Viết một bài văn phân tích câu truyện trênMặc dù học cùng lớp nhưng chị Thư hơn tôi tới bốn tuổi. Trong lớp chị cao vổng hẳn lên khiến chị thường bị trêu chọc. Những lúc ấy tôi tỏ ra rất thông cảm với chị. Thế là chị quý tôi, cậu bé quắt nhất lớp. Chưa bao giờ tôi hỏi chị vì sao hồi bé chị không đi học. Mãi sau này tôi mới biết chị chuyển về trường tôi nhờ sự bảo trợ của một tổ chức nào đó giúp đỡ những trẻ em mồ côi. Hóa ra quê chị Thư ở vùng núi và trong một trận lũ quét khủng khiếp, bố, mẹ và anh trai chị đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy thung lũng. Chị Thư vẽ rất đẹp. Chị thường dạy tôi vẽ. Tôi thì lại chỉ vẽ mèo. Con mèo nào của tôi mặt cũng vênh váo. Chị Thư thường sửa cho tôi những chỗ nét vẽ còn cứng. Ðôi khi chị chỉ phảy thêm một nét thế là con mèo trong tranh của tôi như sắp nhảy xổ ra. Tôi chỉ còn biết xuýt xoa: Chị tài thật! Chị Thư cũng vẽ một con vật mà chị yêu quý. Nó là một con khỉ có cái mặt rất buồn. Một hôm chị cho tôi xem cả tập phác thảo khỉ và tôi phát hiện ra rằng, dù ở các tư thế khác nhau, nhưng chúng có cùng bộ mặt. Con nào cũng u sầu. Có vẻ chúng chẳng còn thiết tha gì với khung cảnh chung quanh. Tôi xem đi xem lại và cũng lây cả nỗi buồn của những chú khỉ. Tôi cố kìm một tiếng thở dài. Chị Thư hỏi rất khẽ: "Em thấy thế nào?". Tôi cũng đáp khẽ: "Ðẹp lắm! Nhưng sao con khỉ nào của chị cũng buồn thế?". Chị Thư không trả lời tôi mà lặng lẽ cho tập phác thảo khỉ vào cặp. Rồi chị lôi ra một bức tranh hoàn chỉnh, cũng là tranh khỉ. Tôi nhận ra ngay vẫn là con khỉ trong hàng chục bản phác thảo kia. Con khỉ này ngồi, đầu gối của hai chân sau nhô cao gần bằng đầu. Hai tay nó ấp lên mặt, chỉ hở ra cặp mắt buồn ảo não nhìn về phía khu vườn xa xa. Tôi có cảm giác nó sắp òa khóc vì nhớ bố mẹ, nhớ quê hương bản quán hay vì nỗi oan ức nào đó. Bởi vì nhìn vào bộ mặt u sầu của con khỉ tôi bỗng nhớ bố, mẹ và chị gái mình mặc dù tôi biết chỉ hết giờ làm việc là cả nhà tôi lại gặp nhau. Chị Thư bảo tôi: - Bạn hồi bé con của chị đấy. - Bạn chị? - Tôi tròn mắt. - Ừ - Chị Thư cẩn thận cất bức vẽ vào cặp - tên của nó là cu tí. Như để cho câu chuyện có đầu, có đuôi, chị Thư kể cho tôi nghe về nguồn gốc bức tranh chú khỉ mặt buồn kia. Một lần đi rừng, bố chị Thư thấy con khỉ con bị kẹt vào một khe đá. Ông đem về nhà tìm lá rừng đắp vào vết thương ở chân con khỉ. Mặc dù nó rất quấn quýt chị Thư, nhưng bố chị vẫn muốn ngày nào đó sẽ thả lại nó về rừng. Ông chưa kịp làm điều đó thì tai họa ập đến. Con khỉ trở thành người thân duy nhất của chị Thư. Chị được một gia đình không có con đón về làm con nuôi. Chị mang theo cả con khỉ và được bố mẹ nuôi chấp nhận. Bố mẹ nuôi rất nghèo nên chị đành ở nhà mặc dù đã đến tuổi đi học. Ngày ngày chị vào rừng kiếm củi, hái nấm cùng bố mẹ nuôi. Tất nhiên con khỉ luôn luôn bám theo. Bây giờ, so với tuổi khỉ thì có thể nó đã là một chàng trai. Lông nó mượt, vàng sậm và cực kỳ nhanh nhẹn. Chị Thư có thể xem nó đu cây không biết chán. Bằng sự khéo léo tuyệt vời, nó chuyền từ cây nọ sang cây kia bằng những cú nhún mềm mại. Có lúc nó lao từ ngọn một cây cao xuống và khi chị Thư nhắm nghiền mắt vì nghĩ nó sẽ va vào đá tan xác, thì vút một cái nó đã lại ở ngọn cây khác. Chị Thư bắt đầu lo lắng ngày nào đó con khỉ sẽ bỏ đi. Chị phòng xa bằng cách bắt nó ở nhà mỗi khi chị vào rừng. Con khỉ ngoan ngoãn nghe lời, nhưng tai nó luôn dỏng lên, hướng về phía rừng. Tâm tính nó cũng có dấu hiệu đổi khác. Những trò chơi chị bày ra không còn khiến nó hào hứng nữa. Một lần nó làm hỏng đồ vật của chị Thư khiến chị cầm gậy định vụt nó. Mặc dù kìm lại được, chị vẫn hét lên: - Mày nhớ rừng phải không? Ðồ bội bạc! Con khỉ có vẻ biết lỗi. Nhưng sau đó nó tìm mọi cách lảng tránh những cái vuốt ve của chị. Rồi mùa xuân kéo đến. Khu rừng bỗng bừng sáng bởi muôn loài hoa. Rừng xôn xao hẳn lên. Chị Thư bỗng nhớ bố, mẹ và anh trai vô cùng vì ở quê chị mùa xuân gắn liền với hội. Chị quên béng con khỉ và không biết nó cũng đang nhớ đàn. Ðã vài ngày nay nó ăn uống rất chểnh mảng, nhưng chị chẳng còn tâm trí đâu quan tâm nó. Một hôm, chị bắt gặp con khỉ đang ngồi khóc. Ðúng là nó khóc thật. Hai tay nó ấp lên mặt còn cặp mắt đỏ hoe. Chị Thư không muốn tin vào mắt mình nữa mặc dù chị đã ôm nó vào lòng, nói với nó hàng trăm lời xin lỗi, như cuộc trò chuyện lần cuối của hai người bạn... Tôi không muốn kể đoạn kết hậu hĩnh của câu chuyện mà mọi người hẳn đều đoán ra. Tôi chưa kịp hỏi vì sao chị Thư lại chỉ muốn lưu lại trong ký ức vẻ mặt u buồn của con khỉ thì vừa lúc có cuộc triển lãm tranh vì môi trường. Bức tranh "Chú khỉ mặt buồn" của chị Thư được giải đặc biệt "bởi không còn lời chất vấn nào sâu sắc và khẩn thiết hơn đặt ra cho mỗi người chúng ta" như lời nhận xét của Ban giám khảo. - Quắt ơi! - Chị Thư hét lên gọi tôi khi biết tin - chị có quà tặng em đây. Tôi nhận quà từ tay chị. Ðó là phiên bản thứ nhất của bức tranh "Chú khỉ mặt buồn" với dòng chữ: "Tặng Quý, họa sĩ vẽ mèo!" |