Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: TÔI LÀ CON MỘT NGƯỜI MẸ BÁN THỊTĐọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới: TÔI LÀ CON MỘT NGƯỜI MẸ BÁN THỊT Tôi vẫn thường nhủ thầm câu “con cái không được chọn cha mẹ” như một cách an ủi mình, bởi tôi sinh ra là con gái một người bán thịt lợn ở chợ. Trong khi đó các bạn cùng lớp đứa có bố là kiến trúc sư, họa sĩ, đứa có mẹ là giáo viên, doanh nhân, toàn những nghề nghe thật sang trọng và oách. Một vài đứa có bố làm to, tức là quan chức. Tôi không rõ “làm to” là làm đến chức gì nhưng thấy các bạn rất tự hào về bố mẹ. Trong số các vị phụ huynh sang trọng đó có người được bầu vào ban phụ huynh trường. Vào các dịp trường có sự kiện, bố mẹ những bạn ấy đều được mời đến dự. Tôi thì không bao giờ muốn mẹ xuất hiện ở trường. Nếu mẹ có thể không đi họp phụ huynh càng tốt. Tôi luôn bị ám ảnh rằng áo quần mẹ đều toát ra mùi thịt lợn. Mẹ thường phải dậy từ hai ba giờ sáng để lấy thịt lợn, rồi tờ mờ sáng đã mang ra chợ bán. Tầm trưa thì hết hàng, nhưng mẹ phải ngủ bù. Rồi lại tất bật lo đủ việc nhà, chăm sóc bố tôi bị liệt nhiều năm. Mẹ còn chẳng có thời gian mua áo váy đẹp. Mà cũng chả mấy khi đi đâu mà diện. Tôi thương mẹ nhưng nhiều lúc tủi thân lắm, khi tôi chẳng thể tự hào khoe về bố mẹ với bạn bè. Điều duy nhất tôi cố gắng để thoát khỏi cái mác “con bà Hoa bán thịt lợn” là học thật giỏi. Và tôi cũng cố gắng che giấu hoàn cảnh. Nhưng có một chuyện đã xảy đến không ngờ. Hồi đó, chúng tôi có hai tiết ngoại khóa trong tháng. Cô Giang chủ nhiệm lớp thường sử dụng quỹ thời gian này để dạy về “nếp nhà” cho chúng tôi. Cô dẫn chúng tôi đi trải nghiệm đâu đó hoặc tổ chức các cuộc thi như trang trí đồ ăn, xếp lại tủ quần áo. Có lần thì cô mời phụ huynh đến nói chuyện về nghề nghiệp của các bác ấy. Buổi học “nếp nhà” hôm đó, tôi đã bị đông đá đến vài phút khi thấy mẹ trên màn hình trong một video được chuẩn bị sẵn. Thú thật, tôi chỉ muốn chui xuống gầm bàn. “Hôm nay bác Hoa, mẹ của bạn Thương sẽ hướng dẫn các em về cách chế biến một vài món ăn từ thịt lợn. Cô bật mí là các em sẽ được thưởng thức món ăn của bác Hoa vào giờ ăn trưa nay”, cô Giang nói. Tôi cúi đầu thật thấp, núp sau gáy đứa ngồi bàn trên, dè dặt nhìn lên mẹ trên màn hình. Mẹ vẫn ăn vận giản dị như mọi ngày, nhưng đúng trông xinh hơn. Hình như tóc mẹ chải mượt và có trang điểm nhẹ. Mẹ đứng trước bàn nấu với các dụng cụ nấu ăn. Tuy không chuyên nghiệp như trong chương trình nấu ăn trên ti vi nhưng cũng có vẻ oách. Nhất là khi mẹ vừa hướng dẫn, vừa thoăn thoắt làm. “Oài, con Thương sướng nhở, có mẹ khéo tay, ngày nào cũng được ăn ngon.” “Nhìn bác ấy chả khác gì nghệ nhân nấu ăn Cẩm Vân.” Tôi nghe các bạn nói, thấy như hất được tảng đá đè nặng lên ngực mình, nhưng vẫn không dám nhìn sang các bạn. Mồ hôi rịn ra trên trán tôi. Nằm mơ tôi cũng không nghĩ mẹ xuất hiện một cách ngoạn mục như thế. Lần đầu tiên tôi thấy tự hào về mẹ. […] (Chu Hồng Vân – Hoàng Hương, Chuyện thầy trò, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, Tr.68) Câu 1: Ngữ liệu trên được kể theo ngôi thứ mấy? Trong phần in đậm, em hãy tìm hai chi tiết thể hiện rõ sự hi sinh thầm lặng của người mẹ. (1,5 điểm) Câu 2: Tìm từ đồng âm với từ “thương” trong câu Tôi thương mẹ nhưng nhiều lúc tủi thân lắm, khi tôi chẳng thể tự hào khoe về bố mẹ với bạn bè. (0,5 điểm) Câu 3: Trong đoạn ngữ liệu trên, em thích chi tiết nào nhất? Vì sao? (1,0 điểm) Câu 4. Em hãy nêu tính cách của nhân vật “tôi” được thể hiện qua ý nghĩ của bản thân trong phần trích sau: (1,0 điểm) Tôi thì không bao giờ muốn mẹ xuất hiện ở trường. Nếu mẹ có thể không đi họp phụ huynh càng tốt. Tôi luôn bị ám ảnh rằng áo quần mẹ đều toát ra mùi thịt lợn. Mẹ thường phải dậy từ hai ba giờ sáng để lấy thịt lợn, rồi tờ mờ sáng đã mang ra chợ bán. Tầm trưa thì hết hàng, nhưng mẹ phải ngủ bù. Rồi lại tất bật lo đủ việc nhà, chăm sóc bố tôi bị liệt nhiều năm. Mẹ còn chẳng có thời gian mua áo váy đẹp. Mà cũng chả mấy khi đi đâu mà diện. Tôi thương mẹ nhưng nhiều lúc tủi thân lắm, khi tôi chẳng thể tự hào khoe về bố mẹ với bạn bè. Điều duy nhất tôi cố gắng để thoát khỏi cái mác “con bà Hoa bán thịt lợn” là học thật giỏi. Và tôi cũng cố gắng che giấu hoàn cảnh. Câu 5. Nếu là nhân vật “tôi” trong văn bản, em hãy chia sẻ bài học mà em đã rút ra được cho bản thân (trình bày khoảng 70 đến 100 chữ). (2,0 điểm) |