Theo nội dung văn bản trên, vì sao họ Hồ ở đất Thanh Hoa lại đổi làm họ Lê? Những sự kiện nào cho thấy thời vận của dòng họ Hồ đã đến thời hưng thịnh?Tôi là Lê Nguyên Trừng, hay nói cho đúng hơn tôi là Hồ Nguyên Trừng. Theo gia phả từ xưa để lại, ông tổ của chúng tôi Hồ Hưng Dật từ miền Triết Giang, Trung Hoa, vào thời Ngũ Quý, đã sang đất Giao Chỉ làm quan ở Diễn Châu. Trải qua mười hai đời, đến đời cụ Hồ Liêm lại di cư sang hương Đại Lại phủ Thanh Hoa làm con nuôi quan tuyên uý Lê Huấn; từ đấy chi họ Hồ ở Thanh Hoa đổi làm họ Lê. Cha tôi, Lê Quý Ly là cháu bốn đời của cụ Hồ Liêm. Khi hai bà cô của cha tôi là thái hậu Đôn Từ và Minh Từ được tuyển vào cung làm phi cho đức vua Trần Minh Tôn, rồi lại đến khi con của bà Minh Từ lên làm vua tức là Trần Nghệ Tôn, thì cha tôi biết thời vận của dòng họ nhà tôi đã đến. Quả đúng như cha dự đoán, vua Nghệ Tôn, người anh em con cô cậu với cha tôi, đã rất quý trọng cái tài kinh bang tế thế (trị nước giúp đời) của cha tôi. Ông đã được thăng quan vùn vụt để cuối cùng lên hàng quan nhất tể triều đình. Đến lúc này, cha mới bảo tôi: - Trong đạo hiếu, việc làm rạng rỡ tổ tiên, làm cho tên tuổi của dòng họ vang danh, lưu truyền sử sách, đó chính là đại hiếu. Lúc nào trong tâm khảm con cũng phải nhớ con dòng dõi họ Hồ. Việc đổi sang họ Lê chỉ nhất thời; người quân tử cũng phải biết chịu khuất thân, miễn chí lớn cuối cùng đạt được. Cha tôi sáng mắt lên, rồi mơ màng kể cho tôi nghe về dòng dõi họ Hồ. - Họ Hồ nhà ta chính dòng dõi Ngu Thuấn. Ông Hồ Công Mãn là con cháu Ngu Thuấn được phong ở đất Hồ cho nên lấy chữ Hồ làm họ; cụ Hồ Hưng Dật sang Giao Châu làm quan chính là hậu duệ của cụ Hồ Công Mãn... Thế đấy! Tôi hiểu ý cha tôi muốn nhắc nhở rằng tôi chính là con cháu của các bậc vua chúa, mà lại là những ông vua vĩ đại lừng danh thiên hạ. Ôi chí lớn! Tôi cũng hiểu chính vì cái chí lớn đó mà cha tôi đã rất hài lòng khi tôi miệt mài đọc sách của trăm nhà, và khi tôi chăm chú theo hầu ông ngoại tôi để học lấy cái nghề y sư (thầy thuốc). Nhưng y sư đâu phải là điều cha tôi đã bằng lòng. Ông còn muốn tôi là đại y sư. Còn nhớ một lần, khi tôi đã trưởng thành, cha ra một vế câu đối, bắt tôi đối lại: - Thử nhất quyển kỳ thạch, hữu thì vi vân vi vũ, dĩ nhuận sinh dân. (Hòn đá bằng nắm tay này có lúc làm mây làm mưa để thấm nhuần cho dân) Tôi đối lại rằng: - Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc. (Cây thông nhỏ ba tấc ấy, ngày sau làm rường làm cột để chống đỡ xã tắc). Ôi! Chỉ là một hòn đá nhỏ thôi mà cha tôi muốn làm mây làm mưa để tưới cho khắp muôn nhà. Qua câu đối ấy tôi hiểu rõ cái chí của cha tôi. Tôi cũng biết rằng từ đây họ Hồ chúng tôi bắt đầu phải đương đầu với bão tố. Chí càng lớn, bão tố càng lớn. Chí mà thành thì muôn đời có công; chí mà bại thì lưu tiếng xấu ngàn thu. Từ đó lòng tôi buồn vô hạn, lòng tôi giằng xé trăm điều. Nhưng biết sao được! Cùng một huyết thống, tức cùng chung một con thuyền; thoát ra một mình cũng chẳng được; số mệnh buộc chúng tôi đắm cùng chịu đắm, vinh cùng hưởng vinh. Nhưng gia đình chúng tôi còn nằm chung trong con thuyền của cả nước, liệu con thuyền gia tộc chúng tôi nếu bị đảo điên, thì con thuyền cả nước sẽ ra sao? Đó là vấn đề. Càng nghĩ, lòng tôi càng thêm buồn rầu, bối rối. (trích Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh. NXB Phụ nữ. Hà Nội, 2006)
* Chú thích: Hồ Quý Ly là tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Tiểu thuyết lấy bối cảnh nước ta dưới thời thượng hoàng Trần Nghệ Tông, đất nước đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, nhân dân lầm than, nhà Trần suy bại. Trong bối cảnh đó, Hồ Quý Ly (1336 - 1407) đã ép vua Trần nhường ngôi cho mình, lập nên triều nhà Hồ, đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Hồ Quý Ly đã thực hiện nhiều cải cách toàn diện đất nước với tham vọng chấn hưng nước nhà, giữ vững ngôi vua của vương triều. Nhưng những cải cách ấy chưa kịp mang lại hiệu quả, ngược lại, khiến lòng dân oán hận. Năm 1406, quân Minh sang xâm lược nước ta, quân nhà Hồ thua trận, Hồ Quý Ly bị bắt mang về Trung Quốc. A. TRẮC NGHIỆM (2,5 điểm) Khoanh tròn vào những phương án trả lời đúng trong các câu hỏi dưới đây.Câu 1. Theo nội dung văn bản trên, vì sao họ Hồ ở đất Thanh Hoa lại đổi làm họ Lê? A. Vì họ Hồ vốn gốc Trung Quốc, sang nước ta thì đổi thành họ Lê để giống với người Việt. B. Vì Hồ Quý Ly được nhà vua tin cậy, yêu mến nên cho đổi thành họ Lê. C. Vì cụ tổ bốn đời của Hồ Quý Ly được nhận làm con nuôi quan tuyên uý họ Lê nên đổi thành họ Lê. D. Vì Hồ Quý Ly muốn che dấu gốc tích thật sự của dòng họ mình. Câu 2. Những sự kiện nào cho thấy thời vận của dòng họ Hồ đã đến thời hưng thịnh?A. Hồ Liêm được nhận làm con nuôi quan tuyên uý. B. Hai bà cô của Hồ Quý Ly được vào cung, làm phi cho vua Trần Minh Tôn. C. Con của bà Minh Từ, là anh em con cô con cậu với Hồ Quý Ly, được lên ngôi vua. D. Hồ Hưng Dật được cử sang Giao Châu làm quan. Câu 3. Vì sao Hồ Quý Ly được "thăng quan vùn vụt để cuối cùng lên hàng quan nhất tể triều đình"?A. Vì Hồ Quý Ly vốn gần gũi nhà vua, được vua tin dùng. B. Vì gia đình Hồ Quý Ly thế lực to lớn, lấn át trăm quan, vua cũng phải kiêng dè. C. Vì Hồ Quý Ly có chí lớn, khao khát muốn làm nên những công nghiệp to lớn cho đất nước, dân tộc. D. Vì Hồ Quý Ly có tài trị nước an dân. Câu 4. Chi tiết Hồ Quý Ly giảng giải cho con mình về gốc tích của dòng họ Hồ thể hiện điều gì?A. Nhắc con nhớ về dòng dõi cao quý của tổ tiên để từ đó cố gắng làm nên nghiệp lớn, xứng đáng với dòng tộc. B. Thể hiện chí lớn ôm trùm thiên hạ cùng giấc mộng đế vương của Hồ Quý Ly. C. Bộc lộ niềm tin đặt ở nơi con trai mình sẽ làm nên nghiệp lớn. D. Khuyên răn con nên gắng sức học tập để trở thành một đại y sư, giúp dân giúp nước. Câu 5. Trong câu đối của Hồ Nguyên Trừng với cha mình, ta thấy mơ ước, nguyện vọng của Nguyên Trừng là gì?A. Muốn làm bề tôi trung thành giúp vua, giúp dân giúp nước. B. Muốn trở thành vua một nước, làm rạng danh tổ tiên. C. Muốn sống cuộc đời bình dị, ngay thẳng, trong sạch. D. Muốn thành một bậc đại y sư để không phụ sự kì vọng của cha. B. TỰ LUẬNCâu 1. Hãy chỉ ra những đặc điểm tiêu biểu của thể loại truyện lịch sử qua đoạn văn bản trên. Câu 2. Giải nghĩa các từ Hán Việt trong đoạn trích trên: gia phả, khuất thân, hậu duệ, đảo điên Câu 3. Em thấy nhân vật Hồ Quý Ly trong đoạn văn bản trên là người như thế nào? Chi tiết nào cho em nhận ra đặc điểm, tính cách đó của nhân vật? Câu 4. Truyện được kể từ ngôi thứ mấy? Người kể chuyện là ai? Nêu tác dụng của việc lựa chọn ngôi kể chuyện ấy trong việc làm nổi bật đặc điểm nhân vật chính Hồ Quý Ly. Câu 5. Theo em, vì sao nhân vật "tôi" trong đoạn văn bản trên cảm thấy lòng "càng thêm buồn rầu, bối rối"? |