Chủ nghĩa Lênin là sự tiếp tục và phát triển chủ nghĩa Mác, là chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, thời đại xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, thời đại ra đời và phát triển của chủ nghĩa xã hội thành một hệ thống thế giới, thời đại quá độ của xã hội loài người từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản.
Là học trò trung thành và xuất sắc nhất của Mác và Ăngghen, Lênin không những đã bảo vệ tinh thần cách mạng của chủ nghĩa Mác, chống lại mọi sự xuyên tạc của bọn cơ hội chủ nghĩa, mà Lênin còn căn cứ vào những điều kiện lịch sử mới để phát triển chủ nghĩa Mác lên một bước.
Chúng ta đều biết Mác và Ăngghen sống trong thời đại chủ nghĩa tư bản đang phát triển đi lên, những mâu thuẫn của xã hội tư bản đã bộc lộ, cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản đã trở thành cuộc đấu tranh chủ nghĩa trong xã hội. Công lao vĩ đại của Mác, Ăngghen là đã nghiên cứu sâu sắc và toàn diện các quy luật của chủ nghĩa tư bản, từ đó đã chỉ rõ rằng chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ bị diệt vong, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thắng lợi. Mác, Ăngghen đã vạch ra rằng sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản và xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Muốn hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó, giai cấp vô sản phải có chính đảng tiên phong của mình, phải tiến hành cách mạng vô sản và thiết lập chuyên chính vô sản.
Nhưng trong thời kỳ Mác, Ăngghen sống và hoạt động, điều kiện khách quan chưa chín muồi để cho cách mạng vô sản có thể trực tiếp nổ ra. Cho nên, suốt đời mình, Mác, Ăngghen đã tập trung sức lực vào việc tuyên truyền giác ngộ giai cấp công nhân, vạch trần và đánh bại các học thuyết phản động trong phong trào công nhân, tổ chức ra các quốc tế của giai cấp công nhân, chuẩn bị cho cuộc cách mạng của giai cấp công nhân lật đổ chủ nghĩa tư bản. Sau khi Mác, Ăngghen qua đời, bọn lãnh tụ cơ hội chủ nghĩa thống trị Quốc tế thứ hai đã xuyên tạc thực chất cách mạng của chủ nghĩa Mác, tuyên truyền chủ nghĩa cải lương và lý luận điều hòa giai cấp, hướng phong trào công nhân đi vào con đường thỏa hiệp với giai cấp tư sản.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc; độc quyền đã thay thế tự do cạnh tranh. Để thu được lợi nhuận tối đa, bọn tư bản độc quyền không những tăng cường bóc lột công nhân và nhân dân lao động trong nước mà còn tiến hành xâm lược thuộc địa, xuất cảng tư bản, biến các nước nhỏ yếu và lạc hậu thành nguồn cung cấp nguyên liệu rẻ mạt và thị trường tiêu thụ hàng hóa thừa của chúng. Sau khi hoàn thành việc phân chia thế giới, các công ty độc quyền của các nước đế quốc không ngừng giành giật thuộc địa và khu vực ảnh hưởng của nhau, cho nên cứ từng thời gian một, chúng lại gây ra chiến tranh đế quốc, đẩy nhân loại vào con đường chết chóc khủng khiếp.
Chủ nghĩa đế quốc đặt nhân dân thế giới trước hai con đường: hoặc là cam chịu sự thống trị và bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, do đó, sẽ bị đẩy vào hố diệt vong; hoặc là phải vùng lên lật đổ chủ nghĩa đế quốc và đưa xã hội loài người tiến lên một chế độ mới, xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
Bối cảnh lịch sử đó đòi hỏi phải phát triển chủ nghĩa Mác lên một bước mới để hướng dẫn cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và đi vào con đường xã hội chủ nghĩa.
Lênin đã sống và hoạt động trong thời đại đó. Công lao vĩ đại của Lênin là đã nhìn thấy và đáp ứng được yêu cầu cấp bách của lịch sử. Xem xét quy luật tiến hóa của chủ nghĩa tư bản trong giai đoạn tột cùng của nó, vận dụng học thuyết thiên tài của Mác vào thực tiễn cách mạng, Lênin đã gạt bỏ những quan điểm sai lầm của bọn cơ hội chủ nghĩa, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác, làm cho chủ nghĩa Mác phong phú thêm bằng những lý luận mới.
1. Cống hiến quan trọng đầu tiên của Lênin là lý luận về chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa
Lênin đã nghiên cứu sâu sắc, toàn diện các đặc điểm và quy luật của chủ nghĩa đế quốc và nhận định rằng chủ nghĩa đế quốc là "giai đoạn phát triển cao nhất đồng thời cũng là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản". Trong giai đoạn này, các mâu thuẫn của xã hội tư bản chủ nghĩa đã sâu sắc đến tột bậc. Kết quả của sự phát triển các mâu thuẫn sâu sắc ấy là phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong các nước đế quốc cũng như phong trào giải phóng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc bùng lên rầm rộ chưa từng thấy; cả hai hợp thành một làn sóng cách mạng mạnh mẽ làm lung lay chủ nghĩa đế quốc đến tận gốc. Mặt khác, mâu thuẫn giữa các đế quốc với nhau gay gắt đến cao độ đã làm cho những cuộc chiến tranh đế quốc bùng nổ; những cuộc chiến tranh này lại làm sâu sắc thêm các mâu thuẫn vốn có trong xã hội tư bản chủ nghĩa và đẩy chủ nghĩa đế quốc vào một cuộc tổng khủng hoảng trầm trọng. Trong những điều kiện đó, Lênin đã nhận định: chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa tư bản giãy chết, là đêm trước của cách mạng vô sản.
Từ việc nghiên cứu đặc điểm và tính chất của chủ nghĩa đế quốc, Lênin đã nêu ra lý luận mới về cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trước kia, Mác cho rằng cách mạng vô sản muốn thắng lợi phải đồng thời nổ ra cùng một lúc ở khắp các nước tư bản tiên tiến, hoặc ít nhất trong đại đa số các nước ấy; nếu cách mạng vô sản chỉ nổ ra trong một nước thì nhất định không thể tránh khỏi thất bại. Kết luận của Mác thích hợp với thời kỳ chủ nghĩa tư bản đang phát triển đi lên, nhưng đến khi nó chuyển thành chủ nghĩa đế quốc thì kết luận đó không còn thích hợp nữa. Lênin đã chỉ rằng: "Chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành một hệ thống có tính chất toàn thế giới của một nhúm nhỏ các nước "tiên tiến" đi áp bức thuộc địa và dùng tài chính để bóp nghẹt đại đa số nhân dân thế giới"1*. Mâu thuẫn và sự suy yếu của chủ nghĩa đế quốc đến nay không phải biểu hiện trong một nước riêng rẽ mà biểu hiện trong phạm vi toàn thế giới, cho nên theo Lênin thì "cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ không phải chỉ là và chủ yếu là một cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản cách mạng ở từng nước chống lại giai cấp tư sản ở nước mình; không phải thế, đó sẽ là cuộc đấu tranh của tất cả các thuộc địa và tất cả những nước bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, của tất cả các nước phụ thuộc chống lại chủ nghĩa đế quốc quốc tế"2*.
Điều kiện cho cách mạng vô sản nổ ra trong thời đại đế quốc chủ nghĩa đã chín muồi trên phạm vi toàn thế giới. Lênin đã phát hiện quy luật phát triển không đều về kinh tế giữa các nước đế quốc. Đó là một quy luật tuyệt đối, cho nên mâu thuẫn giữa đế quốc với đế quốc không bao giờ chấm dứt, sự đấu tranh giành giật quyền lợi giữa bọn đế quốc với nhau càng thêm quyết liệt. Giai cấp vô sản có thể lợi dụng mâu thuẫn ấy mà chiến thắng chủ nghĩa đế quốc ở nơi này hay nơi khác.