Tuấn Duy | Chat Online
03/12 15:25:49

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi


" MIỀN THƯƠNG THĂM THẲM
Khách đến ngồi nhâm nhi ly café trên tầng hai nhà hàng mới mọc ở làng Chùa vẫn thường tò mò mỗi khi nhìn ra xa qua ruộng lúa nho nhỏ là con đường đất nhô cao như sống lưng con bò mùa hạn hán ngay trước mặt. Ở đó, họ luôn nhìn thấy một người đàn bà trạc ngoài 40, ngồi bệt bên vệ cỏ, như ngóng đợi điều gì. Đã từ nhiều năm trước, đó là chỗ của mụ. Người ta nhìn thấy mụ ngồi bên gốc cây xoan khi nó còn ngả lòa xòa những cành non vào mặt mụ, giờ nó đã là chỗ tựa lưng vững chãi cho mụ rồi.
Con đường đê, thực ra chỉ là một lằn đất làm ranh giới giữa một bên là chiếc ao làng, còn một bên nhìn ra cánh đồng mênh mông lúa, giờ chỉ còn bước chân đều đặn của mụ lai vãng. Từ ngày thôn mở con đường mới ngang qua xóm Hạ, không ai còn muốn đi qua con đường heo hút ấy nữa.
Mụ cứ ngồi đó mỗi ngày từ bắt đầu chiều cho đến nhá nhem, có người đi lôi gọi mụ mới chịu về. Thời gian đầu không thấy mụ ở nhà thì hàng xóm tá hỏa đi tìm khắp nơi, sợ mụ nghĩ quẩn. Rồi họ tìm thấy mụ đang ngồi im như tượng gỗ bên cái cây xoan gầy ngẳng ấy. Mụ cứ ngồi thế mà đăm chiêu, như không chớp mắt, đôi khi, người ta còn nghe thấy mụ nhẩm hát bài gì tha thiết lắm. Gọi thế nào mụ cũng không về trừ khi trời tối không nhìn thấy gì nữa. Thành quen, giờ chẳng ai tìm vì không thấy mụ ở nhà thì đích thị là ở đó rồi. Ba sào ruộng ngay trước mặt là của hợp tác xã phân cho từ cả chục năm trước, giờ dân làng chia nhau ra cấy rồi góp gạo nuôi mụ, chả ai dám tơ hào lấy một hạt. Mụ ngồi đó mỗi chiều như bù nhìn canh ruộng và tưởng tượng ra những điều mà mụ thích, những ý nghĩ có thể níu kéo mụ ngồi suốt ngày này qua tháng khác mà không chán.
“ Mẹ ơi, con đi học về rồi! Cho con xuống cấy mấy!” Tiếng cười giòn tan, tiếng í ới, Tiếng chiếc quần vải đen dày kêu xoạt xoạt khiến đôi tay thoăn thoắt chia mạ tách khóm của mụ phải ngừng lại. Mụ ngẩng lên nhìn về phía ấy. Nó đã xắn cao chiếc quần lùng thùng đến bẹn từ lúc nào. Thằng bé nhất quyết đòi xuống nghịch bùn, bắt ốc, hớt con tép riu …Nó thích thú lắm . Đôi mắt nó sáng lên, cái cười nịnh nọt, tinh nghịch. Mụ không nỡ quát, cũng chẳng kịp quát. Ngẩng lên, nó đã tụt cái cặp trên vai treo lên cái chạc cây xoan nhỏ rồi. Cái áo trắng rộng thùng thình mặc lại của anh con nhà bác cả, nó cởi phăng ra để trốc cái cặp. Giá tụt nốt được cái quần…, nó làm cu cậu lóng ngóng, cái ống xắn cao lắm rồi mà cứ chực tượt xuống làm chân nó ríu lại. Đó là cái quần mụ mua cho nó mặc ngày tựu trường đầu tiên vào lớp vỡ lòng. Mụ tính mua rộng chút để nó lớn là vừa – mà nó như ngày càng còi đi vậy.
Thằng bé mon men bò rồi trượt dần từ cái bờ đê gầy guộc xuống tới chân ruộng. Nó nhổm dậy xuýt xoa cái mông rồi thò chân xuống. Dưới làn nước hâm hấp nóng là lớp bùn mát lạnh nhồn nhột gan bàn chân. Nó thích ra mặt. “ Con ra chỗ mẹ mấy!” “ Cho con cấy mấy!” Con biết cấy mà, dễ mà” …Nó cứ líu lo như thế. Cái chân nhỏ xíu của nó quần khắp một khoảng ruộng, cái lưng trần nhỏ xíu cũng cúi xuống, ngóng lên, khi thì vùi mạ xuống, lúc thì hất nước lên tung tóe, lúc lại khom khom lừa bắt chú cá cờ bơi lạc… Có nó, mụ thấy như hết cả mệt nhọc. Thỉnh thoảng, mỏi lưng, mụ lại ưỡn người lên chống tay ngang hông ngẩng lên ngắm nhìn thằng bé đùa nghịch.
Có lúc mụ cũng vừa hát vừa làm trò họa theo mấy câu giật cục: “Trời nắng, trời nắng, thỏ đi tắm nắng!” Thằng bé thích lắm, cười ngặt nghẽo, trơ ra cái lợi đang nhú hai chiếc răng cửa. Cái cười đáng yêu của nó sao giống bố nó thế! Cái lão đàn ông chân chất, hiền lành, quanh năm đi bỏ ống lươn, lội hết mé sông làng Chùa đến bờ ruộng làng Hạ mà về đến ao làng bị rắn cắn chết, để mụ đứt gánh giữa đường. Mụ cũng cười mà nước mắt nhẹp nhèm. Thằng bé còn không nhớ nổi mặt bố! Mụ yêu thương nó quá!
Liên miên nối theo những hàng mạ thẳng tắp trải đều khắp mặt ruộng, mụ mới giật mình bởi không nghe thấy tiếng thằng nhỏ í ới. Nó lại chơi trò ú tim đây mà. Mụ gọi “Cò ơi!”, mụ gắt lên “ cò ơi”, rồi mụ hốt hoảng gào “Cò ơi!” ! Chỉ nghe tiếng xạc xào của lá cây đan vào nhau bên bờ đê sâm sẩm tối. Mụ ào qua cả ruộng mạ vừa cấy, mụ lội xuồm xuồm như muốn chồm lên cho nhanh để bấu lấy cái bờ đê, để nhìn nhanh sang bên cái ao làng tù đọng ấy. Mụ thốc tới như điên như dại. Mụ lao xuống mặt nước loang loáng những vệt sáng của ngày tàn sắp bị bóng đêm nuốt trọn. Mụ quào cánh tay ôm chặt lấy thằng nhỏ. Nó còn ấm mà. “Mẹ đây con, mẹ đến đây rồi, con không sợ nữa!” Mụ cứ lẩm bẩm mãi như tưởng rằng ngần ấy câu nói của mụ đã dỗ dành cho đứa con ngủ ngon trong bầu ngực ướt sũng của mụ. Mụ truyền hơi ấm sang cho nó, hay nó đang truyền sang cho mụ?

Mụ ẵm con về trong tiếng gào khóc của những người hàng xóm. Mụ cứ tin nó vẫn ngủ ngon trong cái hòm xinh xắn dân làng đóng vội cho nó. Người ta mang thằng bé đi. Mụ ở nhà hát: “Trời nắng, trời nắng, thỏ đi tắm nắng”. Mụ cười giòn tan, rồi mụ nhìn ảnh chồng mà trò chuyện thằng bé yêu mẹ thế này, nhớ bố thế kia, rồi mụ lại đi tìm nó, đi gọi nó về ăn cơm…
Cây xoan triền đê đã vừa người ôm, rễ của nó ăn xiên sang cả mé đê có chiếc ao làng oan nghiệt ấy. Mụ vẫn ngồi hát cho con nghe, đợi chờ nó… Điều kì lạ là người ta nhìn thấy mụ không tiều tụy héo hon bao giờ. Cả trong ánh mắt chờ đợi cũng vẫn ánh lên niềm hi vọng rằng con mụ sẽ trở về. Bóng dáng mụ ngồi đợi con dần dà đã trở thành một phần của cái làng Chùa nhỏ bé. Người ta vẫn thấy cái hạnh phúc trên khuôn mặt mụ, trong những câu hát giật cục mà hóm hỉnh như đang đùa vui với đứa trẻ nào. Họ thấy mụ cười, họ thấy mụ chờ đợi và hi vọng.
Dường như, trong mụ là cả một thế giới riêng tuyệt đẹp, đầy đủ và hạnh phúc. Có lúc nào , khi vướng chuyện đời cơ cực ai đó chẳng lại muốn được trốn vào cái thế giới tâm hồn như thế giới riêng của mụ? Mụ tồn tại như một thực thể độc lập bất chấp mọi đổi thay của thời cuộc. Ruộng lúa người ta đã chia năm xẻ bảy, quán café sang trọng trước mặt mọc lên cũng chẳng ngăn cản mụ sống niềm tin và tình yêu thương thăm thẳm. Những vị khách đơn độc từ đâu đến, họ ngồi hàng giờ nhâm nhi ly café và nhìn ra phía đối diện nơi mụ ngồi mà băn khoăn: “Mụ ngồi đó để làm gì?”
( Khánh Phượng Vũ – Tạp chí Văn học nghệ thuật Ninh Bình – 2021 – Tr. 46)

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.
Câu 2. Xác định không gian và thời gian của câu chuyện.
Câu 3. Nêu ý nghĩa nhan đề của tác phẩm.
Câu 4. Hình ảnh cây xoan được khắc hoạ ở đầu và cuối tác phẩm có ý nghĩa gì?
Câu 5. Hình ảnh nhân vật người mẹ ngồi đợi con mỗi buổi chiều gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày cảm nhận về số phận và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật mụ trong tác phẩm.
Bài tập đã có 2 trả lời, xem 2 trả lời ... | Chính sách thưởng | Quy chế giải bài tập
Không chấp nhận lời giải copy từ Trợ lý ảo / ChatGPT. Phát hiện 1 câu cũng sẽ bị xóa tài khoản và không được thưởng
Đăng ký tài khoản để nhận Giải thưởng khi trả lời bài tập.
Đăng ký tài khoản để có thể trả lời bài tập này!

Đăng ký qua Facebook hoặc Google:

Hoặc lựa chọn:
Đăng ký bằng email, điện thoại Đăng nhập bằng email, điện thoại
Lazi.vn