Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“…Trong khung cảnh đó, những con người chiến thắng trở về được khắc hoạ bằng những dòng thơ thật đẹp:
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Bức tượng đài người dân chài tạc giữa trời đất, một bức tượng đài có hình khối, màu sắc và cả hương vị đặc trưng đã làm toát lên một phong thái, một thần sắc đặc biệt. Màu da rám nắng là tín hiệu của một đời sống lao động chân tay vất vả, phải vật lộn với thiên nhiên để tồn tại, màu da của cuộc đời gần gũi với trời đất, với nắng gió, chịu đựng được nắng sương, một màu da từng trải. Vị xa xăm không chỉ là vị muối mặn mòi, nồng đậm từng in dấu trên bất kì người đi khơi nào mà còn mang một ý vị tượng trưng, gợi cảm: đẩy hình ảnh những người trai làng chài sang một sắc thái huyền thoại, cổ tích, gợi hơi thở của đại dương, của biển xa, của những chân trời tít tắp, nơi con người kiên cường, dũng cảm làm nên những kì công đáng khâm phục. Quen mà lạ, thực mà hư là hình ảnh những con người ấy, những đứa con của lòng biển, của đại dương”
(Trần Đình Sử (Chủ biên), Phân tích, bình giảng tác phẩm văn học 8,
NXB Giáo dục, 2001)
a) Đoạn trích trên nêu cảm nghĩ của người viết về những dòng thơ nào trong bài thơ Quê hương (Tế Hanh)?
b) Những từ ngữ nào trong các dòng thơ ấy được người viết đi sâu vào lí giải, cảm nhận? Người viết có những cảm xúc, suy nghĩ hay liên tưởng, tưởng tượng như thế nào?
c) Trong đoạn trích, người viết nêu cảm nghĩ của mình trực tiếp hay gián tiếp? Vì sao?