Trong bài viết của mình, ông Ngô Duy Cát có nêu lên hai ý: - Câu: "Miếng khi đói, gói khi no" và câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" là hai câu khác nhau về cả ý nghĩa và ngữ pháp. - Trong câu: "Miếng khi đói, gói khi no" thì từ miếng và từ gói là động từ, còn trong câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" thì từ "miếng" và từ "gói" mới là danh từ. Từ sự phân biệt đó tác giả đi đến kết luận câu: "Miếng khi đói, gói khi no" thì từ miếng có nghĩa là ăn và từ gói có nghĩa là để dành và toàn bộ câu tục ngữ này có nghĩa là: Hãy ăn lúc đói và để dành lại khi đã no, lo cho lúc đói. Thoạt nghe sự phân tích đó của tác giả thấy có vẻ có lý, nhưng suy nghĩ kỹ và xem xét các câu tục ngữ có dạng so sánh, ví von khác, tôi thấy ý kiến phân tích của tác giả chưa thật thỏa đáng, nên muốn làm rõ hơn về cách hiểu câu tục ngữ này. Trước hết, tôi thấy câu: "Miếng khi đói, gói khi no" và câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" chỉ là một với hai cách diễn đạt khác nhau. Câu sau chỉ là cách diễn đạt để làm rõ hơn ý nghĩa của câu trước. Đây là các câu tục ngữ thuộc dạng so sánh, ví von, nhằm nói lên bản chất của các sự vật và hiện tượng khi đem so sánh, ví von chúng với nhau. Những câu tục ngữ thuộc dạng này có rất nhiều. Thí dụ như câu: "Học thầy không tầy học bạn", so sánh hai hiện tượng học thầy và học bạn cái nào quan trọng hơn cái nào và nhấn mạnh trong học tập thì học tập lẫn nhau là vô cùng quan trọng. Hoặc câu: "Miệng quan, trôn trẻ" là một câu ví von, so sánh miệng của quan với cái đít của trẻ con: miệng nói của quan (thời phong kiến) chẳng khác gì cái đít hay ị bậy của trẻ con, muốn vặn vẹo, đặt điều cho dân lành thế nào cũng được, không ai có quyền cãi lại. Gần hơn với câu "Miếng khi đói, gói khi no" có câu tục ngữ: "Miếng giữa làng hơn sàng xó bếp". Câu này nói lên không gian của miếng ăn. Cũng là miếng ăn nhưng ăn ở đâu thì danh giá hơn. Từ đó, ta nên hiểu câu "Miếng khi đói, gói khi no" là muốn nói tầm quan trọng của miếng ăn ở mỗi thời gian khác nhau. Những lúc đói kém, khó khăn thì một miếng ăn nhỏ cũng vô cùng quý giá, nó có giá trị bằng cả một gói to lúc no nê, đủ đầy. Nói rộng ra, những lúc khó khăn về kinh tế thì chỉ một chút tiền của nhỏ nhoi cũng vô cùng quý giá, nó có giá trị bằng cả một khối lượng của cải lớn khi kinh tế khá giả, cho nên phải biết chắt chiu, tiết kiệm, không được phung phí. Trần Hữu Lạn (Hà Nội) Theo bác Ngô Duy Cát, khi còn nhỏ bác nghe cha và thầy thường dạy là "Câu cách ngôn ấy dạy người ta phải biết lo xa, biết tiết kiệm. Khi được mùa phải lo lúc giáp hạt tháng ba ngày tám, không nên vung vãi, lãng phí". Bây giờ bác Cát áy náy khi nghe đài, đọc báo thấy nói "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" và bác giải thích: "Miếng khi đói, gói khi no" thì "miếng" và "gói" là động từ. "Miếng" là ăn và "gói" là để dành lại. Ăn lúc đói, để dành lúc no. Còn câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" thì "miếng" và "gói" là danh từ. Miếng to miếng nhỏ không đều nhau. Gói cũng vậy. Nhưng gói có thể được nhiều miếng thì miếng khi đói không thể bằng một gói khi no được. Nếu chỉ hiểu đơn giản như vật thì bác "áy náy" là phải. Câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" xuất hiện gần đây, nhất là từ khi thiên tai bão lụt dập dồn, đồng bào nhiều nơi chịu tang tóc đau thương, trôi nhà mất cửa. Đảng, Chính phủ và UBTUMTTQVN kêu gọi đồng bào cả nước "no đói sẻ chia, rách lành đùm bọc" với tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Câu nói trên với hàm nghĩa là sẻ chia cho nhau "một miếng" lúc khó khăn thiếu thốn thì giá trị của một miếng ấy bằng cả gói khi no, khi đầy đủ. Khi đã no đủ, có cho nhau một gói hay bao nhiêu gói thì cũng không giá trị bằng lúc này giúp nhau một miếng. Rõ ràng là ngôn ngữ phát triển theo cuộc sống. Có nhiều thiên tai địch họa, nhiều người mất mát đau thương cần sự chia sẻ của cộng đồng xã hội thì câu "Miếng khi đói, gói khi no" mới phát triển thành "Một miếng khi đói bằng một gói khi no" với nhiều tầng ý nghĩa, chứ không chỉ gói gọn trong "ăn lúc đói, để dành lúc no". Một ý kiến nhỏ trao đổi. Mong được đồng cảm. Thôn Trang (650 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, Bình Định)