Đọc văn bản sau:
CÁ VOI
Phạm Đình Hổ [1].
Ông Nguyễn Tông Trình làm Đốc thị tỉnh Nghệ An, lúc mới đến nhậm chức, có một con cá voi chết ở bờ biển, dài hơn một trăm thước, bề ngang cũng chừng bấy nhiêu, quan địa phương lên trình ông biết. Ông liền cùng với đồng liêu đến nơi làm bài văn tế. Vài năm sau, có một đồng tử, dung mạo đẹp đẽ, độ mười bốn mười lăm tuổi, mặc áo học trò, đến cửa nha môn hỏi thăm anh Nguyễn Tông Trình có ở trong nhà không. Người canh cửa đuổi đi, mắng “Đứa trẻ con nào đó dám nói hỗn đến trưởng quan, không đi ngay thì ta đánh cho bây giờ!”. Liễn rũ tay áo, cười mà rằng “Ta nhớ bạn cố nhân nên chẳng quản xa xôi đến hỏi thăm, không gặp thì ta đi, làm gì mà hung hăng thế!”.
Người canh cửa lấy làm lạ, liền vào bẩm quan. Ông Trình chỉnh tề áo mũ, nghiêm trang ra đón, thì đồng tử đã đi xa rồi. Ông liền sai kẻ nha dịch chạy theo, cố mời trở lại. Vào ngồi yên đâu đấy, đồng tử cười bảo ông rằng “Bấy lâu cách biệt, vẫn nhớ tới huynh ông, mà huynh ông không nhớ đến cố nhân ư?”. Ông từ tạ, rồi bày rượu ngồi nói chuyện. Đồng tử bùi ngùi nói “Tôi với anh đều ở trên thiên tào bị trích giáng. Anh thì sinh ra trên cõi đời, làm nên khoa giáp, không đến nỗi biến mất cái bản lai diện mục [2]. Không như tôi bị khiển trách, sinh ra làm loài cầm ngư, ở trong đám bụi hồng bể khổ, chỉ làm cho đời người thêm buồn bã mà thôi”. Hỏi kĩ thì đồng tử kể lại rằng “Tôi lúc mới bị trích xuống thì làm chim khiếu, tinh khôn mà hót hay, gặp được anh chàng ăn chơi ở chốn đô thành bỏ ra món tiền lớn mua về, sớm tối làm cảnh, ví như ngọc củng bích[3]. Phải như thế đến hơn mười năm, lắm lúc muốn lột bỏ da lông mà thác đi cho rồi. Song nghĩ chưa được mưu kế gì. Một bữa kia, sổ lồng bay ra. Khi ấy, chủ nhân đang pha chè đãi khách, âm chuyên chén mẫu trị giá đến hàng trăm bạc. Tôi bay lên chỗ chiếu khách ngồi, nhảy nhót, sa ngay vào bộ chén, vỡ tan. Chủ nhân nổi giận lấy xe điếu đập chết. Song Thượng Đế bảo tôi bị trích giáng chưa mãn hạn, nên lại xuống làm kiếp cá voi. Được ba năm, tôi nghĩ mà tức giận ngục nhằn, mới nhân thủy trào ngoi lên bờ nằm phơi vây ra đấy mà chết. Khi ấy, anh cùng bạn đồng liêu đến thăm, làm văn tế tôi; hiềm rằng đôi đường u hiển khác nhau, không được cùng nhau nói chuyện. Đến khi đọc bài văn tế của anh, thì nghe ra linh cơ diệu tứ rất hay. Nay nhờ Thượng Đế cho mãn hạn trích giáng, được vào nơi hang núi tu hành để rồi lại bổ chức cũ. Tôi sắp được về chầu Thượng Đế, nên lại chơi cáo biết với cố nhân; ngày khác được gặp nhau ở nơi tử phủ thanh đô[4], cũng chẳng bao lâu nữa”. Ông nhân mời nghỉ lại chơi, hỏi về bước tiến trình của mình sau này thế nào, thì nhiều điều không chịu tiết lộ. Sớm hôm sau, đồng tử cáo biệt ra đi, ông chỉnh tề khăn áo, tiễn khỏi cửa, thì không thấy đâu nữa. Chẳng bao lâu sau, ông cũng mất tại chức.
(Trích “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ)
Chú thích
1. Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), nguyên quán tại hương Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là ấm sinh của một vọng tộc khoa hoạn. Ấu thơ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí: Nam nhi phải lập thân hành đạo ... Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời ...[1].Từ khi lên 9 tuổi, ông học và đọc nhiều Hán thư, nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ cuối thời Chiêu Thống.
2. Ý nói vẫn giữ được diện mạo cũ của mình.
3. Cùng nghĩa là vốc tay, ngọc củng bích là hạt ngọc to bằng vốc tay, ý nói quí giá lắm.
4. Chốn cung đình của Thượng Đế.
Xác định ngôi kể trong văn bản trên.