MẸ
Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau - ngọn xanh rờn
Mẹ - đầu bạc trắng
Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với giời
Mẹ thì gần đất!
Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!
Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ
Ngẩng hỏi giời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.
Câu 1. Bài thơ Mẹ được viết theo thể thơ nào?
A. tự do
B. lục bát
C. bốn chữ
D. năm chữ
Câu 2. Khổ thơ đầu trong bài thơ có cách gieo vần như thế nào?
A. gieo vần lưng - liền
B. gieo vần chân - liền
C. gieo vần lưng - cách
D. gieo vần chân - cách
Câu 3. Trong khổ thơ thứ hai, từ nào sau đây là phó từ?
A. càng
B. một
C. với
D. thì
Câu 4. Em hiểu từ nâng trong câu thơ: Con nâng trên tay có nghĩa là gì ?
A. đưa vật lên cao, không biểu lộ tình cảm
B. dùng tay đưa vật lên cao, thái độ nâng niu
C. dùng tay đỡ ai đó ngồi dậy, thái độ trân trọng
D. đỡ ai đó lên cao hơn so, tình cảm yêu thương
Câu 5. Tác dụng chủ yếu của phép tu từ so sánh được sử dụng trong câu thơ: Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ là gì ?
A. làm cho hình ảnh miếng cau khô trở nên gần gũi với con người
B. nhấn mạnh, làm nổi bật hình ảnh mẹ được nói đến trong câu thơ
C. gợi hình ảnh người mẹ vất vả, lam lũ, khắc khổ
D. làm cho câu thơ giàu nhịp điệu, có hồn
Câu 6. Cảm xúc nào của người con được thể hiện trong khổ thơ : Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ/ Con nâng trên tay/ Không cầm được lệ?
A. xót xa, ngậm ngùi khi đối diện với tuổi già của mẹ
B. buồn rầu, lo lắng khi thấy mẹ sống đơn độc
C. xót xa, buồn rầu khi thấy mẹ cực khổ nuôi con lớn
D. ngậm ngùi, lo lắng khi mẹ không còn khỏe
Câu 7: Chủ đề của bài thơ Mẹ là gì?
A. tình yêu đất nước
B. tình yêu cuộc sống
C. tình yêu thiên nhiên
D. tình yêu gia đình