Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:ĐỀ LUYỆN ĐỌC HIỂU TRUYỆN TRUYỀN KÌ PHẦN I. ĐỌC- HIỂU (4 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: Trong năm Quang Thái đời nhà Trần, người ở Hóa Châu tên là Từ Thức, vì có phụ ấm được bổ làm tri huyện Tiên Du. Bên cạnh huyện có một tòa chùa danh tiếng, trong chùa trồng một cây mẫu đơn, đến kỳ hoa nở thì người các nơi đến xem đông rộn rịp, thành một đám hội xem hoa tưng bừng lắm. Tháng Hai năm Bính Tý (niên hiệu Quang Thái thứ chín (1396) đời nhà Trần), người ta thấy có cô con gái, tuổi độ mười sáu, phấn son điểm phớt, nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời, đến hội ấy xem hoa. Cô gái vin một cành hoa, không may cành giòn mà gãy khấc, bị người coi hoa bắt giữ lại, ngày đã sắp tối vẫn không ai đến nhận. Từ Thức cũng có mặt ở đám hội, thấy vậy động lòng thương, nhân cởi tấm áo cừu gấm trắng, đưa vào tăng phòng để chuộc lỗi cho người con gái ấy. Mọi người đều khen quan huyện là một người hiền đức. Song Từ Thức vốn tính hay rượu, thích đàn, ham thơ, mến cảnh, việc sổ sách bỏ ùn cả lại thường bị quan trên quở trách rằng: - Thân phụ thầy làm đến đại thần mà thầy không làm nổi một chức tri huyện hay sao! Từ than rằng: - Ta không thể vì số lương năm đấu gạo đỏ mà buộc mình trong áng lợi danh. Âu là một mái chèo về, nước biếc non xanh vốn chẳng phụ gì ta đâu vậy. Bèn cởi trả ấn tín, bỏ quan mà về. Vốn yêu cảnh hang động ở huyện Tống Sơn, nhân làm nhà tại đấy để ở. Thường dùng một thằng nhỏ đem một bầu rượu, một cây đàn đi theo, mình thì mang mấy quyển thơ của Đào Uyên Minh, hễ gặp chỗ nào thích ý thì hí hửng ngả rượu ra uống. Phàm những nơi nước tú non kì như núi Chích Trợ, động Lục Vân, sông Lãi, cửa Nga, không đâu không từng có những thơ đề vịnh. […..] (Tóm lược một đoạn: Từ Thức vào một hang động, lạc tới cõi tiên, tên gọi Phù Lai. Chàng được bà tiên gả vợ cho. Đó chính là tiên nữ Giáng Hương, người con gái đánh gãy cành hoa ngày ấy. Ở cõi tiên chừng một năm, Từ Thức nhớ quê nên xin về thăm một chuyến) Giáng Hương bùi ngùi không nỡ dứt. Từ lang nói: - Tôi xin hẹn để về cho bạn bè gặp mặt và thu xếp việc nhà cho yên, rồi sẽ quay lại đây để với nàng cùng già ở chốn làng mây bến nước. Giáng Hương khóc mà nói: - Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản mối lòng quê hương của chàng. Song cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn ngủi, dù nay chàng về nhưng chỉ e liễu sân hoa vườn, không còn đâu cảnh tượng như ngày trước nữa. Nàng nhân thưa với phu nhân, phu nhân thở dài: - Không ngờ chàng lại mắc mớ còn mối lòng trần như vậy. Nhân cho một cỗ xe cẩm vân để chàng cưỡi về. Nàng cũng đưa cho chàng một bức thư viết vào lụa mà nói: - Ngày khác trông thấy vật này, xin đừng quên mối tình ngày cũ. Rồi tràn nước mắt mà ly biệt. Chàng đi chỉ thoắt chốc đã về đến nhà, thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc màu xanh thủa nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói: - Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 80 năm, nay đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh là đời ông vua thứ ba của triều Lê rồi. Chàng bấy giờ mới hậm hực bùi ngùi; muốn lại lên xe mây để đi, nhưng xe đã hóa làm một con chim loan mà bay mất. Mở thư ra đọc, thấy có câu: "Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết; tìm non tiên ở trên bể, dịp khác còn đâu!” mới biết là Giáng Hương đã nói trước với mình những lời ly biệt. Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất. (Trích Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, NXB Hội Nhà văn, 2008) Câu 1. Đoạn trích trên có đặc điểm nào của truyện truyền kì? Hãy chỉ rõ các đặc điểm đó trong đoạn trích. Câu 2. Trong đoạn trích, hành động nào của Từ Thức được mọi người khen là người hiền đức? Câu nói “Ta không thể vì số lương năm đấu gạo đỏ mà buộc mình trong áng lợi danh.” cho thấy Từ Thức là người có tính cách như thế nào? Câu 3. Sau khi ở cõi tiên trở về quê nhà, Từ Thức thấy những gì? Chi tiết này đã góp phần thể hiện đặc điểm nào về thời gian kì ảo trong truyện truyền kì? Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ có trong câu văn: “Phàm những nơi nước tú non kì như núi Chích Trợ, động Lục Vân, sông Lãi, cửa Nga, không đâu không từng có những thơ đề vịnh.” Câu 5. Qua việc Từ Thức từ chối cuộc sống chốn tiên bồng, em rút ra được thông điệp gì? PHẦN II. VIẾT (6.0 điểm) Câu 1: Viết đoạn văn diễn dịch (khoảng 15 câu) trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi (Trích “Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm) *Nguyễn Khoa Điềm: Sinh năm 1943, ở Thừa Thiên-Huế, trong một gia đình trí thức có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông thuộc thế hệ các nhà thơ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông có sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người tri thức về đất nước, con người Việt Nam. * Đoạn trích “Đất nước” thuộc phần đầu chương V của trường ca "Mặt đường khát vọng" được sáng tác năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ về non sông, đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Câu 2: Ngày nay “sống xanh” không đơn thuần chỉ là một lối sống mà đang dần trở thành yêu cầu cấp thiết của xã hội. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 1.5 - 2 trang giấy) trình bày ý kiến của em về quan điểm “sống xanh”.
|