Tình huống 5 Ba tháng trước, Tổng công ty dệt Phong Phú quyết định tuyển một nhân viên để thực hiện chiến lược kinh doanh mới là tiếp thị thông qua xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Phụ trách quan hệ công chúng là một vị trí mới ở dệt Phong Phú. Vì vậy người đảm nhận việc này phải có khả năng làm việc độc lập, chủ động trong công việc và đặc biệt là phải có khả năng gắn kết các hoạt động quan hệ công chúng với chiến lược sản xuất kinh doanh của công ty. Chân dung ứng viên lý tưởng được mô tả như sau: Tốt nghiệp đại học ngành báo chí Có hơn hai năm kinh nghiệm làm ở vị trí tương tự. Có hiểu biết toàn diện về các hoạt động kinh doanh ngành dệt may hiện nay. Thông thạo tiếng Anh. Sử dụng thành thạo phần mềm tin học văn phòng (Word, excel, Powerpoint) Công ty đăng quảng cáo tuyển dụng trên báo Tuổi Trẻ - tờ báo được đánh giá là thu hút nhiều độc giả trong độ tuổi lao động nhất. Hết hạn nộp hồ sơ, công ty chỉ thu về 5 hồ sơ dự tuyển, và trong số đó không có ứng viên nào đáp ứng được tất cả các yêu cầu. Công ty đăng quảng cáo 1 lần nữa nhưng chỉ có thêm 3 ứng viên. Tìm kiếm trong dữ liệu ứng viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng được thêm 2 ứng viên nữa. Công ty chọn ra 5 ứng viên tốt nhất để phỏng vấn. Cuối cùng công ty cũng chọn được 1 ứng viên tốt nhất là anh Hải, người tốt nghiệp đại học báo chí, có 3 năm làm việc ở vị trí đối ngoại của một công ty thực phẩm và là một cộng tác viên cho 1 tờ báo. Ngày đầu tiên nhận việc, Lan đã dành 2 giờ cho Hải biết doanh nghiệp mong đợi những gì ở anh và giải thích nhiệm vụ của anh. Tuy nhiên, Hải tỏ ra khá thụ động và đặc biệt là anh thiếu nhạy bén của 1 người làm quan hệ công chúng. Hỏi: 1. Tại sao công ty dệt Phong Phú lại thất bại trong công tác tuyển dụng, theo bạn thì công ty nên làm gì để cải thiện hiệu quả công tác tuyển dụng? 2. Những nguyên nhân nào khiến anh Hải không làm tốt nhiệm vụ của mình?