Đọc thông tin và trả lời câu hỏi
Thông tin 1
Giờ Trái Đất là một sáng kiến do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khởi xướng
nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn thế giới. Việt Nam chính thức tham gia Giờ Trái Đất từ năm 2009 với khẩu hiệu Tắt đèn bật tương lai. Chiến dịch Giờ Trái Đất khuyến khích các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt các thiết bị điện không ảnh hưởng đến sinh hoạt trong 60 phút, từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hằng năm. Mỗi năm, Giờ Trái Đất lại đưa ra một thông điệp khác nhau, song cùng chung một ý nghĩa là bảo vệ và gìn giữ Trái Đất xanh hơn. Năm 2023, chiến dịch Giờ Trái Đất tại Việt Nam đánh dấu hành trình 15 năm kết nối và lan tỏa. Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sau 60 phút tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái Đất, cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng.
(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 2023)
Thông tin 2
Ngày Trái Đất là ngày vận động mọi người nâng cao nhận thức và hành động nhằm bảo vệ giá trị của môi trường sống. Ngày Trái Đất được đề xuất lần đầu ở Mỹ năm 1970, năm 2009 đã được Liên hợp quốc công nhận, tổ chức vào ngày 22 tháng 4 hằng năm, nhằm khuyến khích các phong trào hoạt động bảo vệ môi trường trên toàn thế giới, ngăn chặn các thảm họa đang xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu và tàn phá môi trường. Các hoạt động thường được tổ chức trong Ngày Trái Đất như tuyên truyền mọi người bảo vệ môi trường sống, trồng cây xanh, thu gom rác thải,... Hiện nay, Ngày Trái Đất không chỉ là một sự kiện quốc gia mà đã trở thành sự kiện toàn cầu, diễn ra không chỉ trong một ngày, mà cả tuần.
(Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường, 2022)
– Ý nghĩa của Giờ Trái Đất, Ngày Trái Đất là gì?
– Em có thể hưởng ứng Giờ Trái Đất và Ngày Trái Đất bằng những việc làm nào?