(1) “... Chẳng có ai ngủ một đêm thức dậy bỗng hóa ra độc ác, bạo lực, hay xấu xa. Luôn luôn có một quá trình. Luôn luôn có những biểu hiện trong quá trình đó dù rất nhỏ. Điều đáng buồn là dường như chúng ta luôn tặc lưỡi lướt qua những điều rất nhỏ. Và rồi, những điều tồi tệ diễn ra là bởi chúng ta đã bỏ qua những điều rất nhỏ đó. Những điều tốt nho nhỏ chúng ta đã không làm, như một cái mìm cười, một lời hỏi thăm, một hành động giúp đỡ... Và những điều xấu nho nhỏ chúng ta đã làm, như một lời xúc xiểm bâng quơ, một ánh nhìn khinh rẻ tình cờ... (2) Làm sao để loại trừ cái ác? Câu trả lời thường thấy là hãy tránh xa nó, và nếu bắt gặp thì trừng phạt nó thích đáng. Nhưng còn một cách nữa, nó là đừng để người khác có cơ hội trở thành người xấu. Đừng bỏ rơi, đừng ép uống, đừng khinh khi. Đừng lừa gạt, đừng lợi dụng, đừng phản bội. Đừng gây tổn thương. Đừng dồn ai vào đường cùng... (3) Tôi không dám nòi rằng cái thiện luôn mạnh hơn cái ác. Tôi không biết chắc. Đôi khi nhìn thấy cái thiện bị đánh nốc ao trên sàn đấu trong cuộc chiến đơn độc. Nhưng tại sao chúng ta lại để nó trở thành cuộc chiến đơn độc? Tôi biết chúng ta đông hơn. Những người mong muốn điều tốt đẹp cho cuộc sống này, luôn luôn đông hơn. Vậy thì hãy làm cho chúng ta mạnh hơn. Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại... Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy xiết chặt lại những mối dây liên hệ và đừng để ai thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài, thường dễ trở thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân”. (Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân) Và thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu của đoạn trích trên? Câu 2: Theo tác giả, đâu là nguyên nhân của cái ác? Câu 3: Tìm biện pháp tu từ được sử dụng trong phần thứ hai của đoạn trích trên và nêu tác dụng? Câu 4: Anh/chị rút ra thông điệp gì từ văn bản trên?