Đọc văn bản sau và lựa chọn đáp án đúng nhất:ĐỀ SỐ 3. Đọc văn bản sau: […] Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa. Bởi thế cho nên, chúng tôi, Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp. Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập ! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. (Trích Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh) Lựa chọn đáp án đúng nhất: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên. A. Tự sự B. Miêu tả C. Biểu cảm D. Nghị luận Câu 2. Luận đề nêu ra của văn bản trên là: A. Toàn dân Việt Nam trên dưới một lòng chống lại âm mưu xâm lược của bọn thực dân. B. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. C. Việt Nam đã giành được độc lập và toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy. D. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành nước tự do và độc lập. Câu 3. Văn bản trên được viết trong giai đoạn lịch sử nào? A. Sau khi Bác tìm được con đường cứu nước và trở về đất nước 1941. B. Sau khi cách mạng tháng tám thành công 1945. C. Sau chiến thắng Điện Biên phủ 1954. D. Sau đại thắng mùa xuân 1975. Câu 4. Mục đích mà văn bản hướng đến là? A. Tuyên bố với nhân dân Việt Nam về nền độc lập vừa giành được. B. Tuyên bố với toàn thể nhân dân Việt Nam và toàn thế giới về nền độc lập của Việt Nam vừa giành được; thể hiện lòng quyết tâm giữ vững nền độc lập đó. C. Tuyên bố với nhân dân thế giới về nền độc lập vừa giành được. D. Thế hiện nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ vững nền độc lập vừa giành được. Câu 5. Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu-kim-sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Mục đích lập luận của câu này được hiểu như thế nào? A. Được hiểu là các nước Đồng minh không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. B. Các nước Đồng minh không can thiệp vào việc công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. C. Các nước Đồng minh bắt buộc phải công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. D. Không có đáp án nào đúng. Câu 6. Phép tu từ điệp ngữ có tác dụng gì trong lập luận của đoạn văn sau: Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập ! A. Nhằm nhấn mạnh và khẳng định dân tộc chúng ta đã rất gan góc, kiên cường chống lại ách nô lệ của thực dân Pháp và phát xít mấy năm nay, chúng ta xứng đáng được độc lập, được tự do; thể hiện niềm tự hào của Bác về dân tộc ta. B. Nhằm ca ngợi sự kiên cường của dân tộc ta. C. Nhằm khẳng định và nhấn mạnh dân tộc chúng ta đã rất gan góc, kiên cường chống lại ách nô lệ của thực dân Pháp và phát xít mấy năm nay. D. Cả A, B, C. Câu 7. Lời tuyên bố cuối cùng của bản Tuyên ngôn độc lập có thể hiểu là: A. Việt Nam đã chính thức được tự do. B. Việt Nam có quyền được hưởng tự do, độc lập và điều đó đã đến. Việt Nam kiên quyết giữ vững quyền tự do độc lập ấy. C. Việt Nam mong muốn cả thế giới công nhận nền tự do, độc lập của mình D. Việt Nam ca ngợi nền tự do, độc lập của mình. Câu 8. Thái độ, tình cảm của tác giả s khi viết bản Tuyên ngôn độc lập. A. Khẳng định nền độc lập B. Tự hào về sức mạnh dân tộc C. Thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của Bác. D. Khẳng định nền độc lập; tự hào về sức mạnh cuả dân tộc; thể hiện lòng quyết tâm; mạnh mẽ tuyên bố với toàn thế giới về nội lực sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập này. Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu: Câu 9. Bằng hiểu biết của em, em hãy tìm ra một vài dẫn chứng trong thực tế hoặc qua một số văn bản để chứng minh cho ý kiến: “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”. Câu 10. Đây là bản tuyên ngôn độc lập chính thức đầu tiên và duy nhất của nước ta. Ngoài ra trong chương trình văn bản em đã học có tác phẩm nào cũng được xem là bản tuyên ngôn độc lập? Từ đó em hãy viết một đoạn văn (10 - 12 câu) bàn luận về vai trò của tự do, độc lập. |