SỰ TÍCH QUẢ DƯA HẤU
Ngày xưa, có một người tên là Mai An Tiêm được vua Hùng yêu mến nhận làm con nuôi. Một lần, vì hiểu lầm lời nói của An Tiêm nên nhà vua nổi giận, đày An Tiêm ra đảo hoang.
Ở đảo hoang, hai vợ chồng An Tiêm dựng nhà bằng tre nứa, lấy cỏ khô phơi tết thành quần áo.
Một hôm, An Tiêm thấy một đàn chim bay qua thả xuống một loại hạt đen nhánh. Chàng bèn nhặt và gieo xuống cát, thầm nghĩ: “ Thứ quả này chim ăn được thì người cũng ăn được”. Rồi hạt nảy mầm, mọc ra một loại cây dây bò lan rộng. Cây ra hoa rồi ra quả. Quả có vỏ màu xanh thẫm, ruột đỏ, hạt đen nhánh, có vị ngọt và mát. Vợ chồng An Tiêm đem hạt gieo trồng khắp đảo.
Mùa quả chín, nhớ vua cha, An Tiêm khắc tên mình vào quả, thả xuống biển, nhờ sóng đưa vào đất liền. Một người dân vớt được quả lạ đem dâng vua. Vua hối hận cho đón vợ chồng An Tiêm trở về.
Thứ quả lạ đó là giống dưa hấu ngày nay.
( Theo Nguyễn Đổng Chi)
1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?
2. Xác định thể loại truyện của văn bản trên?
3. Xác định ngôi kể được sử dụng trong văn bản trên?
4. Trong đoạn trích nhân vật nào là nhân vật chính?
5. Vợ chồng Mai An Tiêm đã làm gì ở đảo hoang?
6. Mai An Tiêm nghĩ gì khi nhặt và gieo trồng loại hạt do chim thả xuống?
7. Tìm từ ngữ chỉ hoạt động trong đoạn văn sau:
“An Tiêm khắc tên mình vào quả, thả xuống biển, nhờ sóng đưa vào đất liền. Một người dân vớt được quả lạ đem dâng vua. Vua hối hận cho đón vợ chồng An Tiêm trở về.”
8. Theo em, Mai An Tiêm là người thế nào?
Từ câu chuyện trên anh/chị rút ra được bài học gì?