Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Qua những bài ca dao than thân em hãy làm rõ vẻ đẹp tâm hồn và cuộc sống con người bình dân trong xã hội xưa

1. Qua những bài ca dao than thân em hãy làm rõ vẻ đẹp tâm hồn và cuộc sống con người bình dân trong xã hội xưa.
2. Qua bài ca dao "khăn thương nhớ ai" em hãy cảm nhận và làm rõ vẻ đẹp của nhân vật trữ tình
3. Tình cảm vợ chồng son sắt thủy chung được bộc lộ trong bài ca dao tha thân - yêu thương tình cảm số 6 như thế nào?
6 trả lời
Hỏi chi tiết
17.320
30
10
Nghiêm Xuân Hậu ( ...
29/11/2017 19:45:57

Kho tàng văn học dân gian Việt Nam luôn là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Cùng với các thể loại khác, ra đời trong xã hội cũ, ca dao diễn tả tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước... không chỉ là lời ca yêu thương tình nghĩa, ca dao còn là tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời xót xa, cay đắng của người Việt Nam, đặc biệt là của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền quyết định trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã chà đạp lên quyền sống của họ, đàn ông được coi trọng, được quyền “năm thê bảy thiếp”, được nắm quyền hành trong xã hội, trong khi đó phụ nữ chỉ là những cái bóng mờ nhạt, không được coi trọng. Họ phải làm lụng, vất vả cung phụng chồng con, một nắng hai sương mà cuộc đời thì tăm tối. Họ phải cất lên tiếng nói của lòng mình.

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Tiếng nói đầy mặc cảm, cay đắng. Người phụ nữ ví mình như một tấm lụa được người ta bày bán giữa chợ. Thân phận họ cũng chỉ là vật giữa chợ đời bao người mua. Thân phận họ bé nhỏ và đáng thương quá đỗi. Hai từ “thân em” cất lên sao xót xa, tội nghiệp. Xã hội lúc bấy giờ đâu cho họ được tự do lựa chọn, ngay từ lúc sinh ra, được là người họ đã bị xã hội định đoạt, bị cha mẹ gả bán, họ không có sự lựa chọn nào khác:

“Thân em như con cá rô thia

Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu"

Không một lối thoát nào mở ra trước mắt, họ cảm thấy cuộc đời chỉ là kiếp nô lệ, bốn phía lưới giăng. Hình ảnh “Tấm lụa đào”, hay “con cá rô thia” trong hai câu ca dao trên là hình ảnh so sánh nghệ thuật. Hình ảnh này cho ta liên tưởng tới sự tầm thường, bé nhỏ của thân phận người phụ nữ: tấm lụa thì đem ra đổi bán, con cá rô thia thì được vùng vẫy đây nhưng chỉ trong chiếc ao tù. Hình ảnh con cá rô thia cho ta nghĩ đến người phụ nữ trong sự bủa vây của truyền thống, tập tạc, quan niệm phong kiến bao đời hà khắc, đến hạnh phúc của mình cũng không được quyền quyết định:

“Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy

Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa

Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa

Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời,

Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,

Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan”...

Bao khát khao bị kìm hãm, hạnh phúc lứa đôi bị rào cản phong tục đè nén, họ ngẫm mình và cất lên tiếng than cay đắng.

“Thân em như miếng cau khô

Người thanh chuộng mỏng, người khô tham dày”

Câu ca dao nào cũng đầy ai oán, số phận nào cũng được ví bằng những thứ bé nhỏ, tầm thường, đó là sự ý thức, sự phản kháng của những con người triền miên bất hạnh. Họ có quyền được sống, được tự do yêu đương, nhưng xã hội đã chà đạp lên quyền của họ, chỉ cho họ một cuộc đời lầm lũi, chua cay.

“Năm nay em đi làm dâu

Thân khác gì trâu mang theo ách

Năm nay em đi làm vợ

Thân mang cày, dây khiến không biết ai?

Em đi làm dâu không có mùa nghỉ, chỉ có mùa làm.”

Người con gái trong bài ca dao H’mông này đang than thân trách phận mình khi “xuất giá tòng phu’’. Họ lấy chồng, không phải vì hạnh phúc mà để làm một con vật lao động trong nhà chồng, một con vật suốt đời “theo ách” như trâu mang. Cuộc sống như khép lại trước mắt họ, chỉ thấy một sự trói buộc đến phũ phàng:

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra”

Có khi họ bị chồng đánh đập:

“Cái cò là cái cò quăm

Mày hay đánh vợ mày nằm với ai"

Có khi bị chồng phụ bạc:

“Nhớ xưa anh bủng anh beo

Tay bưng chén thuốc lại đèo múi chanh

Bây giờ anh mạnh anh lành

Anh tham duyên mới anh đành phụ tôi."

Ở lĩnh vực nào người phụ nữ xưa cũng không được quyền hạnh phúc. Cuộc sống không có tự do, tình yêu không được công nhận, hôn nhân không được định đoạt, quan hệ vợ chồng không được tôn trọng... Ở mặt nào họ cũng bị vùi dập xô đẩy, cũng không được quyền lên tiếng lựa chọn. Đến cả sự tỏ bày tình yêu cũng vô cùng tội nghiệp.

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen

Không tin bóc vỏ mà xem

Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi’’

Ở câu than thân nào họ cũng ví mình thật tội nghiệp, nào là tấm lụa, nào là hạt mưa, nào là miếng cau khô, rồi củ ấu gai... thứ nào cũng nhỏ nhoi, tội nghiệp. Hạt mưa thì chẳng biết rơi vào đâu, miếng cau thì tùy người chọn, còn củ ấu thì có vẻ đẹp bên trong mà không ai biết. Bài ca dao này là một sự giãi bày của người phụ nữ. Người phụ nữ muốn xã hội công nhận giá trị của mình, nhưng vẫn đầy tự ti: “Không tin bóc vỏ mà xem, ăn rồi mới biết là em ngọt bùi”. Một sự mời mọc ngập ngừng.

Có thể nói, những bài ca dao than thân trách phận không chỉ là lời than thở vì cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
17
4
Nghiêm Xuân Hậu ( ...
29/11/2017 19:46:44
2, Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề...
Bài ca dao thể hiện nỗi nhớ người yêu của một cô gái. Không chỉ nhớ mà còn có lo phiền, phấp phỏng. Chính sự lo phiền, phấp phỏng ấy đã làm cho nỗi nhớ còn thêm chiều sâu, khiến nỗi nhớ có thể làm lay tỉnh toàn bộ nhân cách con người.
Ca dao có rất nhiều bài nói về nỗi nhớ người yêu và mỗi bài lại toát lên một vẻ đẹp riêng. Thường thì nỗi nhớ ấy hay được thể hiện hoặc miêu tả một cách trực tiếp, dù các tác giả dân gian đã dùng rất nhiều ví von. Ở bài ca dao này, cách bày tỏ nỗi nhớ có nhiều điểm khác lạ. sắm vai một người đọc ngây thơ, ta sẽ thấy hình như nhân vật trữ tình dồn toàn bộ sự quan tâm cho khăn, cho đèn, cho mắt, tức là cho những đối tượng mà người ấy nhận rõ là chúng đang nhớ một ai đó. "Khăn thương nhớ ai", "Đèn thương nhớ ai", "Mắt thương nhớ ai" - với chừng ấy câu hỏi đặt ra cho những "người bạn" (riêng với khăn, câu hỏi được nhắc tới ba lần), dường như nhân vật trữ tình không còn mối bận tâm nào khác ngoài việc vỗ về, an ủi khăn, đèn, mắt. Nhưng ta chợt nhận ra một sự vô lí: ngoài khăn và đèn là những vật vô tri không thể biết nhớ, ngay cả mắt (người) đâu có phải là một sinh thể độc lập có thể biết tương tư? Vậy là nhân vật trữ tình đang sống trong cõi ảo, đang trò chuyện với những nhân vật ảo. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi con người có tâm sự quá đầy và bị "cầm tù" bởi tâm sự đó. Tâm sự tràn ra ngoại giới, phủ trùm cái bóng của mình lên tất cả, khiến mọi vật bỗng trở nên có hồn và có thể trở thành những đối tượng chuyện trò. Tuy nhiên, lúc này, chuyện trò với khăn, với đèn, với mắt thì cũng chỉ là chuyện trò với chính lòng mình mà thôi. Nói cách khác chuyện trò với ai, về cái gì, trong trường hợp này, cũng chỉ là một sự tự giãi bày.
Có thể hình dung: nhật vật trữ tình đang đắm mình trong nỗi nhớ nhung sầu muộn. Mọi cử chỉ bỗng hóa thẫn thờ. Chiếc khăn vắt hờ hững trên vai vô ý rơi xuống đất. Nhân vật trữ tình cúi nhặt và bỗng nhiên nhìn thấy khăn như nhìn thấy chính cõi lòng mình. Khăn ơi, tại sao mày lại rơi xuống đất? Mày đang nhớ thương ai vậy? Những câu hỏi rưng rưng nỗi niềm đã được đặt ra trong trạng thái mộng du của nhân vật trữ tình. Chúng không phản ánh cái gì khác ngoài cõi lòng người hỏi. Nói khăn và đèn được nhân hóa thì cũng đúng. Nhưng có lẽ đúng hơn nếu nói chúng là hình ảnh của nhân vật trữ tình được khúc xạ qua một tấm gương soi đặc biệt. Những động thái của chúng không có ý nghĩa độc lập mà chỉ là sự phản chiếu những cử chỉ và diễn biến tâm lí đa dạng, phức tạp của tác giả bài ca dao. Người ta thường nói ca dao có vẻ đẹp mộc mạc, giản dị. Trong trường hợp này, sự giản dị, mộc mạc vẫn thể hiện (đặc biệt qua hệ thống những hình ảnh gần gũi và qua lời nói "trong suốt", không trang sức), nhưng không vì thế mà cái ảo diệu biến hóa lại không để lại dấu ấn đậm nét.
Tuy đi sâu vào chốn u uẩn của cõi lòng, bài ca dao vẫn giữ được tính mạch lạc của cấu trúc. Các hình ảnh khăn, đèn, mắt không hề xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Khăn vắt vai, khăn để chùi nước mắt, ngọn đèn thắp chong canh dài, đôi mắt đẫm lệkhông chịu nhắm ngủ - đó đều là những hình ảnh có tính đặc thù mà thơ ca (trong đó có ca dao) thường mượn để thể hiện tâm trạng nhớ nhung, thao thức. Chúng liên kết với nhau một cách chặt chẽ nhằm biểu đạt một chủ đề thống nhất. Giữa chiếc khăn và đôi mắt có mối liên hệ thế nào, chính bài ca dao đã nói rõ. Còn ngọn đèn? Nó cũng có thể được hiểu là một con mắt khác thức thi với mắt người giữa đêm thâu vời vợi. Chẳng phải ngọn đèn vẫn thường làm bạn với ta mỗi khi ta có điều lo nghĩ đó sao? Một điều đáng lưu ý nữa là trình tự xuất hiện của các hình ảnh. Khăn xuất hiện trước rồi đến đèn và sau cùng là mắt. Có một sự dịch chuyển từ xa đến gần của các hình ảnh, từ sự vật bên ngoài đến chính con người tác giả. Nỗi nhớ càng được thổ lộ lại càng nồng nàn - nồng nàn đến mức làm rung lên toàn bộ thế giới tâm hồn của nhân vật trữ tình và xét về hiệu quả thẩm mĩ, nó cũng làm biến chuyển cả nhịp thơ. Sáu dòng thơ đầu dành để tâm sự cùng khăn. Chúng mang nhịp điệu kể lể đều đều, ri rả và có giọng bùi ngùi. Bốn dòng thơ sau được san đôi, dành sự "quan tâm" cho cả đèn và mắt. Nhịp thơ gấp gáp hơn trong một kiểu liệt kê hối hả. Nhân vật trữ tình đã chạm đến đáy tâm sự và niềm thao thức của mình. Trạng thái mộng du dần tan để trả con người về với sự kiểm soát của lí trí. Một giai đoạn của cảm xúc thế là đã qua đi.
Hai dòng cuối của bài ca dao là một câu lục bát mênh mang nỗi niềm. Con thuyền thơ, sau lúc tự để mình rơi vào vòng vây của nỗi nhớ chập chùng, đã thoát ra với không gian trầm tư lặng lẽ. Tuy nhiên, không thể bảo rằng nhân vật trữ tình - người chèo lái nó - đã tìm được sự bình yên. Những con sóng ưu phiền khác đang lao xao bủa đến... Nhìn chung, việc thay đổi thể thơ ở đây rất có ý nghĩa. Một mặt nó báo hiệu sự chuyển biến tinh tế trong dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình, mặt khác nó đảm bảo chức năng điều hòa nhịp thở của người diễn xướng, người đọc, không để tiếp diễn sự kể lể có nguy cơ kéo bài ca dao rơi vào tình trạng dài dòng, gây nên cảm giác căng thẳng không cần thiết. Sự bộc lộ trực tiếp tâm trạng dưới hình thức mờ tối, rối rắm của chính tâm trạng đã được thay thế bằng một nhận định khái quát về cái tính chất của tâm trạng đã được thay thế bằng một nhận định khái quát về cái tính chất của tâm trạng. Nhân vật trữ tình hiểu rằng mình đã lo phiền và cũng biết nguyên nhân của nỗi lo phiền ấy. Yêu nhau nhiều nhưng dễ gì đến được với nhau, lấy được nhau. Bao nhiêu chuyện phải bận lòng, bao nhiêu thứ có thể cản trở hạnh phúc. Cô gái nói "Lo vì một nỗi không yên một bề" - chỉ một bề nhưng lại bề bề nỗi lo, bởi bề ấy không thuộc bề (tức là phía) cô gái, mà thuộc về bề cô không thể làm chủ, không thể chi phối được.
Bài Khăn thương nhớ ai... ta vừa "đọc" đáng được xem là một trong những bài hay nhất trong kho tàng ca dao dân tộc.
15
3
Nghiêm Xuân Hậu ( ...
29/11/2017 19:47:47
3,

- Bài ca dao diễn tả tình cảm thương nhớ của lứa đôi yêu nhau qua những biểu tượng bình dị, gần gũi: khăn, đèn, mắt. Tác giả dân gian đã sử dụng phét nhân hóa (khăn, đèn) và phép hoán dụ (mắt) để bộc lộ một cách ý nhị, kín đáo tâm tư, tình cảm của cô gái đối với người mình yêu.

   + Chiếc khăn được hỏi đến đầu tiên và nhiều nhất thể hiện nỗi nhớ triền miên, da diết cùng với đó là sự vận động lên, xuống, rơi, vắt làm hiện lên một cách rõ ràng tâm trạng bất an của người con gái.

   + Ngọn đèn: hiện thân của nỗi nhớ được đo theo thời gian, thể hiện tình yêu của người con gái luôn cháy sáng, không bao giờ lụi tắt.

   + Đôi mắt: là lời bộc bạch trực tiếp nỗi lòng của mình: nhớ thương người yêu nhưng lòng vẫn nặng trĩu ưu tư nên “Mắt ngủ không yên”.

10
4
Quỳnh Anh Đỗ
30/11/2017 12:37:58

Trong kho tàng ca dao truyền thống của ta, bộ phận nói về chủ đề than thân của người phụ nữ chiếm một tỉ lệ rất lớn và trong đó, đáng chú ý nhất là loại bài ngắn (hai câu lục bát hoặc bốn câu). Đó là một trong những mảng ca dao hay nhất, giàu ý nghĩa xã hội và cũng giàu chất ca dao nhất. Chúng thường được mớ đầu bằng những mô típ truyền thống quen thuộc: “Em như...” hoặc “Thân em...”. Đọc qua hoặc nghe qua thì thấy chúng có dáng dấp bề ngoài hao hao giống nhau, nhưng đi sâu vào từng bài cụ thể thì sẽ thấy mỗi câu, mỗi bài đều có những nét riêng không lặp lại về nội dung cũng như về nghệ thuật:

“Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”

Đây là niềm băn khoăn của cô con gái mới lớn, bước vào tuổi lấy chồng. Hình ảnh tấm lụa đào lộng lẫy tượng trưng cho nhan sắc và tuổi xuân phơi phới của người con gái đến tuổi dậy thì, chứng tỏ người con gái ý thức được rất rõ giá trị của mình. Nhưng đây không phải là tấm lụa đào cất trong rương, vắt trong nhà mà đem bán giữa chợ: phất phơ giữa chợ. Cô gái thấy mình đến tuổi gả bán. Trong điều kiện chưa có hôn nhân tự do, mà do mai mối đưa đường, người con gái cảm thấy như là đang ở giữa chợ. “Biết vào tay ai” là một băn khoăn, không phải sợ ế, sợ rẻ, mà chỉ sợ người chủ tương lai của đời mình sẽ thế nào. Đó cũng là câu hỏi của mọi cô gái đến tuổi lấy chồng, một băn khoăn rất thật, rất người.

“Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

Không tin bóc vỏ mà xem

Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi”.

Người con gái trong bài này lại có tâm trạng lo lắng khác. Cô tự biết phẩm chất của mình thơm thảo, ngọt ngào, nhưng hình như cô có bề ngoài không lấy làm hấp dẫn cho lắm, cô phải tự giới thiệu, chào mời và hứa hẹn về phẩm chất của mình.

“Trèo lên cây khế nửa ngày

Ai làm chua xót lòng này khế ơi!

Mặt trăng sánh với mặt trời,

Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng

Mình ơi có nhớ ta chăng?

Ta như sao vượt chờ trăng giữa trời”.

Người con gái trong bài này đã có người yêu, hai người đã khá tương xứng, đẹp đôi như mặt trăng sánh với mặt trời, sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng. Nhưng anh chàng hình như có gì trục trặc, giống như thay lòng đổi dạ. Nhưng người con gái thì kiên định chờ đợi một lòng.

Ca dao than thân, tình nghĩa là bách khoa thư về hàng nghìn, hàng vạn tâm trạng, số phận con người. Bài Khăn thương nhớ ai nói nỗi lòng tương tư nhớ thương bạn tình qua hình ảnh chiếc khăn, ngọn đèn, con mắt đã làm xúc động bao người. Hoài Thanh có lần nói, nếu chì hai câu sau: Mắt thương nhớ ai mà mắt không yên thì ta đã thấy hay rồi, nhưng là loại hay có thể hiểu được. Còn như hai câu đầu thì hay đẽn mức cơ hồ không hiểu được, không rõ hẳn là nói gì mà vẫn thấy hay. Tôi xem là một trong những câu ca dao hay nhất Việt Nam. Ca dao tương tư rất nhiều và cũng rất đa dạng. Chữ thương, chữ nhớ nói đi nói lại mãi vẫn cứ là mới và không lặp lại. Đây là bài ca dao rất độc đáo, nội dung và nghệ thuật của nó không trùng với bất kì bài ca dao nào khác. Ở đây hai từ thương, nhớ được dùng liền nhau, gắn với từ ai tạo thành một cụm từ điệp và điệp đến năm lần mà mỗi lần nghe đều thấy hay, không biết chán. Bởi vì cụm từ “thương nhớ ai” được gắn với một chủ thể riêng. Các chủ thể Khăn, đèn, mắt tuy khác nhau ahưng đều là một, cáu hỏi thay đổi nhưng câu trả lời thì vẫn giữ nguyên. Khi người ta yêu, mọi vật xung quanh như đều cùng yêu thương và thổn thức cả. Cái hay của bài này là ở đó. Thương, nhớ đều có nghĩa là yêu, nhưng nhớ là yêu mà xa cách, mà xa cách thì lo lắng không yên là rất dễ hiểu: Đêm qua em những lo phiền, Lo vì một nỗi chưa yên mọi bề.

“Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi".

Sinh ra trong một nước có nhiều sông ngòi, kênh rạch, hoàn cảnh tự nhiên cũng tác động đến tư duy con người. Nhưng cái ước vọng sông rộng một gang tay thì thật là chưa đâu có. Bởi độ rộng con sông phải tương xứng với vật liệu xây đắp cái cầu là cái dải yếm. Trong ca dao đã có cầu tre, cầu ván, cầu xây, có cầu cành hồng, cầu mồng tơi, cầu sợi chỉ... nhưng độc đáo nhất bài này là cầu dải yếm. Khi thiết kế ra chiếc cầu dải yếm, cô gái kiến trúc sư Việt Nam hẳn đang độ tuổi mười tám, đòi mươi, tình yêu vừa chớm, sức tưởng tượng dồi dào. Chiếc cầu này chỉ tồn tại trong tưởng tượng, trong ước vọng thầm kín giữa chàng và em, chỉ bắc riêng cho chàng sang chứ không cho mọi người, không phải là cầu công cộng. Đó là chiếc cầu tình yêu. Tình yêu luôn luôn đầy sáng kiến và sáng tạo, nó đẻ ra cái cầu kì diệu.

“Muối ba năm muối vẫn còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta nghĩa nặng tình dày

Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu nghìn ngày mới xa°.

Trong ca dao Việt Nam thường nói tới gừng cay, muối mặn khi nói về tình nghĩa. Muối không chỉ là khoáng chất thiết yếu của sự sống mà còn là thứ gia vị quý giá của thức ăn, có muối mới được đậm đà. Muối biểu tượng cho sự mặn mà, tình nghĩa. Người Nga đón khách quý thì đem bánh mì và muối ra mời khách nêm, coi như người trong một nhà. Gừng là biểu tượng của mọi sự cay đắng của cuộc đời. Gừng cay muối mặn tượng trưng cho cuộc đời cay đắng, ngọt bùi có nhau. Hai câu đầu bài ca dao nêu ra hai câu khởi hứng, vừa ẩn dụ, khẳng định vị mặn và vị cay vẫn có sức bền những ba năm, chín tháng. Cũng ví như “Đôi ta nghĩa nặng tình dày, Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu nghìn ngày mới xa”. Ba vạn sáu nghìn ngày tức là trăm năm, cũng tức là suốt đời, “bách niên giai lão”. Nói ba vạn sáu nghìn ngày không đơn giản chỉ vì cho hiệp vần, mà còn có ý nói tình đôi ta không phải tính năm, mà tính từng ngày, chúng ta yêu nhau từng ngày, có tính từng ngày thì mới ro được tình của ta. Nói mới xa mà thực là không xa hay nói cách khác chỉ đến chết mới cách xa.

Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa của Việt Nam thật phong phú, đa dạng. Chỉ tìm hiểu sơ sơ có sáu bài mà ta đã thấy biết bao tâm trạng của con người, biết bao khát vọng, lí tưởng, còn thấy được cái đẹp của biết bao hình ảnh, từ ngữ tài tình mà người bình dân đã sáng tạo ra. Đó là mảng ca dao chẳng những nuôi dưỡng cho ta những tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc, đậm đà tính chất dân tộc, mà còn là cả một kho tàng nghệ thuật ngôn từ độc đáo đến bất ngờ, đủ cho ta yêu mến, khâm phục, kích thích ta sáng tạo.

10
2
Quỳnh Anh Đỗ
30/11/2017 12:39:52

Trong nền văn học Việt Nam từ thời xa xưa cho đến nay, cũng như rất nhiều thể loại từ: ca dao, tục ngữ, thơ ca… cho đến văn xuôi đều có vô vàn những đề tài thú vị, nó gợi lên rất nhiều cảm xúc ngọt ngào, tâm tư tình cảm của ông cha ta, những con nguời sống bình dị với tình yêu quê huơng đất nuớc, tình cảm giữa nguời với nguời, với những hình ảnh đặc trưng cho những nguời nông dân. Đặc biệt hơn, tình yêu đôi lứa là đề tài muôn thuở, những bài thơ, ca dao mang đậm âm huởng tình yêu đôi lứa của nguời xưa nhưng luôn gắn liền với đất nuớc, với gia đình. Bài thơ “Khăn thuơng nhớ ai” cũng vậy, nói đến tình yêu, niềm thuơng nhớ của cô gái, nhớ đến da diết cồn cào mà không dễ dàng bộc lộ phải gửi gắm niềm nhớ ấy vào chiếc khăn, những câu hỏi như nén chặt nỗi thuơng nhớ vào trong.

Không phải tự nhiên bài ca dao này được người ta nhớ đến với tên gọi "Khăn thương nhớ ai". Hình ảnh chiếc khăn ấy không chỉ là biểu tượng khởi nguồn cho nỗi nhớ thuơng của cô gái mà còn là hình ảnh được lặp lại nhiều nhất với nhiều tình huống khác nhau. Mở đầu bài ca dao, tác giả đã nói đến nỗi nhớ thương ai đó của cô gái

Khăn thương nhớ ai?
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai?
Khăn chùi nước mắt
Trong xã hội phong kiến, phụ nữ luôn là tầng lớp duới, thấp cổ bé họng, kêu không ai nghe, than cũng không ai thấu. Bởi vậy họ chỉ biết gửi những dòng tâm sự, nỗi lòng ấy qua từng lời ca như xé ruột. Dễ cho chúng ta thấy, khăn là vật dụng rất quen thuộc đối với con người, nhất là đối với nguời phụ nữ. Trong những câu thơ trên, hình ảnh chiếc khăn lại được lặp đi lặp lại nhiều lần như điệp khúc nhớ thương triền miên, da diết. Đối với những đôi lứa yêu nhau, khăn là vật gần gũi, là vật trao duyên giữa đôi trai gái. Ở đây, chiếc khăn là hình ảnh được nhân hóa, từ vật thể vô hồn trở nên có tâm trạng, biết đau, biết nhớ, biết vui, biết buồn và là đối tuợng để cô gái có thể thể hiện được tình cảm, cảm xúc của mình. Ba lần hỏi “khăn thương nhớ ai” mỗi lần nỗi nhớ lại càng dâng trào, ngổn ngang trăm mối, bao trùm khắp không gian: rơi xuống đất, vắt lên vai. Nguời xưa có câu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” và với cao độ là khi chiếc khăn giúp cô gái dấu đi những giọt nước mắt thầm khóc. Sáu dòng thơ đuợc tác giả sử dụng với đa số thanh bằng gợi nỗi niềm bâng khuâng da diết đậm màu sắc nữ tính, đầy kín đáo nỗi nhớ thương. Sau khi mượn hình ảnh khăn để nói lên nỗi niềm ấy, cô gái lại tiếp tục thể hiện nỗi niềm qua hai thứ quen thuộc gắn liền với khuôn mặt:
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Tác giả vẫn sử dụng biện pháp nhân hoá nhưng ở hình ảnh cây đèn này nỗi nhớ được trải dài theo thời gian. Hình ảnh đèn không tắt chính là hình ảnh ngọn lửa thương nhớ luôn đang cháy rực trong tim. Người con gái đang trằn trọc trong đêm nhớ thương đằng đẳng. Hình ảnh cuối cùng đuợc nhắc đến lại trở thành biểu tượng gần gũi nhất nói lên nỗi niềm tâm trạng cô gái là đôi mắt. Dù những câu hỏi đặt ra với chiếc khăn, ngọn đèn là sự phân thân trong tâm trạng cô gái nhưng đó vẫn chỉ là cách gián tiếp nhưng nỗi nhớ thì cứ da diết, cứ bồn chồn và đến lúc không thể kìm nén. Cô gái đã hỏi mình, trực tiếp bộc lộ nỗi lòng qua đôi mắt. "Mắt ngủ không yên" tạo nên sự đối xứng đẹp với "đèn không tắt" ở trên, hình ảnh đã gợi lên khung cảnh rất thực: một cô gái giữa đêm khuya đối diện với ngọn đèn mà nhớ đến người thương. Vì "mắt ngủ không yên" nên "đèn không tắt". Nói đến đèn cũng chỉ nhắc đến người thương ấy mà thôi. Ngọn đèn chiếu vào đôi mắt, càng thấy nỗi thương nhớ vời vợi khôn nguôi. Mười câu thơ cùng năm câu hỏi không lời đáp. Điệp khúc thương nhớ ai trở đi trở lại như xoáy vào nỗi niềm da diết. Năm lần thương nhớ và năm lần từ "ai" xuất hiện. Từ "ai" mang ý phiếm chỉ, gợi lên 1 nỗi nhớ thương sâu thẳm không giới hạn. Từ "ai" không xác định cụ thể đối tượng, nhưng người nghe hiểu được "ai" là ai. Hỏi không có câu trả lời, nhưng thực câu trả lời đã nằm trong giọng điệu câu ca kia. Không cần nói rõ, không quá cầu kì nhưng nỗi nhớ đã được bộc lộ 1 cách kín đáo, gợi cảm, sâu sắc, mãnh liệt. Kết thúc bài ca dao là hai câu thơ:
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề
Từ nhịp thơ bốn chữ dồn dập và gây rung động lạ kỳ chuyển sang lục bát nhẹ nhàng và xao xuyến, bởi lẽ, cô gái một mực thương nhớ người yêu vẫn biết lo lắng cho số phận trái ngang của mình. Chỉ với những dòng thơ ngắn mà bao cảm xúc được dồn nén chất chứa đuợc thể hiện. Cảm xúc của nhân vật cô gái không sử dụng những động từ mạnh để biểu đạt nhưng với những hình ảnh lặp lại và với tình cảm chất chứa trong đó được gửi gắm bao điều đẹp đẽ cũng như tâm lý chung của trai gái trong tình yêu.

Bài ca với những lời lẽ bình dị, mộc mạc nhưng chân thành và sâu sắc. với sự lặp lại để diễn tả tâm trạng, những hình ảnh biểu tượng, phép nhân hóa đuợc sử dụng triệt để để tăng thêm sức sống cho hình ảnh, lối gieo vần linh họat, cấu tạo truyền thống kết hợp thơ bốn chữ với hai câu lục bát. “Khăn thương nhớ ai” đã lột tả được tâm trạng nhớ thương nguời yêu da diết khôn nguôi của nguời phụ nữ xưa dù rất kín đáo, ý nhị và nhẹ nhàng.

4
0
Quỳnh Anh Đỗ
30/11/2017 12:41:20
Phụ nữ Việt Nam là những người chung thủy, sống trọn tình vẹn nghĩa. Hình ảnh hòn vọng phu - đá trông chồng là biểu tượng cảm động nhất về lòng chung thủy trọn vẹn với chồng của người phụ nữ Việt Nam.
Trong kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam có vô vàn câu ca viết về tình yêu chung thủy của người phụ nữ:
Yêu anh cốt rũ xương mòn
Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh
(Ca dao)
Người phụ nữ Việt Nam khi yêu ai là dành trọn vẹn tình cảm cho người đó, một lòng trung thành, gắn bó với người mình yêu:
Chừng nào muối ngọt chanh thanh
Em đây mới dám bỏ anh lấy chồng
(Ca dao)
Chuyện trầu cau là một trong những câu chuyện cổ tích đầy thương cảm viết về lòng chung thủy, trong cả tình anh em lẫn nghĩa vợ chồng.
Dưới thời phong kiến, thân phận người phụ nữ hết sức nhỏ bé và thiệt thòi. Dù sống trong vất vả, hy sinh, người phụ nữ vẫn luôn là người thuỷ chung, giàu tình nghĩa:
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người
(Ca dao)
Keo sơn khăng khít trong tình nghĩa vợ chồng, nên người phụ nữ Việt Nam không dễ thay lòng đổi dạ. Họ dồn tất cả tâm tư, tình cảm, sức lực cho việc vun đắp hạnh phúc gia đình. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào họ cũng một lòng một dạ với chồng, giữ vẹn trinh tiết:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu răn mình
(Nguyễn Đình Chiểu)
Lịch sử Việt Nam có bề dày mấy nghìn năm thì có đến hơn một nghìn năm là thời gian diễn ra các cuộc chiến tranh giữ nước. Những người đàn ông ra đi biền biệt, bỏ lại sau lưng ruộng đồng, nhà cửa, gánh nặng gia đình đặt lên vai người vợ. Và những người phụ nữ ngoài việc can đảm vượt mọi khó khăn, gánh vác việc nhà, còn chung thủy chờ chồng trở về trong ngày chiến thắng. Sự trung trinh ấy chính là nguồn động lực to lớn giúp người ra trận dũng cảm chiến đấu giành độc lập, tự do.
Thời kỳ hai miền Nam Bắc bị chia cắt, hàng chục vạn phụ nữ miền Nam có chồng con, anh em tập kết ra Bắc. Mặc dù bị chính quyền tay sai tìm mọi cách o ép, khống chế, trấn áp, họ vẫn chung thủy chờ đợi người thân. Và có biết bao người phụ nữ miền Bắc đã tiễn chồng lên đường vào Nam chiến đấu. Dù bặt tin chồng hàng chục năm trời, dù đã nhận được giấy báo tử, họ vẫn một lòng một dạ giữ tròn đạo nghĩa, thay chồng phụng dưỡng cha mẹ chồng, nuôi dạy con cái lớn khôn. Lòng chung thủy và nghị lực của họ thật đáng để chúng ta khâm phục và ca ngợi.
Thủy chung với cộng đồng, với đất nước
Phụ nữ Việt Nam là những người sống rất trung hậu, có tình có nghĩa, trước sau như một. Trong đối nhân xử thế, trong quan hệ giữa người với người, họ luôn là những người rất đề cao tình nghĩa, coi trọng đạo lý làm người. Với bạn bè, họ thường rất thân thiết, gắn bó, đói no, sướng khổ cũng không phụ nhau.Với bà con lối xóm, họ luôn gần cận, chia ngọt sẻ bùi, láng giềng "tắt lửa tối đèn có nhau". Trong tình đồng chí, đồng đội, họ là những sống chết có nhau.
Nhân ái - phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam
Phẩm chất nhân hậu, nhân ái, nghĩa tình có cội nguồn sâu xa từ bản chất con người, từ trái tim nhân ái của người phụ nữ Việt Nam. Nó được biểu hiện trong tình yêu thương rộng lớn đối với mọi người, thái độ quý trọng, yêu mến người khác, lòng vị tha, độ lượng, thương người… Lòng nhân ái có thể xem như là hạt nhân cơ bản trong tính cách người phụ nữ Việt Nam.
Chúng ta cũng biết rằng sức mạnh và vẻ đẹp Việt Nam, xưa và nay, cũng có nguồn gốc từ lòng nhân ái. Từ Hùng Vương, Nguyễn Trãi đến Hồ Chí Minh, tinh thần ấy là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Phải chăng, tinh thần ấy chính là từ người phụ nữ Việt Nam mà truyền đi và được nhân lên gấp bội? Bởi vì ở đây, hơn ở đâu hết, có vai trò của những người mẹ Việt Nam, những người mẹ xứng đáng với lời biểu dương của Hồ Chủ tịch: “Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh ra và nuôi dạy nên những thế hệ anh hùng của nước ta”.
Người phụ nữ Việt Nam vốn ý thức sâu sắc về tinh thần nhân bản “thương người như thể thương thân”. Lòng nhân ái của họ bắt nguồn từ ý thức "đồng bào" của những người con cùng sinh ra từ một bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ. Do vậy, họ luôn tự nhủ phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
(Ca dao)
Phẩm chất nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam trước hết bộc lộ ra trong chính gia đình - nơi hàng ngày họ vun vén chăm lo, thể hiện qua những cử chỉ quan tâm, âu yếm, thương yêu dành cho cha mẹ, chồng, con. Bản thân người phụ nữ dường như không còn thấy đặt ra nhu cầu hưởng thụ của bản thân mà dành mọi sự chăm lo cho chồng, con, cha mẹ. Ở đây, chúng ta thấy những người mẹ Việt Nam hy sinh trọn vẹn cho con cái, những người con gái, con dâu, nết na, thảo hiền đối với bậc trên.
Chính phẩm chất nhân hậu của người phụ nữ đã giúp cho tình cảm gia đình ngày một sâu sắc, tạo không khí yêu thương, gắn bó, là cơ sở cho một gia đình hạnh phúc.
Phẩm chất nhân hậu còn được thể hiện qua việc người phụ nữ luôn có ý thức coi trọng tình làng nghĩa xóm, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp, sống hòa mình vào tập thể để chia sẻ niềm vui cùng mọi người; Thể hiện thông qua lối sống tình nghĩa, truyền thống “uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách,
Phẩm chất nhân hậu của người phụ nữ còn thể hiện ở sự cảm thông, chia sẻ, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, những số phận chịu cảnh thiệt thòi. Đã có biết bao tấm gương những người phụ nữ cưu mang, che chở trẻ em lang thang, cơ nhỡ, người tàn tật không nơi nương tựa, bao dung, vị tha trong gia đình và ngoài xã hội, không xa lánh những người đã phạm lỗi lầm, tạo cơ hội cho họ tái hòa nhập cộng đồng, tìm lại cuộc sống đích thực.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k