I. Đọc hiểu
XUÂN VỀ
Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong.
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,
Mưa tạnh trời quang, nắng mới hoe.
Lá nõn, nhành non ai tráng bạc?
Gió về từng trận, gió bay đi...
Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng,
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.
Trên đường cát mịn, một đôi cô,
Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,
Lần lần tràng hạt niệm nam vô.
(Xuân về - Nguyễn Bính, Trích từ Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh, NXB Văn học, 1997, tr.351)
Câu 1. (0.5 điểm) Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. (0.5 điểm) Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai câu thơ sau là:
Trên đường cát mịn, một đôi cô,
Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.
Câu 3. (0.5 điểm) Chỉ ra ít nhất hai từ láy có trong bài thơ trên.
Câu 4. (0.5 điểm) Giá trị biểu cảm của từ láy "xun xoe" trong câu thơ "Từng đàn con trẻ chạy xun xoe".
Câu 5. (1.0 điểm) Anh/chị hiểu như thế nào về nội dung hai câu thơ sau: "Mưa tạnh trời quang, nắng mới họe.
Lá nõn, nhành non ai trảng bạc?"
Câu 6. (1.0 điểm) Anh/chị có đồng tình với quan điểm “biết yêu mến những cảnh đẹp bình dị của quê hương, con người cũng sẽ có nhiều hành động đẹp trong cuộc sống không"? vì sao?
Câu 7. (1.0 điểm) Anh/Chị rút ra được thông điệp tích cực gì sau khi đọc văn bản?
Câu 8. (1.0 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 5-7) dòng nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của mùa xuân Việt Nam qua bài thơ.
II. Làm văn
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục người khác từ bỏ thói quen đi học muộn.