PHẦN I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm): Đọc văn bản sau:
ÔNG PHỖNG ĐÁ
Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
Mà trơ như đá vững như đồng!
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
Non nước đầy vơi có biết không?
(Nguyễn Khuyến, Tổng tập văn học Việt Nam, tập 14, Đặng Đức Siêu sưu tầm, biên soạn, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr. 1187)
* Phỗng: là tượng người bằng đất, đá, đặt ở đền chùa, miếu mạo, được coi là người đứng hầu nơi thờ tự. Phỗng còn là tượng dân gian bằng đất, bằng sành hay bằng sứ, cỡ nhỏ, dáng to béo, lạc quan, để bày chơi trong các gia đình.
* Bài thơ “Ông phỗng đá: được sáng tác vào khoảng năm 1891-1893, khi cụ Tam nguyên Yên Đổ được Quan Kinh Lược Sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải "mời" đến dinh riêng của Quan để ngồi dạy học. Một hôm nhà thơ dạo chơi ngoài vườn, thấy ông phỗng đá bên hòn non bộ liền tức cảnh hạ bút làm bài thơ này.
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Bài thơ được làm theo thể thơ nào?
A. Bảy chữ
B. Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
C. Ngũ ngôn tứ tuyệt Đường luật
D. Thất ngôn bát cú Đường luật
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là phương thức nào?
A. Miêu tả C. Nghị luận
B. Tự sự D. Biểu cảm
Câu 3. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai, xuất hiện như thế nào?
A. Là tác giả, xuất hiện gián tiếp
B. Là tác giả, xuất hiện trực tiếp.
C. Chủ thể xuất hiện trực tiếp qua từ “ông”
D. Không xác định được
Câu 4. Đối tượng hướng tới của tiếng cười trào phúng trong bài thơ là:
A. Những ông phỗng làm bằng đất, đá ở đền chùa, miếu mạo
B. Những bức tượng dân gian bằng đất, bằng sành hay bằng sứ để bày chơi trong các gia đình
C. Những người không chịu hành động, thờ ơ, vô trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước trong thời khắc đất nước có giặc ngoại xâm
D. Tác giả
Câu 5. Hình ảnh non nước đầy vơi trong câu thơ “Non nước đầy vơi có biết không?” hàm chứa ý nghĩa gì?
A. Hiện tình đất nước đang có biến động: thực dân Pháp xâm lược, triều đình đầu hàng giặc, quan lại thì bù nhìn, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra đều bị dập tắt, vận mệnh đất nước đang lâm nguy.
B. Đất nước đang có biến động: thực dân Pháp xâm lược, nhiều cuộc khởi nghĩa thắng lợi mang lại hy vọng giành lại độc lập chủ quyền cho đất nước.
C. Đất nước hòa bình, nhân dân ấm no, hạnh phúc
D. Cả A, B đúng
Câu 6. Nội dung của hai câu thơ đầu là:
A. Khắc họa hình ảnh ông phỗng đá đứng trơ trơ bất động, mặc kệ sự biến động của trời đất như một kẻ bù nhìn.
B. Mỉa mai, phê phán những con người (đặc biệt là bọn quan lại) đương thời thờ ơ vô trách nhiệm, không biết xót thương tới những cảnh lầm than của người dân, trước nguy cơ mất nước.
C. Cả A, B mới đúng
D. Cả A, B đều sai
Câu 7. Giọng điệu chủ đạo của bài thơ là gì?
A. Hài hước
B. Mỉa mai- châm biếm
C. Đả kích
D. Thủ thỉ tâm tình
Câu 8. Dòng nào nói đúng nhất về cách gieo vần của bài thơ?
A. Vần lưng, vần chân
B. Vần chân, vần liền
C. Vần chân, vần liền, vần cách
D. Vần chân, vần cách
Trả lời câu hỏi/ Thực hiện yêu cầu:
Câu 9. Phân tích tác dụng của câu hỏi tu từ trong bài thơ.
Câu 10. Theo em bài thơ gửi đến người đọc thông điệp gì?
PHẦN II. VIẾT (4.0 điểm)
Viết bài văn trình bày suy nghĩ của em về vấn đề: học sinh với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.