Dọc văn bản Tống biệt hành và thực hiện các yêu cầu nêu bên dưới:
TỐNG BIỆT HÀNH
Thâm Tâm
Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng.
– Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
1940
(In trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân, NXB Văn học, 1988)
a. Xác định đề tài, nội dung bao quát và bố cục của bài thơ.
b. Phân tích 10 dòng thơ đầu để làm rõ:
- Khung cảnh đưa tiễn, hình ảnh người ra đi (“người”) và tình cảm, cảm xúc của người đưa tiễn (“ta”).
- Các yếu tố hình thức nghệ thuật như thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, biện pháp tu từ,... có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện khung cảnh, nhân vật được nêu ở mục a?
c. Phân tích 12 dòng thơ cuối và cho biết:
- Giữa thái độ “một giã gia đình một dửng dưng” (mười dòng thơ đầu) với nỗi “buồn” (tám dòng thơ giữa) và việc “đi thực” (bốn dòng thơ cuối) của người ra đi có gì mâu thuẫn không? Vì sao?
- Hình ảnh “mẹ già”, “một chị, hai chị...”, “em nhỏ ngây thơ...” được nhắc đến trong bài thơ có tác dụng gì trong việc thể hiện hình ảnh người ra đi?
d. Bài thơ cùng lúc thể hiện tình cảm, tâm sự của nhiều nhân vật nhưng chung quy vẫn là để thể hiện tình cảm, tâm sự của nhân vật xưng “ta”, có thể nói như vậy được không? Vì sao?
d. Theo em, về hình thức, bài thơ có những điểm gì độc đáo?