Tối 28.2, tôi cầm lấy điện thoại xem clip cháu bé rơi từ ban công tầng 12 xuống mà lòng thắt lại. Khi đọc thêm thông tin từ clip, tôi mừng rỡ: Cháu bé không chết, có người cứu được rồi! Vợ tôi bật dậy, vừa tìm, đọc tin chi tiết các báo đăng vừa mừng mừng, tủi tủi trước thông tin về cháu bé xa lạ.
Điều kỳ diệu đã thực sự xảy ra, bởi một hành động anh hùng.
Hành động anh hùng đó đến từ một người bình thường – một anh lái xe tên là Nguyễn Ngọc Mạnh. Nếu không có chuyện khủng khiếp nhưng diệu kỳ này xảy ra, sẽ chẳng ai biết đến người thanh niên sinh năm 1990, làm nghề lái xe tải này. Anh chỉ là một trong số hàng triệu người đang lầm lũi mưu sinh trong thành phố ồn ã này, với những lo lắng quẩn quanh, đời thường: Tháng này có đủ tiền để nuôi các con ăn học, trang trải cho gia đình nhỏ của mình hay không?
Nhiều người đã gọi anh là "người hùng" – một danh xưng quá xứng đáng với hành động dũng cảm của anh. Có lẽ, anh chẳng mong trở thành "người hùng" trong hoàn cảnh như này. Có lẽ, chẳng đặng đừng anh mới trở thành "người hùng". Bởi, có "người hùng" đồng nghĩa với có những sự việc vô cùng hiểm nguy, khẩn cấp như chuyện cháu bé rơi từ tầng cao xuống này.
Có lẽ, anh trở thành người hùng bởi anh suy nghĩ bằng trái tim, mà trái tim lại có những lý lẽ mà lý trí không thể giải thích nổi. Trái tim ấy chắc hẳn mang trong nó đầy ắp lòng trắc ẩn, sự dũng cảm. Trong giây phút đưa ra quyết định cứu cháu bé, hẳn anh đã nghĩ đến đứa con bé bỏng của mình, nghĩ đến bố mẹ, người thân của cháu bé – những người sẽ phải trải qua sự ân hận, đớn đau dai dẳng như nào nếu cháu bé mất đi tính mạng của mình.
Giả sử, nếu lúc đó, trong đầu anh có những suy nghĩ: Chắc gì đã cứu được, vô ích thôi; thôi, có người khác lo, mình đang dở việc của mình; nhỡ mình tham gia chuyện này thì sẽ gặp rắc rối này nọ… thì chắc chắn đã không có điều kỳ diệu gần như chỉ xảy ra trong dòng phim như vậy.
Việc làm của anh đã khơi dậy cảm hứng cho rất nhiều người: Hãy có một trái tim thật yêu thương, thật dũng cảm, để khi cần, chúng ta có thể làm nên những điều kì diệu…