Nói tới nhiệm vụ hình dung lại, sáng tạo ra sự sống, cũng là đề cập tới một ý nghĩa quan trọng nữa của văn chương. "Và vì thế - Hoài Thanh viết - Công dụng của văn chương cũng là giúp cho tình cảm và gợi lòng vị tha". Phần hai của văn bản Ý nghĩa văn chương tập trung giảng giải, bình luận về công dụng của văn chương. Chúng ta hiểu nghĩa từ công dụng là : tác dụng, là hiệu quả, là sự bồi đắp trí tuệ, sự truyền cảm... của văn chương đối với bạn đọc nói riêng, con người nói chung. Vậy, qua ý kiến của Hoài Thanh, chúng ta hiểu công dụng của văn chương như thế nào ? Hoài Thanh viết : "Một người hằng ngày chỉ cặm cụi lo lắng vì mình... khi xem truyện hay ngâm thơ có thể vui, buồn, mừng, giận cùng những người ở đâu đâu,...". Nghĩa là văn chương có khả năng lay động tâm hồn, giúp ta biết chia sẻ buồn, vui, đau khổ, hạnh phúc... với mọi người, dắt chúng ta sống gần với nhau hơn trong tình nhân ái, tình thương yêu, đoàn kết giữa con người với con người... "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có". Rõ ràng, văn chương đã bồi đắp tình cảm tốt đẹp cho người đọc, làm giàu thêm thế giới tâm hồn của chúng ta. Không những thế, văn chương còn góp phần tô điểm biết bao sắc màu, âm thanh làm cho thế giới, con người, cuộc sống được tốt đẹp hơn, đáng yêu hơn. [...] Từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim kêu, tiếng suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim, tiếng suối nghe mới hay... Hoài Thanh viết như thế, đã nhấn mạnh thêm công dụng của văn chương. Hiểu và suy ngẫm những ý kiến ấy, rồi liên tưởng tới các áng văn chương đã được đọc, được học, ta thấy quả đúng như vậy. Đọc những bài ca dao tình nghĩa con người, ta càng thêm yêu ông bà, cha mẹ ta hơn.