Một đứa bé vào phòng tôi, giúp tôi sắp xếp đồ đạcMột đứa bé vào phòng tôi, giúp tôi sắp xếp đồ đạc. Thấy cái đồng hồ quả quýt út mặt xuống bàn, nó lật lại hộ. Thấy chén trà đặt phía sau quai ấm trà, nó chuyển đến trước vòi ấm. Thấy đôi giày dưới gầm giường một xuôi một ngược, nó đảo lại giúp. Thấy dây treo tranh trên tường buông thõng thò ra ngoài, nó bắc ghế trèo lên giấu vào trong hộ. Tôi cảm ơn: “Cháu chăm quá, toàn dọn dẹp hộ chú thôi!”. Nó trả lời: “Không đâu, chẳng qua thấy chúng như thế, cháu cứ bứt rứt không yên!”. Đúng vậy, nó từng nói: “Đồng hồ quả quýt út mặt xuống bàn, nó bực bội lắm đấy!”. “Chén trà nấp sau lưng mẹ thì làm sao uống sữa được?” “Giày chiếc xuôi trước ngược, làm sao chúng nói chuyện được với nhau?” “Bím tóc của bức tranh thòng ra trước, trông như con ma vậy.” Tôi phục sát đất tấm lòng đồng cảm phong phú của chú bé này. Từ đó tôi quả thực cũng để tâm tới vị trí của đồ vật, tạo điều kiện để chúng được dễ chịu. Vị trí đặt để chúng có dễ chịu, ta nhìn mới thấy thư thái. Bấy giờ tôi mới sực nhận ra đó là tâm cảnh trước cái đẹp, là thủ pháp thường dùng trong văn miêu tả, là vấn đề cấu trúc thường gặp trong hội họa. Những thứ đó đều được phát triển ra từ sự đồng cảm. Người bình thường chỉ có thể đồng cảm với đồng loại hoặc cùng lắm là với động vật mà thôi, còn nghệ sĩ lại có lòng đồng cảm bao la quảng đại như tấm lòng trời đất, trải khắp vạn vật có tình cũng như không có tình. (Trích Yêu và đồng cảm, Phong Tử Khải, Sống đơn thuần, Tố Hinh dịch, NXB Hà Nội - Công ti Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2020, tr.268) Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn bản trên? Tác giả đã sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào? Sự kết hợp đó có tác dụng gì? Câu 2. Sự khác biệt giữa lòng đồng cảm của người thường và lòng đồng cảm của người nghệ sĩ là gì? Tại sao cậu bé bứt rứt không yên và sắp xếp lại đồ vật? Câu 3. Cảm xúc của tác giả như thế nào trước suy nghĩ của cậu bé? Câu 4. Vị trí đặt để chúng có dễ chịu, ta nhìn mới thấy thư thái. Bấy giờ tôi mới sực nhận ra đó là tâm cảnh trước cái đẹp, là thủ pháp thường dùng trong văn miêu tả, là vấn đề cấu trúc thường gặp trong hội họa. Những thứ đó đều được phát triển ra từ sự đồng cảm. Em hiểu ý đoạn văn trên như thế nào? Câu 5. Tại sao tác giả cho rằng: Người bình thường chỉ có thể đồng cảm với đồng loại hoặc cùng lắm là với động vật mà thôi, còn nghệ sĩ lại có lòng đồng cảm bao la quảng đại như tấm lòng trời đất, trải khắp vạn vật có tình cũng như không có tình? Câu 6. Viết đoạn văn (7 – 8 dòng) nêu suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. |