SỰ TRUNG THỰC CỦA TRÍ THỨCSỰ TRUNG THỰC CỦA TRÍ THỨC (1) Theo nghĩa truyền thống, kẻ sĩ là một người có học. Có học nên biết lẽ phải trái để “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cái dũng của họ không phải cái dũng chém tướng đoạt thành mà là hệ quả của cái trí, nhằm làm sáng tỏ đạo thánh hiền. Đó là một công việc khó khăn, thậm chí nguy hiểm. (2) Không phải lúc nào cũng có một Chu Văn An trước sự lộng hành của đám sủng thần, dám dâng thất trảm sớ và sau khi bị khước từ, kiên quyết từ quan về dạy học. (3) Không phải lúc nào cũng có anh em thái sử Bá thời Xuân Thu. Thôi Trữ sau khi giết vua Tề, ra lệnh cho thái sử Bá phải ghi vào sử: “Tề Trang Công bị bạo bệnh mà chết”. Bá ghi: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Thôi Trữ nổi giận, lôi Bá ra chém. Bá có ba người em. Hai người noi gương anh đều bị chém. Người em út vẫn điềm nhiên viết: “Năm Ất Hợi, tháng Năm, Thôi Trữ giết vua”. Trữ quát: “Ba anh ngươi đều đã bị chém, ngươi không sợ sao?” Người này nói: “Việc của quan thái sử là ghi lại sự thật, nếu xuyên tạc thà bị chết chém còn hơn”. (4) Nhưng không hiểu sao tôi vẫn không thích từ “kẻ sĩ” lắm. Có lẽ do màu sắc hơi “hoài cổ” của nó chăng? Đạo thánh hiền quả là cao quý và đáng trân trọng nhưng nó là một cái gì đã có. Kẻ sĩ thời nay chính là những trí thức do tính rộng mở của từ này. Nhất là vào thời đại nền kinh tế tri thức phát triển với sự bùng nổ của khoa học, đặc biệt ngành tin học. Người trí thức không những tôn trọng thánh hiền mà còn là kẻ dám mày mò vào cõi không biết, đấu tranh với những định kiến của hiện tại để phát hiện những sự thật cho tương lai. (5) Một nước đang phát triển như nước ta cần nhanh chóng đào tạo một đội ngũ trí thức đông đảo để khỏi tụt hậu. Muốn vậy chúng ta phải lập cho được một môi trường lành mạnh trên nền tảng sự trung thực trí thức. Ít lâu nay báo chí nói nhiều đến nạn bằng giả. Đó là một hiện tượng xã hội nghiêm trọng, cần phải loại bỏ. Nhưng theo tôi, nó không nghiêm trọng bằng hội chứng “bằng thật, người giả” vì hội chứng này có nguy cơ gây sự lẫn lộn trong hệ giá trị và làm ô nhiễm môi trường đạo đức một xã hội trung thực, trong đó thật/ giả phải được phân định rạch ròi và minh bạch. Chúng ta thường nói nhiều đến tài năng và trí thức. Nhưng tài năng và trí thức chỉ có thể phát triển lâu dài và bền vững trên nền tảng một xã hội trung thực. (Trích từ Đối thoại với đời & thơ, Lê Đạt, NXB Trẻ, 2008, tr.14-15) Lựa chọn đáp án đúng: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản là: A. Tự sự. B. Nghị luận. C. Miêu tả. D. Biểu cảm. Câu 2. Theo nghĩa truyền thống, kẻ sĩ là người như thế nào? A. Một người có học. B. Một người giỏi võ. C. Một người giỏi ứng khẩu. D. Một người có khí phách lẫm liệt. Câu 3. Ý nào nêu chính xác những biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (2) và đoạn (3): A. So sánh và điệp ngữ B. Ẩn dụ và liệt kê C. Điệp ngữ và liệt kê D. Ẩn dụ và điệp ngữ Câu 4. Ý nào nói không đúng về tác dụng của việc dẫn lại câu chuyện Chu Văn An và anh em thái sử Bá thời Xuân Thu trong văn bản? A. Làm sáng tỏ cái dũng khí của kẻ sĩ thời xưa. B. Làm sáng tỏ cái nguy hiểm để cảnh báo kẻ sĩ nên tránh. C. Làm sáng tỏ cái dũng khí bất chấp nguy hiểm của kẻ sĩ. D. Làm sáng tỏ phẩm chất trung thực của kẻ sĩ. Câu 5. Hội chứng “bằng thật, người giả” mà tác giả đề cập trong văn bản được hiểu là: A. người dùng bằng giả nhưng tỏ ra như dùng bằng thật. B. người dùng bằng thật nhưng sống giả dối. C. người dùng bằng thật nhưng trình độ kém cỏi, không tương xứng với bằng cấp. D. người dùng bằng giả nhưng có trình độ cao, không tương xứng với bằng cấp. Câu 6. Mục đích của việc so sánh kẻ sĩ ngày xưa và trí thức ngày nay là gì? A. Làm nổi bật cái dũng khí của kẻ sĩ xưa khi bảo vệ đạo thánh hiền. B. Khẳng định trí thức xưa và nay đều phải đối mặt với nguy hiểm. C. Nhấn mạnh điểm mới của trí thức ngày nay so với kẻ sĩ ngày xưa. D. Khẳng định kẻ sĩ ngày xưa dám chết vì đấu tranh cho sự thật. Câu 7. Ý nào sau đây khái quát đầy đủ nội dung chính của văn bản? A. Bàn về phẩm cách trung thực của trí thức và xây dựng xã hội trung thực để tài năng, trí thức phát triển bền vững. B. Bàn về những kẻ sĩ dám đấu tranh để bảo vệ sự thật và sự cần thiết phải xây dựng một xã hội trung thực. C. Bàn về vai trò của đạo thánh hiền và sự cần thiết phải học tập những tấm gương dám chết bởi đạo thánh hiền. D. Bàn về sứ mệnh của trí thức ngày nay: phải biết đấu tranh với những định kiến của hiện tại để phát hiện những sự thật cho tương lai. Câu 8. Vì sao tác giả cho rằng: “tài năng chỉ có thể phát triển lâu dài và bền vững trên nền tảng một xã hội trung thực”? Câu 9. Anh/ Chị hãy nêu hai biểu hiện cụ thể về phẩm chất trung thực cần có của người trí thức. Câu 10. Thông điệp ý nghĩa nào được tác giả gửi gắm qua văn bản? Câu 11. Ngoài phẩm chất trung thực, theo anh/chị, người trí thức trong thời đại 4.0 còn cần có thêm những phẩm chất nào? Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị bằng một đoạn văn ngắn (khoảng nửa trang giấy) |