I. Phần Đọc hiểu
Đọc đoạn trích:
Thơ viết bằng nỗi nhớ xưa nay khó kể xiết. Nhưng ít có bài nào mà nhớ nhung lại được biểu đạt bằng nhiều chữ lạ và ám đến vậy. Người đọc “Tây Tiến”[1], làm sao quên được chữ “nhớ chơi vơi” trong câu: “Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”. “Chơi vơi” là trạng thái của nỗi nhớ hay trạng thái của cảnh vật được nhớ? Nó là cái chông chênh hẫng hụt của kẻ đang phải lìa xa nơi mình từng gắn bó, hay là cái trập trùng xa ngái của rừng núi miền Tây? Thật khó tách bạch. Cả chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong một chữ “chơi vơi” ấy. Có phải đó là trạng thái chập chờn rất riêng của cõi nhớ chăng? Chữ “nhớ ôi” này cũng thế: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Nghe cứ nôn nao, nghèn nghẹn thế nào! Không phải “ôi nhớ” lối cảm thán quen mòn. Cũng không phải “nhớ ôi là nhớ!” thật thà, khẩu ngữ. Không phải “nhớ ơi” như tiếng gọi hướng ra người. Mà là “nhớ ôi” như tiếng kêu hướng vào mình. Ta nghe rõ trong lời thơ một nhớ nhung bất chợt cồn lên, kẻ nhớ không thể cầm lòng, đã vỡ oà ra thành tiếng kêu than. Buột miệng ra, mà dư ba súc tích, lạ thay là ngôn từ thơ! Rồi đây, “Tây Tiến” sẽ khuất dần sau những thăng trầm lịch sử, nhưng tiếng kêu kia hẳn sẽ còn gieo được những bồi hồi một thuở vào lòng người đọc mai sau! “Tây Tiến” cứ sống trong nỗi nhớ và sống bằng nỗi nhớ như thế.
(Chu Văn Sơn, “Tây Tiến” sáng tạo từ nỗi nhớ chơi vơi,
in trong Thức với mây Đoài (Nhiều tác giả), NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2022)
[1] Bài thơ của nhà thơ Quang Dũng, sáng tác năm 1948.
Đoạn trích trên được triển khai theo kiểu đoạn văn diễn dịch, quy nạp hay kết hợp?