Nhiều người có xu hướng khoác lên mình tấm áo cá nhân để phủ kín giá trị cộng đồng.
Chúng ta đánh đồng chủ nghĩa tự do với việc theo đuổi lợi ích cá nhân tuyệt đối, không quan
tâm đến cuộc đời kẻ khác. Ngoài những thứ “quy ra thóc”, người ta có thể để mặc ô nhiễm
môi trường, chặt phá rừng, tệ nạn xã hội, kẹt xe, tham nhũng… cho những người khác lo. Thị
dân an phận với văn phòng máy lạnh, nông dân an phận với đồng xanh, ngư dân an phận với
biển cả, chúng ta luôn muốn an phận với những gì mình có và hạn chế tối đa việc “ăn cơm
nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng khi biển nhiễm độc, không chỉ ngư dân thiệt hại. Khi nông
dân mất đất phải bỏ xứ mà đi, không phải chỉ mình họ chịu thiệt. Thực phẩm bẩn không chỉ
tấn công người dân thành phố. Số phận đặt chúng ta vào chung một cộng đồng, gắn liền vận
mệnh với nhau. Dù bạn có kiếm được bao nhiêu tiền đi nữa, khi ra ngoài đường vẫn có thể bị
thanh xà gỗ từ công trình đường sắt đô thị rơi vào đầu. Dù bạn có đi chiếc xe siêu sang vẫn
phải chờ dài trong tuyệt vọng giữa những ngã ba tắc nghẽn, len lỏi giữa phố xá đầy khói bụi
và có thể là nạn nhân của nạn “mãi lộ” bất cứ lúc nào. Dù bạn có yên vị ở những căn biệt thự
xa hoa vẫn có thể có ngày nước ngập đầy nhà và cướp ghé thăm.
Điều ít nhất mà chúng ta có thể làm là lên tiếng. Im lặng trước cái đẹp là gián tiếp phủ
nhận nó. Im lặng trước điều xấu là ngấm ngầm cho phép nó lộng hành… Cuộc sống không tự
dưng tốt đẹp lên và nếu chỉ biết vun vén cho riêng mình, cố làm ngơ trước những vấn đề
chung, chúng ta đang tự xây dựng tòa lâu đài của mình trên cát”.
(Trích “Mưa ngập, cống tắc và một số thứ “quy ra thóc”, Khắc Giang, nguồn
http://vietnamnet.vn ngày 01/10/2016)
Từ nội dung trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy
nghĩ về cách ứng xử của bản thân đối với những vấn đề chung của cộng đồng.