Đọc hiểuĐọc hiểu : NỮ TRẠNG NGUYÊN Đó là bà Nguyễn Ngọc Toàn, người Chí Linh, Hải Dương, sống ở thế kỉ XVI-XVII. Bà là nữ Trạng nguyên duy nhất của Việt Nam thời xưa. Bà rất đẹp và thông minh. Mười tuổi đã biết làm văn bài. Cha của bà tiếc tài con gái đã cho bà ăn mặc giả trai để đi học. Năm 17 tuổi, bà thi đỗ thủ khoa. Khi dự yến đãi các tân khoa, chúa Mạc thấy nhan sắc và phong thái của bà thì nghi ngờ. Phát hiện bà giả trai, chúa cho bà vào cung, phong tước phi, gọi là tinh phi (Sao Sa) ngụ ý khen bà đẹp và sáng láng như một vì sao. Thời xưa, phụ nữ cải trang đi thi là phạm tội nhưng chúa Mạc không những không phạt mà còn phong tước phi cho bà, chứng tỏ chúa rất trọng tài sắc của bà. Nhà Mạc mất, bà vào rừng ẩn náu, bị quân chúa Trịnh bắt. Bà chống gươm nói: “Các ngươi mà vô lễ thì với gươm này, ta sẽ tự vẫn”. Quân lính liền giải bà về nộp chúa Trịnh. Chúa rất sủng ái bà. Về già, bà đi tu. Chúa Trịnh mất. Con trai chúa lên ngôi, lại triệu bà ra dạy cung nữ. Bà giỏi cả Hán văn lẫn Quốc âm, am hiểu kinh sử. Vì vậy, bà được hai chúa Trịnh rất trọng vọng. Các biểu sớ, văn bài đại khoa, chúa đều nhờ bà đọc duyệt. Bà sáng tác nhiều. Văn thơ của bà có tiếng là hay, tiếc rằng nay đã bị thất lạc. Theo Nguyễn Thị Chân Quỳnh - Yến: tiệc lớn (thường chỉ tiệc do vua thết đãi thời xưa) - Sủng ái: hết sức yêu quý. - Quốc âm: ở đây có nghĩa là văn tiếng Việt, viết bằng chữ Nôm. - Đại khoa: khoa thi chọn tiến sĩ thời xưa. Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng: Câu 1: Vì sao bà Ngọc Toàn phải ăn mặc giả trai để đi học? A. Vì thời xưa, phụ nữ không được đi học, đi thi. B. Vì thời xưa, phụ nữ kém cỏi, không học được. C. Vì cha bà sợ con gái bị mọi người coi thường. Câu 2: Khi phát hiện bà giả trai, chúa Mạc làm gì? A. Không phạt, không cho đỗ Trạng nguyên. B. Cho vào cung làm người giúp việc. C. Cho vào cung, phong tước phi. Câu 3: Vì sao cả ba vị chúa đều trọng vọng bà? A. Vì bà đẹp, thông minh, giỏi giang giúp chúa nhiều viêc. B. Vì bà sáng tác nhiều thơ văn ca ngợi chúa. C. Vì bà từng giả trai đi học. Câu 4: Trong hai câu: “Bà giỏi cả Hán văn lẫn Quốc âm, am hiểu kinh sử. Vì vậy, bà được hai chúa Trịnh rất trọng vọng.”, câu in đậm liên kết với câu đứng trước nó bằng cách nào? A. Bằng cách lặp từ ngữ. Đó là từ bà. B. Bằng cách dùng từ ngữ nối. Đó là từ vì vậy. C. Bằng cả hai cách A và B. Câu 5: Quan hệ từ trong câu ghép : “Thời xưa, phụ nữ cải trang đi thi là phạm tội nhưng chúa Mạc không những không phạt mà còn phong tước phi cho bà, chứng tỏ chúa rất trọng tài sắc của bà.” là? A. Nhưng, không những, mà còn, của B. Nhưng, không những, mà C. không những, mà còn D. không những, mà còn, cho Câu 6: Câu : “Nhà Mạc mất, bà vào rừng ẩn náu, bị quân chúa Trịnh bắt.” có mấy vế câu A. 2 vế câu B. 3 vế câu C. 4 vế câu Câu 7: Quan hệ từ trong câu sau biểu hiện quan hệ gì? Các ngươi mà vô lễ thì với gươm này, ta sẽ tự vẫn. A. Nguyên nhân – kết quả B, Điều kiện – kết quả C. Tương phản D. Tăng tiến. Câu 8: Dấu phẩy trong câu sau có tác dụng gì? Bà giỏi cả Hán văn lẫn Quốc âm, am hiểu kinh sử. A. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vì ngữ. B. Ngăn cách các bộ phận có cùng chức vụ trong câu. C. Ngăn cách các vế câu trong câu ghép. Câu 9: Câu nào sau đây là câu ghép? A. Khi dự yến đãi các tân khoa, chúa Mạc thấy nhan sắc và phong thái của bà thì nghi ngờ. B. Cha của bà tiếc tài con gái đã cho bà ăn mặc giả trai để đi học. C. Các ngươi mà vô lễ thì với gươm này, ta sẽ tự vẫn. Câu 10: Từ “sáng láng” trong “sáng láng như một vì sao.” và từ “sáng tác” trong câu “Bà sáng tác nhiều.” quan hệ với nhau như thế nào? A. Là hai từ đồng âm B. Là hai từ đồng nghĩa C. Là hai từ nhiều nghĩa D. Là hai từ trái nghĩa |