Đọc văn bản:
THI THÀNH HOÀNG
(Nguyên tác: Khảo Thành Hoàng[1])
Ông tổ của anh rể tôi, Tống Công là một sinh viên ăn học bổng của ấp. Một hôm nằm bệnh, thấy có viên lại cầm văn thư, dắt một con ngựa trán có đốm trắng đến nói rằng:
- Xin mời ông đi thi
Ông nói:
- Quan giám khảo chưa đến, sao vội thi được?
Viên lại không nói gì, chỉ thúc đi. Ông bèn cố gượng cưỡi ngựa đi theo, thấy một con đường rất xa lạ đến một toà thành quách như nơi kinh đô. Một lát vào giải vũ[2], cung điện tráng lệ, ngồi trên có hơn mười vị quan, đều không biết là ai, chỉ biết có một vị là Quan Vũ[3]. Dưới thêm bày hai đôn hai kỷ, trước mình đã có một vị tú tài ngồi trên một đôn. Ông bèn ngồi hai bên cạnh. Trên kỷ có đặt bút và giấy. Giây lát có đề thi đưa xuống nhìn xem thì có tám chữ: “Nhất nhân, nhị nhân, hữu tâm, vô tâm”.
Hai ông làm bài xong, trình lên điện, trong bài văn của ông có câu:
“Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng,
Vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt”.
(Làm việc thiện mà có chủ ý thì không được thưởng,
Làm việc ác mà không có chủ ý thì không bị phạt).
Các thần đưa nhau xem, khen mãi không thôi, gọi lên báo rằng:
- Ở Hà Nam khuyết một chức Thành Hoàng, ông đáng giữ chức ấy.
Ông hiểu ra, đập đầu khóc mà thưa rằng:
- Được ân ban sủng đâu dám từ nan, chỉ hiềm một nỗi còn mẹ già bảy mươi tuổi, không ai phụng dưỡng. Xin được đến hết tuổi trời lúc ấy lục dụng [4]sẽ vâng theo.
Trên toà có vị vương giả truyền rằng:
- Tra sổ xem người mẹ thọ bao nhiêu?
Có một viên quan lại râu dài, lấy sổ ra xem, rồi bẩm:
- Theo sổ còn được ở dương gian chín năm nữa.
Trong lúc các quan còn dùng dằng thì quan đế nói:
- Không hề gì, cho Trương Sinh thay giữ chức ấy chín năm cũng được.
Một ông nói rằng:
- Đáng lẽ phải đi nhận chức ngay. Nay xét có lòng hiếu cho nghỉ chín năm. Đến kì hạn phải nghe vâng lệnh triệu.
Đoạn cũng phủ dụ ông tú tài kia vài lời. Hai ông cúi đầu chào lui xuống […] Ông lên ngựa từ biệt mà về, tới làng chợt như tỉnh mộng. Ông chết đã ba ngày rồi, bà mẹ bỗng nghe trong quan tài có tiếng rên rỉ, bèn mở ra, nửa ngày thì nói được. Hỏi đến Trường Sơn thì có Trương Sinh chết vào ngày hôm đó thật.
Chín năm sau, quả nhiên bà mẹ chết. Chôn cất mẹ xong, ông tắm gội vào nhà trong cũng mất luôn. Bên nhà vợ, ở trong cửa thành phía tây chợt thấy ông cưỡi ngựa choàng ngù đỏ, rất đông xe ngựa đi theo, lên nhà trên làm lễ rồi ra đi. Cả nhà lạ lùng, kinh ngạc, không biết rằng đã thành thần rồi. Chạy đi hỏi thăm tin tức trong làng, thì ông đã mất.
(Liêu trai chí dị - Bồ Tùng Linh, Biên dịch Đại Lãn,
NXB Thanh Hoá, trang 638,639, năm 2004)
[1] Thành Hoàng: vị thần coi giữ, bảo trợ cho một vùng đất nào đó.
[2] Giải vũ: phòng ốc, sở quan, quan xá
[3] Quan Công: quan Vân Trường là một vị tướng nổi tiếng thời kì cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc
[4] Lục dụng: ghi tên để bổ dụng
Xác định ngôi kể của văn bản.