( …)Một hôm Quốc Tuấn vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương : “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?” Hưng Vũ Vương thưa: “Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!” Quốc Tuấn ngẫm cho là phải. Lại một hôm Trần Quốc Tuấn đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.”Quốc Tuấn rút gươm kể tội:- “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra”.
Định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Đến đây, ông dặn Hưng Vũ Vương: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng.”(…)( Trích Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Trang 43, SGK Ngữ văn 10, Tập II, NXBGD 2006)
1/ Văn bản trên kể về sự việc gì?
2/ Xác định phương thức biểu đạt của văn bản?
3/ Xác định biện pháp nghệ thuật nổi bật trong thái độ của Hưng Đạo Vương với 2 người con trai? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó?
4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về bài học giáo dục con cái trong cuộc sống hôm nay.