm, có hạt nào rơi vãi, mẹ bảo nhặt vào bằng được, không được dẫm lên. Người không ăn thì để đó vật ăn. Cố gắng ăn hết cơm trong bát, đừng để thừa, trước khi rửa chén cũng tráng đi lớp cơm còn đó, đừng vứt đi dù chỉ một hạt nhỏ nhoi.
Mùa lúa chín, đi đâu cũng thấy bà con í ới hỏi thăm nhau “lúa năm nay được mùa không”, giá bán có cao không? Lúa càng trĩu hạt thì lưng cha mẹ càng còng. Trên gương mặt sạm đen vì nắng gió của những người nông dân. Tôi vẫn thấy màu nắng cũ, màu vàng của lúa, màu xanh với trắng của mây, màu tuổi thơ trên những cánh diều hay những ước mơ bé bỏng chập chờn trên cánh võng. Chỉ có bờ vai cha mẹ thì mòn đi, già hơn và chậm hơn. Còn những người con mong sao, ước mình là cơn gió mát, đổ về trên cánh đồng, hay ít nhất cũng là bóng cây cho cha mẹ bớt nóng, khô bớt mồ hôi. Và ao ước những mùa gặt nguyên lành, bình yên quê mình sẽ không bao giờ mất, để những người con xa quê, để mỗi người trong chúng ta, có lúc hoài niệm có thể trở về, tìm lại những ký ức đẹp trong lòng quê hương. Ở nơi đó có cha mẹ, có quê hương và có cả những mùa gặt- mùa lúa chín tình người.