Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
(1) Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê
làng X. (a) thuộc phủ X. (b) xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không
khéo thì vỡ mất.
(2) Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn,
kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn
lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh
trông thật là thảm.
(3) Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau
sang hộ, nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời vẫn mưa
tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó
lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy
thay! Khúc đê này hỏng mất.
(Trích Sống chết mặc bay, Phạm Duy Tốn, Ngữ văn 7, tập 2)
1. Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào? Thể loại của
văn bản?
2. Bằng một câu văn có dấu gạch ngang, em hãy giới thiệu ngắn gọn về nội
dung của văn bản chứa đoạn trích trên.
3. Em hiểu như thế nào về nhan đề “Sống chết mặc bay”? Tìm câu tục ngữ,
thành ngữ có ý nghĩa trái ngược với nhan đề trên.
4. Xác định các từ láy trong đoạn trích.
5. Tìm trong đoạn trích các câu đặc biệt.
6. Nêu biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn sau và tác dụng:
“Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì
thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy
ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột”
7. Dấu chấm phẩy trong đoạn văn 1 ở trên dùng có tác dụng gì?
8. Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu dưới đây và cho biết cụm C-V trong câu
làm thành phần gì?
“Ngay mở đầu truyện, tác giả đã đưa ra một tình huống rất căng thẳng”
9. Qua đoạn trích, hình ảnh thiên nhiên và con người hiện lên như thế nào?
Hãy trả lời bằng 1 đoạn văn từ 5-7 câu, trong đó có sử dụng câu bị động (gạch
chân và chú thích)