Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi“Có lẽ thật thế, trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ?” “Bây giờ trước mặt tôi, anh nghĩ thế nào về cái luật công bằng ở đời của anh: Cho thế nào thì nhận thế nấy?” “Tôi xin nhận đã gây thêm đau khổ cho bà mẹ anh. Tôi đã lừa dối anh. Tôi đã thu thêm được tiền của và tiếng tăm trên sự đau đớn của anh. Bây giờ anh cứ trừng phạt. Anh xử tôi thế nào cũng được!” “Không bao giờ!”… "Lần này anh lại đối xử với tôi như lần trước đây?" "Phải". "Anh cũng không trách mắng, chỉ trán chỉ mặt tôi?" "Không! Anh cứ yên tâm. Trước sau tôi vẫn coi anh là một nghệ sĩ tài năng đã có nhiều cống hiến cho xã hội". […]Phải, giả thử lần thứ nhất tôi đến, hoặc lần thứ hai trở lại, và các lần sau nữa, mà người thợ ấy nổi giận đuổi tôi ra khỏi ngôi quán, thì chắc chắn tôi không đủ thì giờ nhìn kỹ cái mặt mình đến thế. Gần nửa năm, tôi đã để vào bức tranh sơn mài tất cả công sức và sự suy nghĩ, và trong suốt thời gian ấy, một đôi lần tôi cũng gợi lại chuyện cũ nhưng người thợ vẫn một mực cố tỏ ra chưa hề bao giờ quen biết tôi. Trở về làm một anh thợ cắt tóc cũng như lúc ở bộ đội, anh vẫn lẳng lặng sống như vậy để cho người chung quanh tự phán xét lấy những công việc đã làm. Lời đề nghị rụt rè của anh: Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình. Bây giờ thì cái tác phẩm mới của tôi đã hoàn thành. Tôi đang đối mặt với chính mình, để viết những dòng này, như những lời chú giải cho một tác phẩm hội họa thể hiện một cái mặt người rất lớn: những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa mái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt, thoạt trông như một phần bộ óc màu xám vừa bị mổ phanh ra. Phần bên dưới khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: dưới cằm và hai bên mép phủ kín bọt xà phòng. Không trông rõ miệng, chỉ thấy một vệt màu đen lờ mờ nổi bồng bềnh trên những đám bọt xà phòng. Và nổi bật trên cái khuôn mặt là đôi mắt mở to, khắc khoải, bồn chồn, đầy nghiêm khắc, đang nhìn vào nội tâm. (Trích truyện ngắn Bức tranh, Nguyễn Minh Châu, tập “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”,1983) 1. Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ mấy? 2. Người kể chuyện chủ yếu trần thuật theo điểm nhìn nào? 3. Xác định các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu “Có lẽ thật thế, trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ”? 4. Trên cương vị là một người họa sĩ, nhân vật “tôi” là người như thế nào? 5. Hình ảnh “đôi mắt mở to, khắc khoải, bồn chồn, đầy nghiêm khắc, đang nhìn vào nội tâm” trong “tác phẩm mới của tôi” có thể hiểu như thế nào? 6. Thông qua thái độ bình thản của nhân vật người thợ cắt tóc khi đối diện với người họa sĩ, nhà văn muốn gửi gắm thông điệp gì? 7. Anh/ chị có suy nghĩ gì về lời đề nghị: “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình” ? 8. Viết một đoạn văn (từ 5 - 7 câu) trình bày quan điểm của bản thân về việc cuộc đấu tranh hoàn thiện bản thân của mỗi người. |