- An Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL vừa có đồng bằng, vừa có núi, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình, nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Những năm qua, với mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và đưa An Giang vào vùng trọng điểm du lịch quốc gia, tỉnh luôn phấn đấu để trở thành một trong những trung tâm văn hóa - du lịch hấp dẫn.
Để thực hiện đạt mục tiêu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã chung tay hợp tác, khắc phục điểm yếu, nâng cao thế mạnh, đẩy mạnh hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư phát triển điểm đến, khai thác tài nguyên du lịch. Cùng với đẩy mạnh phát triển những điểm mới, sản phẩm mới phục vụ du khách và phát triển du lịch của tỉnh với tinh thần cầu thị, hợp tác với các đối tác để phát triển, công tác du lịch thời gian qua được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đổi mới, huy động được sự tham gia và ủng hộ của các cấp, ngành và toàn xã hội, góp phần cho du lịch phát triển. Sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng; phát huy thế mạnh loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa.
Tiềm năng, lợi thế du lịch An Giang
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Phạm Thế Triều cho biết: "Công tác quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch đến 25 tỉnh, thành phố, các thị trường du lịch trọng điểm trong cả nước, hoạt động du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao cấp vùng, quốc gia và quốc tế được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô hơn, tạo ấn tượng đẹp và thu hút đông đảo khách du lịch. Từ đó, lượng khách đến An Giang tăng đáng kể, 6 tháng đầu năm 2019, An Giang đã đón hơn 7 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 7,6% so cùng kỳ, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ năm 2018".
Song, vẫn phải nhìn nhận du lịch ở An Giang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao. Nói như bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: "Lượng khách du lịch đến An Giang còn rất khiêm tốn, thời gian lưu trú ngắn, dưới 1,5 ngày. Du khách đến An Giang hành hương xong rồi về, bởi hạ tầng du lịch của tỉnh còn hạn chế, nhất là cơ sở lưu trú, nhà hàng, trung tâm ẩm thực còn thiếu và yếu. Các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp chiếm tỷ trọng không đáng kể, hiệu quả kinh tế du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của địa phương"... Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách. Môi trường du lịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm và an toàn giao thông còn hạn chế. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được quan tâm đầu tư tương xứng. Nguồn nhân lực du lịch còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ làm công tác du lịch trực tiếp như: hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên, tiếp tân... đa số chưa qua đào tạo chuyên nghiệp.
An Giang định hướng xây dựng du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có uy tín và sức cạnh tranh cao trong khu vực ĐBSCL và cả nước. Huy động các nguồn lực đầu tư để tăng nhanh số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, tụ điểm vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp... để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, hiện đại, dựa trên sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử; giữ gìn cảnh quan môi trường; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và của toàn xã hội. Phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh...
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm huy động nguồn lực tập trung xây dựng các khu vực trọng điểm; ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; phát triển các loại hình sản phẩm du lịch sông nước gắn với du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch theo hướng hiện đại, bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, triển khai thực hiện khung Đề án An Giang điện tử giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: áp dụng triệt để các công nghệ 4.0 trong ngành du lịch để tăng cường tương tác, trải nghiệm, khám phá của du khách. Xây dựng cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh hỗ trợ du khách. Kết nối các doanh nghiệp, ngân hàng, cơ quan nhà nước trong thương mại điện tử. Điểm mấu chốt quan trọng, tỉnh cần thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết về du lịch với các tỉnh, thành phố và các trung tâm du lịch lớn trong cả nước và quốc tế.