Đã có mấy bạn trẻ hỏi tôi về từ truông trong câu ca dao cổ "Thương em anh cũng muốn vô/ sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". Từ truông nghĩa chính xác là gì, người hay vật mà tự điển tiếng Việt không có chú giải?
Quả vậy, sau khi thử tra nhiều bộ tự (từ) điển tiếng Việt phổ thông, cả cũ lẫn mới như "Từ điển Tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ (1988), "Từ điển Việt Nam" của Thanh Nghị (1958)… đều không có chú giải từ truông. Theo Giáo sư Tôn Thất Bình, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian miền Trung Việt Nam, thì truông là danh từ địa phương, vốn chỉ một vùng đất rộng bạt ngàn, có cây cối um tùm. Giải thích của GS. Bình căn cứ vào hiểu biết sâu rộng về vùng đất. Tuy vậy, trong khi các từ điển tiếng Việt phổ thông thiếu mục từ này thì từ xa xưa, lạ thay hai cuốn tự điển (tự vị) tiếng Việt xuất bản đầu tiên ở nước ta "Đại Nam Quấc Âm tự vị" (Hùinh Tịnh Paulus Của - 1894) và "Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức" (1931) - một ở Miền Nam, một ở Miền Bắc lại đều có mục từ truông và chú giải với gần như chung một nội dung: “Đàng (đường) đi qua rừng núi/ vùng đất hoang, cây cỏ mọc như rừng”.
Liên quan đến từ truông, người Miền Trung, hầu như không ai không biết câu ca dao cổ... "sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang". Hai địa danh được đề cập ở đây nổi tiếng trong thời Trịnh, Nguyễn phân tranh. Phá Tam Giang nằm hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang hơn 50km2, trải dài khoảng từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương thuộc địa phận 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên - Huế (hơn 20km). Tương truyền phá Tam Giang có sóng thần, mỗi khi tàu thuyền qua đây thường bị "sóng ông, sóng bà" ở đây đánh chìm. Vì vậy người dân trong vùng còn có câu hát ru con: "Phá Tam Giang chắn ngay nẻo nhớ/ truông Nhà Hồ làm khổ lòng nhau/ cho nên xin hẹn kiếp sau/ đổ truông Nhà Hồ, đập phá Tam Giang". Địa danh truông Nhà Hồ nay nằm ở đoạn giáp giới giữa xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) và xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), cách thị trấn Hồ Xá (trước là làng Hồ Xá), huyện Vĩnh Linh không xa. Theo lời kể của bậc cao niên thì có một nhánh của Hồ Quý Ly di dân vào đây vẫn còn gia phả. Trước đây truông Nhà Hồ là một vùng đất rộng bạt ngàn, cây cối um tùm, từng là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm, ai đi qua đó cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc, để cướp của đòi tiền mãi lộ...
Bên cạnh những câu ca dao cổ trên, sau này còn xuất hiện một câu ca dao khác: "Phá Tam Giang ngày rày đã cạn/ truông Nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm". Nội Tán ở đây là chỉ ông Nguyễn Khoa Đăng, thuộc hạ của Chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1722, ông được sai mang quân đi triệt hạ giặc cướp vùng này. Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng cho lính giả làm lái buôn, phục kích bắt hết lục lâm, thảo khấu trú ẩn ở vùng rừng núi Hồ Xá. Từ đó dẹp yên và dân lành thông thương mua bán giữa hai vùng Nam - Bắc. Sau ông vào Huế, trị sóng thần phá Tam Giang. Ông sai người lặn xuống phá, đào bới mở rộng cửa phá. Một mặt ông loan báo trong dân chúng là quan Nội tán sẽ dùng súng thần công bắn sóng thần trừ họa. Đến ngày đã định, Nguyễn Khoa Đăng mang súng hướng ra phá, ra lệnh bắn. Ba tiếng súng ầm ầm vang lên, khói bốc mù mịt. Tương truyền trên mặt phá, một luồng đỏ như máu từ từ loang ra. Nguyễn Khoa Đăng bảo với mọi người là sóng thần đã bị trúng đạn chết, từ nay không phải lo sợ nữa. Từ đó sóng thần không còn, thuyền bè qua lại trên phá Tam Giang đều bình an vô sự. Nỗi lo sợ về truông Nhà Hồ, phá Tam Giang không còn nữa, nhưng câu hát xưa vẫn còn, nay được chắp thêm hai câu ghi nhớ công ơn của quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng.
Dù được đưa mục từ vào tự điển, nhưng danh từ truông tìm thấy trong ca dao, tục ngữ… Việt Nam không nhiều. Ngoài câu ca dao cổ nói trên, ở vùng Bình Định có câu: "Chiều chiều én liệng truông Mây/ cảm thương chú Lía bị vây trong thành". Truông Mây cũng là một địa danh! Cả hai câu ca dao cổ này được cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại, nguyên Bố chính tỉnh Thanh Hóa tập hợp phân loại vào bộ phong sử, bằng Hán văn và được ông Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến lược ý đọc tại Hội trí Tri - Hà Nội tháng 11.1923. Đưa câu ca dao... truông Nhà Hồ/ phá Tam Giang vào mục loại phong sử, điều đó nghĩa, ông cho rằng, nhiều trang lịch sử nước nhà còn được chấm phá trên “bức thuỷ mặc” của dòng văn chương bình dân, thể hiện bằng những câu ca (phong) dao lục bát, trữ tình của dân tộc.