;Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:I. ĐỌC HIỂU Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu: Cây Nêu ngày Tết Việt Tết Nguyên đán người Việt được xem là những ngày quan trọng nhất trong năm. Dù cả năm qua có làm ăn vất vả, cực nhọc hay đi xa chăng nữa thì dịp Tết, mọi người đều cố gắng trở vể đoàn tụ bên gia đình và chuẩn bị đầy đủ lễ vật để dâng cúng ông bà tổ tiên. Từ xa xưa nếp sống phong tục tập quán đó đã được dân gian đúc kết thành câu đối ý nghĩa: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS. Trần Lâm Biền, người Việt coi cây nêu là trục vũ trụ, là cột nối giữa trời và đất. Cây nêu làm bằng tre vì tre có đốt, là bậc thang đi về của thần linh, mang sinh khí của trời chuyển xuống mặt đất giúp mặt đất phì nhiêu, hội tụ sinh khí giúp mùa màng tốt tươi. Những vật treo trên cây nêu đều hướng về bảo vệ, tạo lập hạnh phúc cho con người như lá cây rứa để doạ ma quỷ, không cho vào quấy phá nhà. Cái khánh đồng có nghĩa là phúc, đem lại hạnh phúc cho gia đình... Lễ thượng nêu tại đình Kim Ngân, thuộc khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Lễ thượng nêu được tổ chức đều đặn hằng năm tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội). Dựng nêu ngày tết có cả dụng ý trừ ma, quỷ, thờ phụng thần linh và vong hồn tổ tiên, tảo trừ những điều xấu xa trong năm cũ để đón năm mới. Theo tục lệ xưa, cây nêu được dựng trước sân nhà vào ngày 23 tháng Chạp, hạ nêu vào ngày mùng 7 tháng Giêng. Thân cây nêu thường làm bằng cây tre già dài khoảng 5 - 6 mét, ngọn nêu vươn cao, gắn với ước vọng về một năm mới bình yên, thuận hòa. Trên cây nêu treo những vòng tròn nhỏ và trên vòng tròn này treo một số đồ vật như các loại phướn, đèn lồng, cờ, câu đối, niêu đất chứa vôi, hoa tre vàng mã… Có địa phương treo các vật như lá bùa hình bát quái, nhánh xương rồng, cành lá dứa, bầu rượu bện bằng rơm, giỏ tre đựng vôi và trầu cau, cá chép bằng giấy hay những chiếc khánh đất nung va đập vào nhau kêu leng keng giống chuông gió. Bên dưới gốc rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc rắc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng nhà để xua đuổi tà ma. Theo tài liệu văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh… Cây nêu gắn với truyền thuyết dân gian ngăn ngừa không cho quỷ ở biển Đông vào đất liền, bén mảng tới nơi con người cư trú làm ăn, sinh sống. Theo thời gian, ở từng địa phương, phong tục, tập quán ở mỗi dân tộc, ý nghĩa của trồng cây nêu ngày Tết trải rộng hơn, đa dạng hơn. Thời gian dựng cây nêu ở các địa phương cũng khác nhau, người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, để ngăn ngừa ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời. Một số dân tộc khác như đồng bào Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái lại trồng cây nêu vào chiều 30 tháng Chạp âm lịch. Người H’mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu, đồng bào dân tộc Sán Dìu dựng cây nêu trong lễ Cầu mùa. Ngoài ra, cây ném trong hội lồng tồng, cây pồn pông của người Mường, cây đâm trâu của người dân tộc ở Tây Nguyên đều là những hình thức biểu hiện của cây nêu. Trong triều đại quân chủ ở Việt Nam, tục dựng cây nêu đã đưa vào Hoàng cung và sử dụng như một phong tục, điển chế của triều đình. Theo các tài liệu Châu bản triều Nguyễn về Tết Nguyên đán trong Hoàng cung triều Nguyễn, trong suốt 143 năm tồn tại, tục lệ dựng cây nêu được duy trì hằng năm. Theo đó, trong ngày 30 tết, Hoàng cung diễn ra các nghi lễ thiêng liêng, với ý nghĩa tống tiễn điều xấu năm cũ, đón điều tốt đẹp của năm mới. Lễ xong triều đình làm lễ Thượng tiêu (dựng cây nêu), ngọn nêu treo ấn, tín, văn phòng tư bảo hình tượng việc phong ấn để triều đình nghỉ ngơi. Khi thấy trong Hoàng cung dựng cây nêu người dân cũng theo đó dựng nêu, đón Tết. Lễ Hạ tiêu diễn ra vào ngày mồng 7 tháng Giêng, khi tổ chức Thượng tiêu và Hạ tiêu có đại nhạc, tiểu nhạc và các nghi thức trang trọng khác. Tết xưa, cây nêu được mọi người cung kính dựng trước nhà. Trong nhịp sống hiện đại, con người tất bật lo toan, nhà chật, đất hẹp khiến nêu dần vắng bóng. Điều đáng mừng, những năm gần đây, ở nhiều địa phương và một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, đã tổ chức Thượng nêu để lưu giữ một tục lệ cổ truyền của người Việt. Mang ý nghĩa tạo lập hạnh phúc với con người, phong tục dựng nêu ngày Tết nhắc nhớ mỗi người ý thức giữ gìn một phong tục đẹp và lâu đời của Tết Việt./. (Theo Thế Dương, https://dangcongsan.vn/xuan-uoc-vong-2023/tet-viet/cay-neu-ngay-tet-viet-629791.html) Câu 1: Theo tục lệ xưa, cây nêu được dựng ở đâu và vào thời gian nào? Câu 2: Theo tác giả, việc dựng cây nêu ngày Tết có ý nghĩa gì? Câu 3: Xác định các yếu tố hình thức của văn bản trên? Câu 4: Nêu nội dung chính của văn bản trên? Câu 5: Nêu hiệu quả của cách trình bày thông tin, dữ liệu theo cấu trúc so sánh, đối chiếu trong đoạn văn bản: “Thời gian dựng cây nêu ở các địa phương… cây nêu trong lễ Cầu mùa”? Câu 6: Văn bản thể hiện tình cảm, thái độ gì của tác giả? Câu 7: Câu văn “Trong nhịp sống hiện đại, con người tất bật lo toan, nhà chật, đất hẹp khiến nêu dần vắng bóng” gợi cho anh/chị suy nghĩ về thực trạng gì trong cuộc sống hiện đại hôm nay? Câu 8: Từ nội dung đoạn trích, hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 05 đến 07 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc? |