Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Qua bài thơ "Ánh trăng" tác giả đã nói lên đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", " Ân nghĩa thủy chung". Hãy nói lên suy nghĩ của em để làm sáng tỏ điều trên

3 trả lời
Hỏi chi tiết
17.187
40
21
Trịnh Quang Đức
07/05/2018 21:48:45
I. Mở bài:
- “Đừng đánh mất quá khứ vì với quá khứ, người ta xây dựng tương lai” (Anatole France). Thật vậy, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” đó là truyền thống lâu đời của con người Việt Nam. Truyền thống ấy đã được nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm văn học từ bao đời nay.
- Nổi bật là hai bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy và “Bếp lửa” của Bằng Việt.
- Qua các tác phẩm, các tác giả đã kín đáo bộc lộ những suy nghĩ, những chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thuỷ chung cao quí trong cuộc đời mỗi con người.
II. Thân bài:
1. Khái quát ( Dẫn dắt vào bài )
- Hoàn cảnh sáng tác: Bằng Việt và Nguyễn Duy đều đã từng sống, trải qua những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, khốc liệt của chiến tranh và được cưu mang, đùm bọc,sẻ chia…-> khi viết những tác phẩm này, hai nhà thơ đã được hưởng cuộc sống hoà bình, ấm no, hiện đại.
- Gợi nhắc đạo lí về lòng biết ơn, lối sống ân nghĩa, thuỷ chung đối với mỗi người.Dù là lòng thương nhớ, biết ơn bà hay ân tình với nhân dân, đất nước thì đều có chung một nét đẹp nhân văn - đạo lí uống nước nhớ nguồn.
2. Nét đẹp ân nghĩa, thuỷ chung trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.
* Đó là tình cảm của người cháu đối với bà khi đã trưởng thành, xa nhà. Nơi đất khách nhưng người cháu vẫn đau đáu nhớ về bà, nhớ về những năm tháng tuổi thơ xa cách cha mẹ, gắn bó với bà. Những năm tháng đói khổ được bà chăm sóc.
- Cháu nhớ bà, xót xa, thương cảm thấu hiểu cuộc đời của bà cơ cực, gian nan mà giàu đức hi sinh.
- Kỉ niệm thời thơ ấu bên bà: Bà chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ cháu.
- Cuộc sống khó khăn, cuộc đời nhiều gian khổ nhưng tấm lòng bà vẫn bền bỉ, mênh mông, giàu đức hi sinh.
- Người cháu không nguôi nhớ về bà, nhớ về quê hương cội nguộn
=>Hình ảnh “bếp lửa” bình dị, thân thuộc=> hình ảnh kỉ niệm tuổi thơ, gian khó nhọc nhằn, ấm áp tình bà cháu, xóm làng=>hình ảnh quê hương, cội nguồn – nỗi nhớ trong lòng người xa quê.
=> Khẳng định giá trị nghệ thuật của bài thơ nhé!
3. Nét đẹp ân nghĩa, thuỷ chung trong bài thơ “Ánh trăng” của Bằng Việt.
* Trong bài thơ này, truyền thống ân nghĩa, thuỷ chung được thể hiện qua lời tâm tình của nhân vật trữ tình.
- Gợi nhớ kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ gắn bó với thiên nhiên, quê hương.
- Trân trọng những sẻ chia trong những năm tháng gian lao, vất vả ở những năm tháng chiến tranh.
=> Ánh trăng là hình ảnh của thiên nhiên, là người bạn tri kỉ là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc sống.
- Nhắc nhở, thức tỉnh con người lối sống ân tình, ân nghĩa,đừng bao giờ lãng quên quá khứ.
4. Nhận xét, đánh giá:
- Mỗi bài thơ là một hình ảnh, một mạch cảm xúc nhưng đều sâu lắng, thiết tha.
- Cả hai bài thơ đều khẳng định: hãy sống ân tình, thuỷ chung với quê hương, với quá khứ, với lịch sử và nhân dân. Chẳng ai hạnh phúc nếu không biết trân trọng, tri ân và chung thuỷ với quá khứ.
III. Kết bài:
“Ánh trăng” của Nguyễn Duy, “Bếp lửa” của Bằng Việt gợi lại bao suy nghĩ , chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là những hình ảnh quen thuộc thôi mà con người lại có thể nhìn thấy bao điều? Nó níu giữ con người khỏi bị trôi trượt đi bởi những lo toan tất bật hằng ngày, nó bảo vệ con người khỏi những cám dỗ tầm thường. Và trên hết, nó luôn hướng con người đến những giá trị bền vững của cuộc sống.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
36
16
Nguyễn Thành Trương
08/05/2018 00:17:10
Như là một nỗi nhớ, một kỉ niệm đã từ lâu lại hiện về trong kí ức của nhà thơ Nguyễn Duy, Ánh trăng có phải là dòng cảm xúc từ quá khứ đến thực tại này chăng? Có cái gì đó như một nỗi ám ảnh đột ngột hiện về khiến nhà thơ giật mình. Những ý nghĩa sâu kín, Ánh trăng là nỗi niềm rất rộng của Nguyễn Duy mà ta phải đi tìm.
Ta nhận thấy trong bài thơ của Nguyễn Duy một niềm xúc cảm như bất chợt, bàng hoàng khi nhận ra sự hiện diện của người bạn tri kỉ - ánh tráng sau những tháng năm quên lãng. Đó cũng là lời thầm nhắc của nhà thơ về thái độ sống ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ.
Đời người dù có đi đâu về đâu cũng không bao giờ xa vầng trăng tình nghĩa. Trăng trên bầu trời như người bạn sẵn sàng cùng ta sẻ chia tâm sự. Có lẽ vì thế mà đối với mọi người, vầng trăng là tri kỉ. Với Nguyễn Duy cũng vậy:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Vầng trăng gắn bó với nhà thơ từ hồi nhỏ cho tới lúc chiến tranh ở rừng. Đó là một khoảng thời gian dài, đủ để xây đắp một tình cảm vững bền. Không phải dễ dàng gì mà người ta coi nhau là tri kỉ, vậy mà chính nhà thơ đã thừa nhận: vầng trăng thành tri kỉ. Điều này chứng tỏ đôi bạn ấy đã có sự sẻ chia, thấu hiểu và đồng điệu. Thời gian thật dài mà Nguyễn Duy chỉ gói gọn trong bốn dòng thơ ngắn gọn. Ta tưởng như có một nỗi lòng đang rưng rưng xúc động ẩn hiện trong lời thơ, chỉ chực trào lên. Phải chăng đây là những dòng hồi tưởng? Gói gọn cả một trời kỉ niệm trong những dòng thơ, Nguyễn Duy như cố giấu nỗi xúc động trong lòng mình.
Nhưng tấm lòng ấy vẫn dạt dào. Nó chưa thể vội vàng quay lưng với quá khứ đẹp đẽ:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Con người ấy đã sống hết lòng với thiên nhiên, chân thành và thắm thiết. Đối với thiên nhiên, con người cũng như cây cỏ là những người bạn không thể tách rời. Từ ngờ như một điểm nhấn, một dấu hiệu đặc biệt. Nó gợi cho ta suy nghĩ về những điều còn chưa nói. Từ ngỡ như một lối rẽ đưa ý thơ đi theo một lối khác. Đó là giá trị của ngôn từ trong Ánh trăng, là tài năng của tác giả trong cách thể hiện mà ta không dễ gì nhận được ra.
Chiến tranh qua đi, hoà bình lập lại, cũng như nhiều chiến sĩ khác, Nguyễn Duy trở về nhưng không phải về với sông, với đồng, với bể mà là về với thành phố tấp nập, đông vui. Sống trong bình yên, đủ đầy với: ánh điện, cửa gương, người ấy dần quên đi người bạn tri kỉ hôm nào. Và không biết tự bao giờ trăng đã thành người dưng:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Ánh trăng bị lu mờ bởi ánh điện chiếu rọi. Vầng ánh sáng ấy vẩn hiện hữu bên ta, vẫn đồng hành từng bước bên ta vậy mà giờ đây ta lại vô tình, hờ hững. Có lẽ vầng trăng cũng biết đau, biết khóc khi trở thành người dưng qua đường. Vẫn là vầng trăng hồi nhỏ, vầng trăng lúc ở rừng nhưng sao ta lại không nhận ra? Lẽ nào ta đã lãng quên quá khứ, quên đi những năm tháng chiến đấu trường kì của dân tộc. Câu thơ không trực tiếp bộc lộ cảm xúc nhưng sức ám ảnh lại vô cùng mạnh mẻ.
Khổ thơ thứ tư là một bước ngoặt trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc, để từ đó tác giả bộc lộ nỗi niềm của mình một cách rõ ràng hơn:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Trăng vẫn luôn toả sáng nhưng chỉ khi đèn điện tắt ta mới thực sự cảm thấy ánh trăng thật tuyệt vời. Khi không gian tối om, con người mong chờ ở một thứ ánh sáng mới! Và khi nhìn thấy ánh trăng thì con người đột ngột nhận ra người bạn tri kỉ: vầng trăng tròn. Hai từ láy thình lình, đột ngột thể hiện sự bất ngờ, ngẫu nhiên của cuộc tri ngộ. Hoàn cảnh gặp gỡ đó càng khiến nhà thơ bàng hoàng.
Nhìn lên trăng mà lòng tràn ngập niềm xúc động. Những kỉ niệm một thời tưởng như đã xa vắng nay lại trở về:
Ngửa mặt nhìn lên mặt có cái gì rưng rưng như là đồng là bể như là sông là rừng Không phải là ngửa mặt nhìn lên trăng mà là ngửa mặt nhìn, lên mặt vì với Nguyễn Duy lúc này, trăng đích thực là một con người có gương mặt, có ánh nhìn và tâm trạng. Chính nhà thơ cũng không rõ mình đang nghĩ gì, chỉ biết rằng có cái gì rưng rưng. Có thể là đôi mắt rưng rưng hay có thể là sự thức dậy của tâm hồn con người. Một cảm giác vừa như buồn vui, vừa như mừng tủi trào lên trong lòng đôi bạn. Khoảng trời xưa hồi sinh, đưa Nguyễn Duy trở về với năm tháng đã qua cùng với sông, với đồng, với xừng... Nhà thơ tiếc nuối quá khứ, khao khát mong gặp lại cảm giác thân thuộc ngày xưa.
Như một người bạn ân nghĩa thuỷ chung, vầng trăng vẫn trong sáng, tròn đầy phúc hậu:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
Không trách móc hờn giận sự tình của con người, ánh trăng vẫn lặng lẽ soi bước ta đi. Trăng hiền hoà và bao dung như chính đồng bào, dân tộc ta vậy. Nỗi mặc cảm khiến nhà thơ phủ nhận chính mình: kể chi người vô tình. Không hẳn là con người vô tình, hờ hững với nhừng gì của quá khứ. Có chăng là do cuộc sống còn đang trong quá trình xây dựng với những lo toan bộn bề chi phối nhiều suy nghĩ của chúng ta. Quá khứ chỉ đi vào tiềm thức lặng yên chứ nó đâu có mất đi. Vì thế mới có cái giật mình cửa Nguyễn Duy ở câu thơ cuối. Phải chăng đó cũng là cái giật mình của chính chúng ta khi nhận ra được sự đánh thức từ Ánh trăng của Nguyễn Duy?
Bài thơ ra đời khi đất nước đã hoà bình. Những tháng ngày chiến đấu gian khổ của người chiến sĩ Nguyễn Duy đã không còn. Trong thời gian này tác giả là đại diện thường trú báo Văn nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng không vì thế mà Ánh trăng mất đi vẻ đẹp chân thực của mình. Dường như chẳng bao giờ Nguyễn Duy không mang trong mình nỗi niềm hướng về quá khứ, hướng về cội nguồn. Nó cho thấy một thái độ sống đẹp đẽ, thuỷ chung. Không chỉ có vậy, bài thơ Ánh trăng còn như một lời nhắn nhủ sâu kín, nhẹ nhàng: hãy sống và lao động hết mình nhưng đừng bao giờ phủ nhận quá khứ của dân tộc.
16
18
Quỳnh Anh Đỗ
08/05/2018 16:18:13
Nguyễn Duy thuộc thế hệ làm thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Vừa mới xuất hiện, Nguyễn Duy đã nổi tiếng với bài thơ “Tre Việt Nam". Bài "Hơi ấm ổ rơm" của anh đã từng đoạt giải thưởng báo Văn Nghệ. Hiện nay. Nguyễn Duy vẫn tiếp tục sáng tác. Anh viết đều và khỏe. "Ánh trăng" là một trong những bài thơ của anh được nhiều người ưa thích bởi tình cảm chân thành, sâu sắc, tứ thơ bất ngờ mới lạ.
Hai khổ thơ đầu tác giả nhắc đến những kỉ niệm đẹp:
"Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng lị thành tri kỉ."
Trăng gắn bó với tác giả ngay từ thời thơ ấu. Trăng gắn với đồng ruộng, dòng sông, biển cả. Dù ở đâu, đi đâu trăng cũng ở bên cạnh. Nhưng phải đến khi ở rừng nghĩa là lúc tác giả sống trên tuyến đường Trường Sơn xa gia đình, quê hương vầng trăng mới thành “tri kỉ". Trăng với tác giả là đôi bạn không thể thiếu nhau. Trăng chia ngọt sẻ bùi, trăng đồng cam cộng khổ.
Tác giả khái quát vẻ đẹp của trăng, khẳng định tình cảm yêu thương, quý trọng của mình đối với trăng:
“Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.”
Trăng có vẻ đẹp vô cùng bình dị, một vẻ đẹp không cần trang sức, đẹp mội cách vô tư, hồn nhiên. Trăng tượng trưng vẻ đẹp thiên nhiên nên trăng hóa vào thiên nhiên, hòa vào cây cỏ. “Vầng trăng tình nghĩa" bởi trăng từng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, bởi trăng là người bạn, tri âm, tri kỉ như tác giả đã nói ở trên.
Ấy thế mà có những thời gian tác giả tự thú là mình đã lãng quên cái “vầng trăng tình nghĩa" ấy:
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường. ”
Trước đây, tác giả sống với sông, với bể, với rừng, bây giờ môi trường sống đã thay đổi. Tác giả về sống với thành phố. Đời sống cũng thay đổi theo, “quen ánh điện”, “cửa gương". “Ánh điện”, "cửa gương" tượng trưng cho cuộc sống sung túc, đầy đủ sang trọng... dần dần "cái vầng trăng tình nghĩa” ngày nào bị tác giả lãng quên. “Vầng trăng" ở đây tượng trưng cho những tháng năm gian khổ. Đó là tình bạn, tình đồng chí được hình thành từ những năm tháng gian khổ ấy. “Trăng" bây giờ thành “người dưng". Con người ta thường hay đổi thay như vậy. Bởi thế người đời vẫn thường nhắc nhau: “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”. Ở thành phố vì quen với "ánh điện, cửa gương”, quen với cuộc sống đầy đủ tiện nghi nên người đời không thèm để ý đến“vầng trăng" từng là bạn tri kỉ một thời.
Phải đến lúc toàn thành phố mất diện:
“Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn."
"Vầng trăng" xuất hiện thật bất ngờ, khoảnh khắc ấy, phút giây ấy,… tác giả, bàng hoàng trước vẻ đẹp kì diệu của vầng trăng. Bao nhiêu kỉ niệm xưa bỗng ùa về làm tác giả cứ “rưng rưng" nước mắt:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng”.
Nguyễn Duy gặp lại ánh trăng như gặp lại người bạn tuổi thơ, như gặp lại người bạn từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm gian khổ. Tác giả không dấu được niềm xúc dộng mãnh liệt của mình. “Vầng trăng" nhắc nhở tác giả đừng bao giờ quên những tháng năm gian khổ ấy, đừng bao giờ quên tình bạn, tình đồng chí đồng đội, những người đã từng đồng cam cộng khổ. chia ngọt sẻ bùi trong những tháng năm chiến dấu đầy gian lao thử thách.
Khổ cuối bài thơ, Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm trong suy tư, trong chiêm nghiệm về “vầng trăng tình nghĩa" một thời:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình... ”
Trăng vẫn thủy chung mặc cho ai thay đổi, vô tình với trăng. Trăng bao dung và độ lượng biết bao! Tấm lòng bao dung độ lượng ấy "đủ cho ta giật mình" mặc dù trăng không một lời trách cứ. Trăng tượng trưng cho phẩm chất cao quý của nhân dân, trăng tượng trưng cho vẻ đẹp bền vững của tình bạn, tình chiến đấu trong những tháng năm “không thể nào quên".
“Ánh trăng" của Nguyền Duy gây được nhiều xúc động đối với nhiều thế hệ độc giả bởi cách diễn tả bình dị như những lời tâm sự, lời tự thú, lời tự nhắc nhở chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Tứ thơ bất ngờ, mới lạ. “Ánh trăng” còn mang ý nghĩa triết lí về sự thủy chung khiến người đọc phải “giật mình" suy nghĩ, nhìn lại chính mình để sống đẹp hơn, nghĩa tình hơn.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k