Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích?(1) Từng nghe nói rằng: Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần (1), người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy. (2 )Trước đây thời thế suy vi, Trung châu gặp nhiều biến cố, kẻ sĩ phải ở ẩn trong ngòi khe (2), trốn tránh việc đời (3), những bậc tinh anh trong triều đường phải kiêng dè không dám lên tiếng (4). Cũng có kẻ gõ mõ canh cửa (5), cũng có kẻ ra biển vào sông (6), chết đuối trên cạn (7) mà không biết, dường như muốn lẩn tránh (8) suốt đời. (3)Nay trẫm đang ghé chiếu (9) lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa ai tìm đến. Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát (10) chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng? (Trích “Chiếu cầu hiền”- Ngô Thì Nhậm, SGK Ngữ văn 11 tập 1,Nxb GD 2009, Tr 68 - 69) Chú giải: (1) Bắc Thần: Sao Bắc Đẩu, tượng trưng cho ngôi vua. (2) Ở ẩn trong ngòi khe: dịch thoát chữ “khảo bàn”. Khảo bàn là tên bài thơ trong thiên “Vệ phong” (Kinh Thi) nói về những người ở ẩn nơi ngòi khe. (3) Trốn tránh việc đời: Dịch thoát câu “Dụng củng vu hoàng ngưu) (Gói kĩ trong tấm da bò). Hào sơ cửu, quẻ Cách trong Kinh Dịch: “Củng dụng hoàng ngưu chi cách” (Dùng da bò để bọc cho thật chắc”, ý nói kẻ ẩn dật trốn tránh việc đời khác nào tấm da bò bọc lấy đồ vật một cách vững chắc. (4) Kiêng dè không dám lên tiếng: dịch thoát câu “Giới minh vu trượng mã” (Ngựa chầu phải kiêng dè tiếng hí); ở đây ý nói các quan trong triều đều giữ mình không dám nói thẳng. (5) Gõ mõ canh cửa: dịch câu “Kích đạc bão quan”, xuất xứ ở sách Mạnh Tử; kích đạc là người đánh mõ canh đêm, bão quan là người canh cửa, đều là những chức vụ thấp kém. (6) Ra biển vào sông: sách Luận ngữ, thiên Vi tử có đoạn chép về những người đi ở ẩn thời cổ: “Cổ Phương Thúc nhập vu Hà, kích khánh Tương nhập vu hải” (Quan đánh trống Phương Thúc vào miền sông Hà, người đánh khánh là Tương đi ra bể); ở đây chỉ các ẩn sĩ mỗi người đi một phương. (7) Chết đuối trên cạn: dịch chữ “lục trầm”, xuất xứ ở sách Trang Tử, ý nói kẻ đi ở ẩn như người bị chết đuối trên cạn. (8) Lẩn tránh: dịch chữ “phì độn”, xuất xứ ở quẻ Độn trong Kinh Dịch, nói kẻ đi ở ẩn. (9) Ghé chiếu: dịch chữ “trắc tịch”, xuất xứ ở Hậu Hán thư, Chương Đế kỉ, nghĩa là ngồi bên mép chiếu chứ không ngồi chính giữa vì còn đợi người hiền tài, có ý khiêm tốn. (10) Thời đổ nát: dịch từ chữ “cổ”, cũng là tên một quẻ trong Kinh Dịch, nói thời kì đổ nát lộn xộn. Hào Thượng cửu, quẻ Cổ ghi: “Bất sự vương hầu, cao thượng kì chí” (Chẳng chịu phụng sự vương hầu, giữ chí của mình cho cao thượng). Câu 1. Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích? Câu 2. Hãy cho biết mục đích và đối tượng hướng đến của đoạn trích trên? Câu 3. Nêu nội dung của đoạn văn bản trên? Câu 4. Tìm những điển tích, điển cố được sử dụng trong đoạn (2) và nêu tác dụng của nó? Câu 5. Đoạn (3) sử dụng thao tác lập luận nào? Qua đó anh chị hãy nhận xét ngắn gọn về tình cảm, tư tưởng, nhân cách của Quang Trung? Câu 6. Viết đoạn văn ngắn (5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về vai trò của hiền tài đối với công cuộc phát triển đất nước. |