Mảnh đất Thái Nguyên không chỉ là nơi có nhiều danh thắng nổi tiếng, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, mà còn là nơi sản sinh ra nhiều danh nhân - trong lịch sử dân tộc. Trong thời kì phong kiến tự chủ từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ XVI, ở Thái Nguyên đã xuất hiện một số nhân vật lịch sử có những đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Bài học này sẽ giúp các em có thêm những kiến thức về những con người tiêu biểu của Thái Nguyên thời kì phong kiến, bồi dưỡng tình yêu đối với quê hương, đất nước.
1. Dương Tự Minh
Dương Tự Minh là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại làng Quan Triều, châu Thái Nguyên, phủ Phú Lương (nay là phường Quan Triều, thành phố Thái Nguyên tỉnh Thái Nguyên). Sau này, ông trở thành một thủ lĩnh và là vị quan dưới triều Lý được triều đình tin tưởng giao cai quản phủ Phú Lương xưa (gồm vùng đất thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn ngày nay).
Dương Tự Minh cũng là một danh tướng có công lớn trong việc giành lại phần đất đai rộng lớn từ tay giặc Tống, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía bắc Đại Việt. Ông còn có công khai khẩn điền địa, phát triển kinh tế, giữ vững mối đoàn kết dân tộc, được nhà Lý phong sắc "Uy viễn đôn Cao Sơn quảng độ chi thần". Các triều đại về sau đều có sắc phong ông là "Cao Sơn quý minh thượng đẳng thần". Với những công lao đóng góp cho đất nước, ông được vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình vào năm 1127 và được vua Lý Anh Tông gả công chúa Thiều Dung vào năm 1144.
Sử sách không ghi rõ năm sinh, năm mất của Dương Tự Minh, chỉ biết ông sống vào khoảng cuối thế kỉ XI, đầu thế kỉ XII. Sau khi ông mất, nhân dân đã lập đền thờ ông ở chân núi Đuổm – tương truyền là nơi ông qua đời, và suy tôn ông là Thánh Đuổm.
Ngoài đền Đuổm, nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn đều lập đền thờ ông và hằng năm có tổ chức lễ hội để tưởng nhớ ông.
Hình 1. Đền Đuổm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương)
Hình 2. Nơi thờ Đức Thánh Đuổm Dương Tự Mình tại đền Đuổm
Hình 3. Bảng ghi thân thế sự nghiệp của Dương Tự Minh ở đền Đuổm
Hình 4. Lễ hội Đền Đuổm (mùng 6 tháng giêng hằng năm)
Tư liệu 1: Sách Đại Việt sử kí toàn thư và các cuốn sử sách khác ghi chép về hoạt động và công lao của Dương Tự Minh như sau:
- "Tháng 12 (1127) gả công chúa Diên Bình cho thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh",
- “Mùa đông tháng 10 (1142), sai thủ lĩnh phủ Phú Lương là Dương Tự Minh đến châu Quảng Nguyên để chiêu tập người châu ấy”,
- "Mùa thu tháng 8 (1143), xuống chiếu cho Dương Tự Minh cai quản việc công các khe động dọc theo biên giới về đường bộ”,
– “Ất Sửu (1145), tháng 8, mùa thu. Người Thổ nhà Tống là Đàm Hữu Lượng vào - cướp châu Quảng Nguyên. Nhà vua sai bọn Dương Tự Minh đi đánh bại được giặc",
- "Năm 1144, đem công chúa Thiều Dung gả cho thủ lĩnh Dương Tự Minh".
(Theo Đại Việt sử kí toàn thư, Tập 1 NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1998, tr. 295, 314, 315, 316)
CÂU HỎI: 1. Dựa vào thông tin và các hình 1 - 4, hãy khái quát về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Dương Tự Minh.
2. Để tôn vinh Dương Tự Minh, nhân dân Thái Nguyên từ xưa đến nay đã có những hoạt động gì?
----- Nội dung dịch tự động từ ảnh -----
Hình 1. Đền Đuổm
(xã Động Đạt, huyện Phú Lương)
Hình 2. Nơi thờ Đức Thánh Đuổm Dương Tự Minh
tại đền Đuổm
Hình 3. Bảng ghi thân thể sự nghiệp
của Dương Tự Minh ở đền Đuổm
Hình 4. Lễ hội Đền Đuổm
(mùng 6 tháng giêng hằng năm)