Triệu Thị Trinh, mà dân gian gọi là Bà Triệu, hay Triệu Trinh Nương, sinh ngày 02 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Dân gian truyền lại rằng, từ nhỏ, Triệu Thị Trinh đã tỏ ra là người mạnh mẽ, thông minh, tài sắc khác thường. Năm 17, 18 tuổi, Triệu Trinh Nương cùng anh là Triệu Quốc Đạt chiêu mộ trai tráng, tập hợp quân sĩ dấy binh khởi nghĩa ở đất Quan Yên, được dân chúng khắp vùng nô nức tham gia. Ngày này, vùng đất này vẫn còn lưu truyền nhiều huyền thoại về nữ anh hùng.
Ông Lê Văn Long, thôn Bồ Điền, xã Định Tiến, huyện Yên Định: Tương truyền lại, hàng năm, vào ngày 21/2 âm lịch, dân làng đều chuẩn bị võng lọng, đồ lễ để dâng lên bà Triệu. Có rất nhiều câu chuyện được lưu truyền về sự linh thiêng của bà.
Từ miền đất Quan Yên, Bà Triệu cùng nghĩa quân vượt sông Chu tiến về ngàn Nưa, sau đó vượt sông Mã ra Bồ Điền, nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Từ căn cứ Phú Điền - nghĩa quân nhanh chóng thu phục được các thành, ấp ở quận Cửu Chân và một số vùng của quận Giao Chỉ. Cuộc khởi nghĩa lan rộng như vũ bão và làm “ Chấn động Giao Châu” lúc bấy giờ.
Năm 248, Ngô Triều phải phái Lục Dận đem theo tám nghìn quân tinh nhuệ để đàn áp cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Do lực lượng nghĩa quân còn non trẻ, không đủ sức chống lại một đạo quân lớn hơn mình gấp bội, trong một trận huyết chiến với quân thù, trước thế mạnh và mưu kế hiểm độc, đê hèn của giặc, bà Triệu đã tuẫn tiết ở núi Tùng, xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (năm 248) lúc bà 22 tuổi xuân.
Chí hướng giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ của giặc phương Bắc chưa thành, nhưng cuộc khởi nghĩa Bà Triệu là một mốc son chói lọi trên chặng đường chống ngoại xâm của dân tộc. Hình ảnh một nữ tướng tài ba lẫm liệt trong bộ áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi trắng ra trận với câu nói đầy khí phách mãi mãi không phai mờ trong tâm khảm của người Việt.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa: Theo sử sách, Cuộc khởi nghĩa bà Triệu làm cho toàn thể Giao Châu náo động. Như thế để thấy rằng, quy mô, tầm vóc của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu vang xa. Cho đến nay, khu di tích bà Triệu được trải dài trong một không gian rộng để thấy rằng sự tưởng nhớ của nhân dân, quá trình bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích.
Ngày nay, phát huy truyền thống trên quê hương bà Triệu anh hùng, thực hiện phong trào thi đua yêu nước, cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc trong tỉnh luôn nỗ lực lao động, sáng tạo, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xứng đáng là cháu con của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.