Tin tức (News)

Báo Thái Lan: Vì sao giáo dục Việt Nam được đánh giá cao?

2016-12-22 03:13:20
Tờ Bangkok Post vừa đăng tải bài viết lý giải tại sao thành tích giáo dục Thái Lan lại thua kém Việt Nam và Singapore.

Theo báo cáo đánh giá học sinh quốc tế gần đây của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), sinh viên Thái Lan đạt thành tích khá khiêm tốn. Điều này gây ra những lo ngại về chất lượng và khả năng của học sinh, sinh viên nước này. Trong khi đó, hệ thống giáo dục của Singapore và Việt Nam dường như đang tạo ra được những sinh viên giỏi nhất thế giới, Bangkok Post viết.

Kết quả Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế 2015 (PISA 2015) được công bố gần đây cho thấy điểm số của sinh viên Thái Lan sụt giảm trong khi Singapore vượt qua Trung Quốc, vươn lên đứng thứ nhất trong 70 nước thuộc danh sách phân tích.

Một bất ngờ lớn hơn là điểm số của sinh viên Việt Nam, quốc gia có sự cải thiện đáng kể trên bảng xếp hạng, lên vị trí thứ tám (cao hơn Hong Kong, Trung Quốc) từ vị trí thứ 17 trong bảng đánh giá trước đó năm 2012. 

Trong khi đó, Thái Lan xếp thứ 54. Điểm số của tất cả các môn đều thấp hơn so với đánh giá năm 2012. Phân loại theo từng môn học, Thái Lan đứng thứ 54 ở môn Toán, thứ 57 môn Đọc hiểu và vị trí 54 đối với môn Khoa học.

Kết quả xếp hạng PISA 2015,Xếp hạng PISA
Kết quả xếp hạng PISA 2015 của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: POSTGraphics.

Vì sao giáo dục Việt Nam và Singapore thành công?

Một đoạn trong bài viết trên BBC, giám đốc giáo dục của OECD Andreas Schleicher cho rằng yếu tố chính là tiêu chuẩn giảng dạy. Singapore quản lý giáo dục giành được kết quả xuất sắc mà không có sự khác biệt lớn giữa trẻ em đến từ gia đình giàu hay có hoàn cảnh khó khăn.

"Singapore đầu tư mạnh vào đội ngũ giáo viên chất lượng để nâng cao uy tín và vị thế của việc giảng dạy, thu hút các sinh viên tốt nghiệp giỏi nhất", ông Schleicher nói. Theo vị này, đảo quốc sư tử tuyển giáo viên thuộc top 5% các sinh viên tốt nghiệp đại học có thành tích cao nhất.

Đối với Việt Nam, ông Schleicher cho rằng thành công là nhờ tư tưởng tiên tiến của các quan chức chính phủ, một chương trình đào tạo tập trung và đầu tư vào giáo viên.

Schleicher rất chú ý đến chương trình đào tạo của Việt Nam. Theo vị này, chương trình được thiết kế cho phép học sinh có những hiểu biết sâu về các khái niệm cốt lõi và làm chủ những kỹ năng quan trọng. Điều này trái ngược với kiểu đào tạo "rộng những không sâu" của châu Âu và Bắc Mỹ.

"Gần 17% học sinh 15 tuổi nghèo nhất của Việt Nam nằm trong số 25% sinh viên giỏi nhất đến từ các quốc gia và nền kinh tế tham gia các bài kiểm tra của PISA. Trong khi đó, trung bình ở các nước OECD, chỉ 6% học sinh có hoàn cảnh khó khăn nằm trong nhóm này", trích dẫn bài viết trên BBC.

Viện thúc đẩy giảng dạy Khoa học và Công nghệ của Thái Lan nhận định kết quả PISA cho thấy một quan niệm đã không còn chính xác. Đó là hiệu quả giáo dục liên quan mức GDP của một quốc gia và ngân sách dành cho giáo dục của nước đó.

Cũng theo viện này, nguyên tắc của người Việt Nam là đảm bảo rằng giáo viên phải làm tận tâm, có trách nhiệm và có kỷ luật. Họ hiếm khi bỏ giờ. 

Học sinh Việt Nam cũng rất ham học. Nghiên cứu chỉ ra rằng không giống như học sinh Thái Lan, học sinh Việt Nam không sợ môn Toán.

Học sinh Việt Nam dành trung bình 227 phút mỗi tuần để học Toán, trong khi học sinh Thái chỉ dành 206 phút. Tổng số giờ học của học sinh Việt Nam là 32 giờ/tuần, thấp hơn so với Thái Lan 36 giờ/tuần.

Những vấn đề tồn tại của giáo dục Thái Lan

Ông Athapol Anunthavorasakul - học giả đến từ khoa giáo dục của Đại học Chulalongkorn tại thủ đô Bangkok - nhận xét kết quả PISA phản ánh sự chênh lệch nghiêm trọng giữa học sinh các trường nổi tiếng và học sinh ở khu vực nông thôn.

"Tình trạng này cho thấy Thái Lan không thể cải thiện sự công bằng trong phân bổ nguồn lực giáo dục", ông nói.

Kết quả PISA của Thái Lan,Xếp hạng PISA
Dù đầu tư cho giáo dục, kết quả PISA của Thái Lan khá khiếm tốn. Ảnh: Bangkok Post

Ông Athapol cho biết trong 2 - 3 năm gần đây, Bộ Giáo dục Thái Lan đầu tư tiền bạc đào tạo giáo viên và học sinh theo đánh giá của PISA nhưng việc thực hiện vẫn còn hạn chế.

"Tôi nghĩ rằng bộ đã đi sai hướng. Thay vì chi tiền vào việc đào tạo giáo viên và học sinh ở một số trường cho kỳ thi PISA, bộ cần tập trung việc thu hẹp khoảng cách giữa sinh viên ở những trường nổi tiếng và trường khó khăn", ông Athapol nhận định.

Bộ trưởng Giáo dục Teerakiat Jareonsettasin thừa nhận ông cũng thất vọng với kết quả của học sinh Thái Lan. Nó phản ánh một khoảng cách rất lớn giữa học sinh những trường ưu tú và những người học ở trường nghèo nàn.

Ông Teerakiat nhấn mạnh rằng nếu chỉ tính riêng các trường như Mahidol Wittthayanusorn và Chulabhorn Wittayalai, điểm Khoa học, Đọc hiểu và Toán của học sinh tương đương các quốc gia đứng vị trí cao trong kết quả PISA.

Tuy nhiên, điểm PISA là số điểm chung của sinh viên tất cả trường học trên cả nước.

Theo Tống Hoa/News.zing
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây, xin cảm ơn!
Gửi bình luận:
Nhập nội dung bình luận:

(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k