Đọc văn bản dưới đây và trả lời câu hỏiĐọc văn bản dưới đây và trả lời câu hỏi: NGƯỜI THẦY (Tạ Duy Anh) Chuyến ấy tôi về một làng chài, nhìn thấy một người đàn ông quen quen. Ông đang loay hoay gói buộc gì đó. Chợt tôi sững người, tim đập thình thịch bởi trước mắt tôi là thầy Lực – thầy giáo cũ của tôi hồi chiến tranh. Tôi nghẹn ngào nói: - Thầy … em đây mà! - Trời ơi, em! – Thầy Lực ngắm tôi từ đầu đến chân – em rắn rỏi ra nhiều quá. Tôi lúng túng nhìn thầy trong khi thầy tỏ ra rất xúc động. Thầy đưa tôi về nhà. Đó là một nếp nhà ba gian đơn sơ, xinh xắn, nằm nép dưới một tảng đá, được bao bọc bởi vườn cây ăn trái. Thầy trò chúng tôi kể cho nhau nghe về thời gian xa cách. Thầy bảo thầy chỉ được rỗi rãi đến xẩm tối bởi còn phải đi dạy học. - Ở đây các em học tối hả thầy? - Vì các em chỉ rảnh vào buổi tối - Thầy đi dạy có xa không? - Vừa gần, vừa xa, tùy thuộc vào điểm neo thuyền của gia đình các em. Thấy tôi trố mắt, thầy Lực giải thích: - Các em theo bố mẹ đi biển, ở lại luôn ngoài đó qua đêm. Thầy phải đến từng thuyền để dạy từng em. Khi nói với tôi những điều đó, thầy Lực có vẻ vui lắm. Tôi ngắm thầy, cố nhớ lại hình ảnh của thầy cách đây ngót ba chục năm. Hồi đó chiến tranh đánh phá của Mỹ đang vào giai đoạn quyết liệt. Bọn học sinh chúng tôi phải nghỉ đến trường, mà học ở nhà. Làng tôi xa nhất nên nhà trường cử về một thầy giáo. Biết tin này chúng tôi không vui. Chúng tôi thích người phụ trách là cô giáo cơ. Dù sao cô giáo cũng ít nghiêm khắc hơn. Vì thế hôm đầu thầy đến với chúng tôi, cả nhóm chỉ im lặng, đến mức thầy phải hỏi trước: - Các em có yêu cầu gì không? Chúng tôi đồng thanh: Không ạ! Thầy Lực bắt đầu “thể hiện”: - Các em sẽ thực hiện theo thời gian biểu sau: sáng sớm dậy tự học bài. Đúng vào giờ lên lớp các em tập trung đến nhà em Tú – tôi giật thót người trong khi thầy liếc nhìn tôi – Tôi đã xem kỹ từng nhà và thấy nhà em Tú tiện lợi hơn cả. Có đủ bàn ghế, có hầm tránh bom vừa rộng vừa chắc chắn. Nếu nghe tiếng báo động, các em phải nhanh chóng xuống hầm, các em trai phải giúp đỡ các em gái. Các em nghe rõ chưa? - Rõ ạ! – Chúng tôi lại nhất loạt gào lên. - Tôi giao em Tú làm nhóm trưởng. – Thầy lại nhìn tôi và nói thêm – Tôi sẽ kiểm tra. Chính câu nói sau cùng của thầy giáo khiến chúng tôi quyết định chống đối ngầm. Tôi mở màn:- Thưa thầy, buổi chiều, buổi tối chúng em làm gì ạ? Thầy nghiêm khắc nhìn tất cả: Thế lúc bình thường ở trường về các em làm gì? Các em có cần nhắc lại không? Chỉ thay đổi cách thức đến lớp, còn lại vẫn như cũ. Ngày đầu tiên chúng tôi tập trung để chơi là chính […] tôi tin rằng thầy dọa bóng cho chúng tôi sợ, còn thầy sẽ chẳng mất công đi bộ năm cây số dưới trời nắng (nhiều khi cả dưới bon đạn) để vào kiểm tra chúng tôi. Hôm ấy là thứ bảy. Bọn tôi quyết định bắt ốc để luộc. Sách vở xếp vào một đống, bọn con trai mặc quần đùi lội xuống mò ốc. Vẫn có một đứa canh chừng thầy. Nhưng khi chúng tôi lục tục đem ốc về thì thầy đang ngồi xem vở từng đứa. Thầy nhìn chúng tôi lắc đầu, không nói gì rồi giục chúng tôi luộc ốc để cả thầy cùng ăn. Ăn xong thầy bắt đầu “bài ca sư phạm” […] Những ngày sau đó, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội suốt ngày đêm […] Đúng lúc chúng tôi run sợ nép vào nhau vì người lớn phải đi cứu thương thì thầy Lực xuất hiện. Nghe tiếng thầy gọi: “Các con ơi” mà chúng tôi sướng phát khóc. Thầy lom khom bò vào, bật diêm soi từng đứa và hỏi: - Còn ba bạn nữa đâu? Chúng tôi im lặng lắc đầu. Thầy vội chui ra khỏi hầm và sau đó là những tiếng nổ inh tai khiến chúng tôi không còn biết gì nữa. Những ngày sau đó chúng tôi học đêm dưới hầm vì thế thầy Lực phải đến nhà từng đứa giao bài, hướng dẫn, kiểm tra và cho điểm bài hôm trước. Trong một lần như thế, thầy bị rắn cắn phải đưa đi viện xa rồi không thấy thầy quay trở lại […] Nào ngờ gần ba mươi năm, tôi gặp lại thầy ở cái làng chài heo hút này. Tôi hỏi thầy câu chuyện hồi đó. Thầy cười hiền hậu: - Em còn ở đây, thầy sẽ kể sau nhé. Khá dài đấy. Do bị hoại huyết, chân thầy bị teo đi một ít nhưng vẫn đi được. Thầy phải đi kẻo muộn giờ, các em đợi. Thầy lên chiếc xuồng con đi, chiếc xuồng chỉ đủ cho một người và số sách vở đã gói bọc. Thầy đốt đèn lên rồi lom khom lựa chỗ ngồi. Chiếc xuồng xa dần chỉ thấy ngọn đèn như một chấm sáng […] Tấm lòng người thầy cũng bao la như biển vậy, có thể bao dung ta cho đến suốt cuộc đời, không bao giờ ta hiểu hết. (Theo Tập truyện ngắn thiếu nhi chọn lọc, NXB Hội nhà văn, 2008) Câu 1. (1.0 điểm) Chỉ ra ngôi kể trong tác phẩm? Nêu tác dụng?Câu 2: (2.0 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của BPTT trong câu văn: Tấm lòng người thầy cũng bao la như biển vậy, có thể bao dung ta cho đến suốt cuộc đời, không bao giờ ta hiểu hết. Câu 3: (1.5 điểm) Viết đoạn văn khoảng 3-5 câu nêu thông điệp, bài học rút ra từ văn bản. Câu 4: (1.0 điểm) Hãy chỉ ra tác phẩm em đã học, đã đọc cùng viết về người thầy. Câu 5: (4.5 điểm) Em hãy phân tích đặc điểm nhân vật thầy Lực trong văn bản bằng một bài văn ngắn (1.5 trang giấy) |