Đọc đoạn trích sau và trả lờiĐỀ 2 I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm) Đọc đoạn trích sau: Các cụ dần dần tới cả, người thì đầu tóc bạc phơ, người thì hoa râm lốm đốm, ai nấy đều mặc những quần áo mới, hoặc sắm lấy hoặc dân làng sắm cho. Họ từ những hang cùng ngõ hẻm, từ những xóm tre núi đỏ, ở khắp các đường các ngả đi lại, gần thì đi bộ, già quá thì chống gậy trúc, xa thì đi thuyền đi ngựa hay đi cáng,[...]. Trong những tiếng ồn ào thường luôn luôn tuôn ra một điệp khúc rất quen. - Các cụ xin đánh cả nhé. Xin đánh. Các cụ gật đầu, miệng nở một nụ cười đồng điệu, họ không ngờ tính tình của những người xa cách hằng bao nhiêu quan san lại có chỗ giống nhau đến thế. Các cụ đã tiến vào trong điện Diên Hồng, một ngôi nhà uy nghiêm rộng rãi mà vua làm sở tiếp các đại biểu tôn kính của dân gian. […].Vua hỏi tuổi, hỏi gia thế, con cháu mọi người, cả việc làm ăn ruộng nương chợ búa, cười nói tự nhiên, lần đầu ngài được thỏa cái tinh thần nhân dân của mình. […] Họ đăm đăm chờ đợi câu hỏi chính của nhà vua. Mãi đến khi tiệc lớn đã tàn, mọi người đang uống nước, ăn trầu, vua mới đứng lên, nói rõ về sự uy hiếp của quân Mông, sức mạnh và tài chinh chiến của họ, sau cùng là tả những nỗi nhục mà triều đình phải chịu đựng, phác quang tình cảnh non sông và cái thế khiến cho mình do dự và tiếp: - Nay quốc gia nguy ngập, trẫm và triều đình không quyết nổi, vì quốc gia là của chung nên trẫm phải triệu liệt vị vào đây để hỏi ý. Thế của ta nay chỉ có hai cách: cho nó mượn đường hay đánh lại, xin liệt vị chỉ giáo cho. Tiếng đáp đã sẵn sang ngay từ khi bước chân lên đường, các cụ đồng thanh, muôn người một miệng: - Xin đánh! Lời đáp vắn tắt, đanh thép, đánh tan mỗi do dự của quân vương, khích lệ tướng sĩ, thôi thúc nhân dân, vẫn còn văng vẳng bên tai mọi người và quyện trong núi rừng ngoài biên ải như một lời cảnh cáo quân thù. Từ khi các bô lão về, người tòng quân mỗi ngày một đông, các chiến sĩ ra công luyện tập và các mõ gọi trai tráng ra đình ngày đêm không ngớt tiếng rao. […] “Sát Thát” đã thành hiệu lệnh chung của tất cả mọi người dưới trời Nam. ( Trích An Tư, Nguyễn Huy Tưởng, NXB thanh niên) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Xác định bối cảnh lịch sử của đoạn trích trên A. Giặc Mông âm mưu xâm lược nước ta, vua triệu các vị bô lão để hỏi ý kiến nên đánh hay cho mượn đường. B. Giặc Mông âm mưu xâm lược nước ta, vua triệu các thân vương để hỏi ý kiến nên đánh hay cho mượn đường. C. Giặc Mông âm mưu xâm lược nước ta, vua triệu các vị tướng lĩnh giàu kinh nghiệm để bàn kế sách đánh giặc. D. Giặc Mông âm mưu xâm lược nước ta, vua quyết thân chinh ra trận. Câu 2. Triều đại lịch sử được kể trong đoạn trích trên là: A. Nhà Lí B. Nhà Trần C. Nhà Lê D. Nhà Nguyễn Câu 3. Xác định ngôi kể của đoạn trích trên A.Thứ nhất B. Thứ hai C. Thứ ba D. Ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba Câu 4. Cuộc gặp gỡ giữa vua Thiệu Bảo và các bô lão diễn ra ở: A. Điện Diên Hồng B. Trong phủ riêng của vua C. Trong cung điện D. Ở ngự hoa viên Câu 5. Vì sao vua Thiệu Bảo triệu các bô lão đến kinh thành? A. Vì vua muốn chiêu đãi các bô lão trước khi bước vào trận chiến đấu quyết liệt B. Vì vua muốn bày tỏ lòng biết ơn với các bô lão trước khi bước vào trận chiến đấu quyết liệt C. Vì vua muốn đưa các bô lão tới tham quan chốn kinh kì phồn hoa đô hội D. Vì vua tin tưởng và muốn lắng nghe ý kiến của các bô lão về công việc hệ trọng của đất nước Câu 6. Vì sao các bô lão đều có ý kiến: “Xin đánh” khi được vua hỏi: nên cho giặc mượn đường hay đánh lại? A. Vì các bô lão nhận thấy việc mượn đường của giặc là cái cớ để chúng xâm lược nước ta. B. Vì các bô lão nhận thấy đường sá là công trình của quốc gia, không thể cho giặc mượn C. Vì các vị bô lão cũng muốn ra trận chiến đấu với giặc để bày tỏ lòng trung thành với đất nước D. Vì lúc này đất nước ta đã dư thừa vũ khí và lực lượng để đương đầu với giặc Câu 7. “Từ khi các bô lão về, người tòng quân mỗi ngày một đông, các chiến sĩ ra công luyện tập và các mõ gọi trai tráng ra đình ngày đêm không ngớt tiếng rao”, thông tin này cho ta thấy tinh thần gì của quân dân ta? A. Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc khó khăn hoạn nạn B. Tinh thần hăng hái chuẩn bị lực lượng, tập dượt chiến thuật đánh giặc C. Tinh thần lạc quan, vui vẻ vượt qua mọi khó khăn để vươn lên D. Tinh thần tự chủ, muốn kéo dài thời gian trì hoãn để kẻ thù tự rút lui Câu 8. Từ “Sát Thát” được hiểu là: A. Giết giặc đền ơn vua B. Giết giặc Mông Cổ C. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh D. Quyết chiến quyết thắng Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu: Câu 9. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một từ tượng hình, một từ tượng thanh trong đoạn trích. Câu 10. Em cảm nhận được điều gì về thái độ, tinh thần của các vị bô lão trong đoạn trích trên? (viết 03 câu văn) II. VIẾT (4.0 điểm) Viết bài văn phân tích bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương: Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
|