Thiêng liêng Thành cổ Quảng Trị thuộc loại văn bản nào? Nêu 2 dấu hiệu nhận biết? Vì sao Thành cổ Quảng Trị là mảnh đất “thiêng liêng”?Thiêng liêng Thành cổ Quảng Trị
Trải qua những năm tháng hào hùng của dân tộc, Thành cổ Quảng Trị là minh chứng cho sự đấu tranh kiên cường và lịch sử vẻ vang của quân dân Việt Nam, là không gian thiêng liêng tái hiện miền ký ức hào hùng và bi tráng của một thời hoa lửa. Sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là bản hùng ca bất tử vang mãi muôn đời. Trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt, trên toàn bộ khu vực Thành cổ, Mỹ đã ném xuống hơn 328.000 tấn bom. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất, từng cỏ cây Thành cổ. Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử một trang sử vàng chói lọi, một tượng đài về khát vọng độc lập, hòa bình. Các anh hùng liệt sĩ ngã xuống trên mảnh đất này không phải để viết nên một trang sử bi tráng mà viết nên một trang hòa bình. Chính vì vậy, xây dựng Thành cổ Quảng Trị trở thành biểu tượng hòa bình là niềm mong mỏi của chiến sĩ, đồng bào và nhân dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng. Giờ đây, Thành cổ với màu xanh bình yên nằm giữa lòng khu đô thị trẻ sầm uất - thị xã Quảng Trị bên dòng Thạch Hãn, nhưng những dấu tích vẫn còn lưu mãi về một thời hào hùng, là cội nguồn nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. <!--[if gte vml 1]> <!--[endif]--> Cách Quốc lộ 1A gần 2 km, Thành cổ Quảng Trị nằm tại trung tâm thị xã Quảng Trị, sát với dòng sông Thạch Hãn khoảng 500 m. Theo tài liệu ghi lại, vào thời Gia Long, thành Quảng Trị được xây dựng tại phường Tiền Kiên, Triệu Thành - Triệu Phong. Đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (tức vị trí ngày nay, thuộc Phường 2, thị xã Quảng Trị). Ban đầu, thành được đắp bằng đất, tới năm 1837, vua Minh Mạng cho xây lại bằng gạch. Thành có hình vuông, chu vi tường thành là hơn 2.000 m, cao hơn 4 m, dưới chân dày hơn 12 m, bao quanh có hệ thống hào. Thành cổ Quảng Trị đã đi qua bao thăng trầm của lịch sử. Cuộc chiến đấu vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 như một dấu mốc chói lọi mà vùng đất này trải qua. 81 ngày đêm, từ ngày 28/6/1972 đến ngày 16/9/1972. Trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, không thể tính được chính xác có bao nhiêu chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của dân tộc nhưng tại địa điểm này, mỗi mét đất đều thấm đẫm máu của các anh. Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn chiến sỹ đã anh dũng ngã xuống, đã hòa vào lòng đất mẹ. 81 ngày đêm quá khắc nghiệt nhưng cũng là một trang sử rất hào hùng của dân tộc, một minh chứng thà hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đến với Thành cổ, một địa chỉ không thể bỏ qua đó là Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Không quá lớn và quy mô nhưng những di vật bên trong bảo tàng này đã phần nào nói lên sự ác liệt của chiến trường Quảng Trị năm 1972. Được thiết kế 2 tầng, bên dưới là nơi tiếp khách, là nơi để du khách lưu lại những cảm xúc khi đến với vùng đất thiêng Thành cổ; bên trên là nơi lưu giữ những hiện vật của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Qua lời giới thiệu hướng dẫn viên bảo tàng, những bức thư thời chiến, súng, đạn, lá cờ đã bạc màu thời gian, những chiếc bình đông đựng nước,… tất cả như làm sống lại một thời đầy ác liệt của cuộc chiến tranh, gây xúc động cho người nghe, hun đúc thêm tinh thần yêu nước cho các thế hệ sau. Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị là nơi để cho du khách thắp nén hương thơm tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đã không tiếc xương máu của mình và mãi mãi nằm lại ở vùng đất này. Đài tưởng niệm ở Thành cổ Quảng Trị được xây dựng mô phỏng như một ngôi mộ tập thể. Tượng đài này được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương. Dưới chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác, tượng trưng cho bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Bên trên là mái đình Việt cách điệu. Một cây đèn màu đỏ được xem như cây thiên mệnh, là cầu nối giữa trời và đất để chuyển tải linh hồn các anh hùng liệt sỹ về cõi vĩnh hằng. Có 81 bậc thang đi lên, tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị… Lòng nấm mồ rỗng có 2 trục đường chính giao nhau. Chính giữa là nơi đặt hành trang người lính, đó là chiếc mũ tai bèo, một bình đông nước, đôi dép cao su, khẩu súng AK và chiếc ba lô. Không kém phần trang nghiêm, tháp chuông nơi Thành cổ Quảng Trị cũng là công trình được nhiều du khách viếng thăm. Được hoàn thành vào năm 2007, quả chuông đồng có trọng lượng 7 tấn, chiều cao 3,9 m, đường kính 2,15 m, được treo trên tháp có chiều cao gần 15 m. Đây là công trình đặc biệt nhằm tri ân sự hy sinh của những anh hùng liệt sỹ trong chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị. Trải qua những đau thương mất mát trong chiến tranh, Thành cổ Quảng Trị từng hứng chịu những trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù, hôm nay là màu của cây cỏ, hoa lá, là màu xanh của sự sống đã hồi sinh. Được sống trong hòa bình nhưng hàng triệu trái tim người Việt không thể nào quên đi quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng ấy. Thành cổ Quảng Trị được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây không chỉ là một điểm du lịch tâm linh mà còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, là nơi để bồi đắp tinh thần yêu nước và niềm tự hào của nhân dân Việt Nam. (Theo baocaobang.vn, 12 – 07 - 2024) Câu 1. Thiêng liêng Thành cổ Quảng Trị thuộc loại văn bản nào? Nêu 2 dấu hiệu nhận biết? Câu 2. Vì sao Thành cổ Quảng Trị là mảnh đất “thiêng liêng”? Câu 3. Văn bản trên đã sử dụng những cách trình bày thông tin nào? Phân tích hiệu quả của một trong những cách trình bày thông tin mà người viết lựa chọn. Câu 5. Em ấn tượng với nội dung thông tin nào nhất trong văn bản? Vì sao? Câu 6. Em rút ra thông điệp gì từ văn bản? (Viết đoạn văn từ 4-6 dòng) |