Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dướiĐọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới NHỮNG CHIẾC LÁ THƠM THO Bà hay bày cho tôi cách chơi với những chiếc lá. Những con cào cào, con chim sẻ, con rết thắt bằng lá dừa. Những cái lồng đèn bằng lá cau kiểng. Hay là lá chuối, xé ra cho đều rồi trở mặt đan nong mốt, nong hai. À, bà còn chỉ tôi cách làm đầu trâu bằng lá xoài, làm cái làn xách đi hái hoa, bắt bướm bằng lá dừa nước nữa… Những chiếc lá của bà, đã từng kì diệu hơn cả thuốc tiên khi tôi còn nhỏ. Sau này, sống một mình nơi phố thị, mỗi khi bị cảm, tôi mua ở tiệm thuốc tây vài viên thuốc xông. Nấu một nồi nước rồi cho dung dịch trong viên thuốc ấy vào nồi, hơi nóng bốc lên cũng thơm hương sả, hương lá bưởi, lá chanh, cũng vã mồ hôi, cũng thông mũi sảng khoái, rồi thôi, tôi vẫn phải uống thuốc, vẫn phải bẹp dí ở nhà hai ba bữa mới ngóc đầu dậy nổi. Những ngày như thế, tôi thèm được ở gần bà, để nhõng nhẽo, để sụt sịt, rồi bà sẽ thương mình “đứt ruột” mà đi nhanh ra sau nhà, hái bảy tám loại lá vào nấu cho tôi một nồi xông. Tôi thường tuyên bố mình hết bệnh sau khi chui ra khỏi chăn, mồ hôi nhễ nhại, ngồi quay lưng cho bà lật áo lau mồ hôi khắp người. Đôi khi tôi nghĩ, hay là nồi lá xông ngày xưa nhờ có mồ hôi của bà mà tôi nhanh hết bệnh? Còn bây giờ, tìm được người đổ mồ hôi cho mình sao mà khó quá, nên tôi bệnh hoài, nên tôi uống thuốc hoài. […] Những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ và thơm dịu dàng cho cả những ngày mai. Những chiếc lá của bà, còn thơm ở một hành trình thiên thu khác, hành trình ông tôi trở về cát bụi. Tôi nhớ ngày đó, dường như biết trước được sự ra đi của ông, bà sai anh rể tôi ra ngoài bưng hái lá tràm khuynh diệp. Anh tôi chèo ghe dọc sông Vàm Cỏ, hái được đầy xuồng thứ lá thơm nồng ấy, chở về cho bà ba bao to, bà đổ hết chúng ra phơi trước sân nhà. Ba buổi chiều liên tục, khi trời hết nắng thì bà gom chúng lại trên một chiếc đệm bàng to. Bà im lặng làm, không sai bảo cháu con, mà dáng bà ngồi gom lá nhìn sao buồn quá. Khi ấy tôi còn nhỏ, tôi không biết bà nghĩ gì trong lòng, cũng không biết mình sắp sửa mất đi một người thân, rất thân. Tôi không biết bà phơi lá làm gì, nhưng sự tỉ mẩn, sự toàn tâm và nét u sầu của bà khiến tôi ngại ngần không dám hỏi. Nhà tôi những ngày ấy thơm mùi khuynh diệp mà ai nấy cũng xao xác, thất thần, nhất là ba tôi và bà. Vài ngày sau thì ông tôi đi. Người ta dùng toàn bộ số lá ấy lót dưới đáy hòm, rồi phủ lên một tấm vải trắng… Ông tôi nằm trên ấy, chắc chắn êm lắm. Lúc đó tôi mới biết, bà tôi cầu mong gì cho hành trình thăm thẳm của ông. Tôi tin là ông nghe được hương tràm thơm, hương tràm thơm mùi hạnh phúc, hạnh phúc được người bạn đời của mình chăm lo ân cần như thế. Kể cả khi ông đã nhắm mắt, buông bỏ hết mọi thứ. […] Vậy đó, tuổi thơ tôi thơm tho và rực rỡ với bà và với những chiếc lá thần thánh. Những chiếc lá diệu kì cho đến tận hôm nay. Mỗi khi cầm chiếc lá bồ đề để ngước nhìn mặt trời, tôi thấy mình như bé lại, bé tí như hạt đậu, nằm ngoan ngoãn trong lòng tay bà chờ một ngày được nảy mầm, bật lên những chiếc lá xanh. Có bao giờ bạn cầm một chiếc lá ngắm nhìn thật kĩ, thấy trời xanh thiên thu, thấy nồng nàn từng tế bào lá úa, hay chỉ có một mình tôi, để rồi suốt một quãng đời dài thấy mình cứ loanh quanh giữa những đường gân lá. (Trương Gia Hòa) Câu 1. Văn bản “Những chiếc lá thơm tho” kể về kỉ niệm của tôi với ai? Câu 2. Theo lời nhân vật tôi, những chiếc lá của bà có những tác dụng gì? Câu 3. Người kể câu chuyện trên là ai? Hãy chỉ ra mối quan hệ giữa người kể chuyện và các nhân vật chính trong truyện, từ đó, nêu tác dụng của ngôi kể. Câu 4. Phân tích tác dụng của biện pháp điệp ngữ được sử dụng trong đoạn văn sau: “Những chiếc lá của bà thơm. Thơm ngọt ngào suốt hành trình tuổi thơ tôi. Thơm bâng khuâng cho đến tận bây giờ và thơm dịu dàng cho cả những ngày mai.” Câu 5. Hãy nhập vai nhân vật tôi để chia sẻ bài học mà nhân vật rút ra từ câu chuyện này. |