Văn bản trên thuộc thể loại nào?(…) Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói, mấy đứa nhỏ nhất: con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó. (…) Cuộc đời của gia đình bác Lê cứ như thế mà lặng lẽ qua, ngày no rồi lại ngày đói. Tuy vậy, cũng có những ngày vui vẻ. Những ngày nắng ấm trong năm, hay những buổi chiều mùa hạ, mẹ con bác Lê cùng nhau ngồi chơi ở trước cửa nhà. Các người hàng xóm cũng làm như thế. Các bà mẹ ngồi rủ rỉ với nhau những câu chuyện kín đáo, các trẻ con nô đùa dưới quán chợ, còn các bà già thì ngồi rũ tóc tìm chấy ngoài bóng nắng. Bác Lê đem thằng Hi, con Phún ra gọt tóc cho chúng nó bằng một cái mảnh chai sắc. Thằng cả ngồi đan lại cái lờ, còn những đứa khác chơi quanh gần đấy. Trong ngày hè nóng nực, con bác Lê đứa nào cũng lở đầu - bác ta bảo là một cái bệnh gia truyền từ đời ông tam đại - nên bác lấy phẩm xanh bôi cho chúng nó. Trông mẹ con bác lại giống mẹ con đàn gà, mà những con gà con người ta bôi xanh lên đầu cho khỏi lẫn. Người phố chợ vẫn thường nói đùa bác Lê về đàn con đông đúc ấy. Bác Đối, kéo xe, người vui tính nhất xóm, không lần nào đi qua nhà bác Lê mà không bảo: - Bác phải nhớ thỉnh thoảng đếm lại con không quên mất. Bác Lê bao giờ cũng trả lời một câu - Mất bớt đi cho nó đỡ tội! Nhưng mọi người biết bác Lê quí con lắm. Tuy bác hết sức công bằng, người ta cũng thấy bác yêu thằng Hi hơn cả, nó là con thứ chín, và ốm yếu xanh xao nhất nhà. Bác thường bế nó lên lòng, hôn hít, rồi khoe với hàng xóm: nội cả nhà chỉ có nó là giống thầy cháu như đúc. Rồi bác ôm con ngồi lặng yên một lát, như để nhớ lại chuyện gì đã lâu lắm. (Thạch Lam – Trích Nhà mẹ Lê - Truyện ngắn Thạch Lam – NXB Hội Nhà văn 2008) Câu 1: Văn bản trên thuộc thể loại nào? A. Truyện vừa B. Truyện ngắn C. Tiểu thuyết D. Truyện dài Câu 2: Một số phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn bản là: A. Tự sự, miêu tả B. Tự sự, nghị luận C. Miêu tả, biểu cảm D. Nghị luận, miêu tả Câu 3: Truyện được kể theo ngôi A. Thứ nhất B. Thứ hai C. Thứ ba D. Không có ngôi kể Câu 4: Đề tài của văn bản là gì? A. Số phận người nông dân B. Hủ tục xã hội C. Tình yêu thiên nhiên D. Cuộc sống của người trí thức Câu 5: Đoạn văn bản “ Người phố chợ vẫn thường nói đùa bác Lê về đàn con đông đúc ấy. Bác Đối, kéo xe, người vui tính nhất xóm, không lần nào đi qua nhà bác Lê mà không bảo: “Bác phải nhớ thỉnh thoảng đếm lại con không quên mất.”” cho anh/chị hiểu gì về những con người lao động phố chợ: A. Họ thích buôn chuyện và có nhiều thời gian rảnh rỗi. B. Họ có cuộc sống nghèo khổ, đói rách C. Họ sống lạc quan, quan tâm tới những người xung quanh. D. Họ sống chật chội, chen chúc ở phố chợ. Câu 6: Từ “gia truyền” được hiểu là A. Truyền nhiều đời trong một nhà/ một họ. B. Truyền từ nhà này sang nhà kia. C. Lưu truyền trong một gia đình nhất định. D. Bí quyết được truyền qua nhiều đời. Câu 7: Ý nào không nói lên đặc sắc về nghệ thuật của đoạn văn bản trên? A. Truyện không có cốt truyện B. Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, giàu chất thơ. C. Có những hình ảnh so sánh độc đáo D. Sử dụng nghệ thuật biếm họa, khoa trương Câu 8: Tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét như thịt con trâu chết” là? A. Tăng sức gợi hình, gợi cảm, tạo lối diễn đạt mới mẻ cho câu văn. B. Khắc họa rõ cuộc sống đói rách cùng cực của gia đình bác Lê. C. Cho thấy sự cảm thương, chia sẻ của nhà văn với cuộc sống của người nông dân. D. Cả 3 đáp án trên Câu 9 (1,0 điểm) Cảm nhận về nhân vật bác Lê trong đoạn văn bản (trình bày bằng một đoạn văn ngắn khoảng 5-6 câu). Câu 10 (1,0 điểm) Thông điệp sâu sắc nhất anh/chị rút ra được từ đoạn văn trên là gì? Vì sao? |