LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Tác giả tác phẩm: Sông núi nước Nam - Ngữ văn 9 Cánh diều

Ngọc Anh | Chat Online
21/10 15:25:16
7 lượt xem
Sông núi nước NamTác giả tác phẩm: Sông núi nước Nam - Ngữ văn 9


I. Tác giả Lí Thường Kiệt
- Bài thơ dù chưa rõ tác giả thực sự là ai nhưng qua lời kể lại thì có thể là lời thơ của Lí Thường Kiệt (1019- 1105)

- Ông là một danh tướng lẫy lừng có công đánh thắng quân Tống xâm lăng.

II. Đọc tác phẩm Sông núi nước Nam
Phiên âm:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa:

Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Giới phận đó đã định rõ ràng ở sách trời.
Cớ sao kẻ thù lại dám đến xâm phạm
Chúng mày nhất định sẽ nhìn thấy việc chuốc lấy bại vong.

Dịch thơ:

Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cơ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

III. Tìm hiểu tác phẩm Sông núi nước Nam
1. Thể loại Sông núi nước Nam
- Văn bản Sông núi nước Nam thuộc thể loại thất ngôn tứ tuyệt.

2. Xuất xứ Sông núi nước Nam
- Có truyền thuyết rằng năm 1077, quân Tống xâm lược nước ta. Vua Lí Nhân Tông sai Lí Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở sông Như Nguyệt, bỗng một đêm, quân sĩ chợt nghe từ trong đền thờ hai anh em Trương Hống và Trương Hát - hai vị tướng giỏi được tôn là thần sông Như Nguyệt có giọng ngâm bài thơ này.

- Bài thơ được coi là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta.

3. Hoàn cảnh sáng tác Sông núi nước Nam
Cuối năm 1076, nhà Tống ồ ạt đưa quân sang xâm lược nước ta. Quân đội Đại Việt lúc bấy giờ do Lý Thường Kiệt chỉ huy, tuy đã chủ động chuẩn bị đối phó từ trước nhưng vẫn chống cự một cách rất khó khăn. Giặc tràn xuống bờ bắc sông Cầu và đội quân tiên phong của chúng đã bước đầu chọc thủng được phòng tuyến Như Nguyệt. Phòng tuyến vỡ, tình thế hết sức cấp bách. Quân giặc sĩ khí dâng cao còn tinh thần của quân sĩ ta bị tan vỡ. Muốn giành lại được thế chủ động, trước phải đập tan đội quân tiên phong của giặc, mà muốn đập tan đội quân tiên phong này, phải tìm cách lấy lại và kích động mãnh mẽ tinh thần của quân sĩ. Nhận rõ điều đó, Lý Thường Kiệt đã bí mật đang đêm cho người vào đền thờ Trương Hát ở ngay bên bờ sông Cầu, đọc to bài thơ.

4. Phương thức biểu đạt Sông núi nước Nam
- Phương thức biểu đạt: biểu cảm.

5. Bố cục Sông núi nước Nam
- Phần 1 (2 câu đầu): Khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

- Phần 2 (2 câu cuối): Nêu cao quyết tâm chống lại kẻ thù.

6. Ý nghĩa nhan đề Sông núi nước Nam
'Sông núi nước Nam' tức là khẳng định chủ quyền và lãnh thổ của người Nam, sách trời đã định rõ không có giặc nào có thể xâm phạm đến được

7. Giá trị nội dung Sông núi nước Nam
- Bài thơ là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc khẳng định chủ quyền đất nước. Sự khẳng định tuyệt đối cùng quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền trước những kẻ xâm lăng, cảnh báo bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vào chủ quyền đều phải chuốc lấy thất bại.

8. Giá trị nghệ thuật Sông núi nước Nam
- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt súc tích, cô đọng cảm xúc.

- Lời thơ đanh thép, hào hùng, dõng dạc.

- Cảm xúc dồn nén trong từng câu chữ.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Sông núi nước Nam
1. Hai câu thơ đầu
Lời khẳng định chủ quyền dân tộc

- Vua Nam nguyên văn “Nam đế”: từ “đế” thể hiện sự ngang hàng với hoàng đế Trung Hoa.

- “Thiên thư”: Sách trời ý chỉ tạo hóa phân định rõ ràng chủ quyền nước Nam.

=> Khẳng định nước Nam là do vua Nam - đại diện của nhân dân - nắm giữ, đó là chân lý hiển nhiên không thể thay đổi.

2. Hai câu thơ cuối
Quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền

- Câu hỏi tu từ mạnh mẽ, chỉ ra sự trái đạo trời của bọn “nghịch lỗ”

- Cảnh cáo sự thất bại không thể tránh khỏi của chúng khi dám làm trái lẽ phải, trái với đạo lí tự nhiên.

=> Nêu cao quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước, niềm tin chiến thắng ngoại xâm của dân tộc.

V. Các bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích bài Sông núi nước Nam

Bài tham khảo 1
Suốt hơn một ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân ta phải sống trong cảnh khát khao mơ ước mong có được một cuộc sống hạnh phúc, tự do. Vì thế chúng ta có thể hình dung niềm hạnh phúc sẽ lớn dần mức nào khi nước Đại Việt ta có được chủ quyền, có tự do và độc lập. Lịch sử đã ghi danh thế nhưng trong văn học, phải đợi đến gần một trăm năm sau đó, khi bài thơ Nam Quốc sơn hà ra đời, chúng ta mới có một tuyên ngôn chính thức về chủ quyền và ý chí tự lực tự cường của dân tộc chúng ta. Bài thơ từ đó đến nay đã vang vang suốt hàng ngàn năm lịch sử:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Nguyên bài thơ được coi là của tướng quân Lý Thường Kiệt, một người con vĩ đại của đất Thăng Long. Thế nhưng cho đến ngày nay, câu trả lời cho câu hỏi tác giả bài thơ là ai vẫn đang còn bỏ ngỏ. Chỉ biết rằng bài thơ ra đời khi cuộc giao tranh giữa quân ta với quân đội của Tống triều đang ác liệt. Bài thơ được ngân lên trong ngôi đình của Trương Hống và Trương Hát vì thế mà nó trở thành lời hịch khích lệ lòng quân quyết tiến để tiêu diệt giặc thù. Bài thơ mở đầu trang trọng và vô cùng đanh thép:

“Núi sông nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở”

Câu thơ khẳng định một chân lý không thể đổi thay “Sông núi nước Nam' là nơi Vua nam ở. Chữ cư ở trong nguyên bản không chỉ hiểu là ở mà còn phải biểu là vua Nam có quyền làm chủ trên chính mảnh đất này. Nam đế cũng chẳng thua kém gì Bắc đế. Nước đã có vua nghĩa là đã có độc lập, có chủ quyền. Và mỗi người phải có trách nhiệm gìn giữ non sông.

Hơn thế nữa, chủ quyền của sông núi nước Nam còn được thiên thư định phận rõ ràng. Nó là một chân lý khách quan, trên đã thuận ý trời dưới lại hợp lòng người vì thế mà không ai có thể thay đổi được, Hai câu thơ là lời tuyên ngôn đanh thép khẳng định ý chí, niềm tin về độc lập chủ quyền và về tinh thần tự cường dân tộc của nước Đại Việt chúng ta. Có thể nói hai câu thơ đầu đã tiếp thêm lòng căm thù và ý chí quyết tâm cho lời tuyên ngôn tiếp theo:

“Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng mày nhất định phải tan vỡ”

Hành động xâm lược dã man, tàn bạo của quân giặc chắc chắn là trái với đạo trời. Hành động ấy là phi nghĩa vì thế mà chúng bay chắc chắn sẽ phải chuốc lấy bại vong'. .Nếu hai câu thơ đầu là lời khẳng định chân lý về độc lập chủ quyền thì lời khẳng định chân lý về độc lập chủ quyền thì hai câu thơ sau là lời khẳng định niềm tin chiến thắng. Có niềm tin ấy bởi chúng ta có tinh thần đoàn kết, có truyền thống yêu nước lâu bền. Chúng ta lại có ngọn cờ chính nghĩa và có cả những người con ưu tú, anh hùng luôn chiến đấu mưa lược và dũng cảm trong những cuộc chiến tranh để bảo vệ và gìn giữ sự tồn vong của đất nước, quê hương.

Nam Quốc sơn hà là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn và sắc sảo. Nó xứng đáng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên ngợi ca lòng yêu nước, ngợi ca niềm tự hào dân tộc, đồng thời cũng biểu thị ý chí, sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Bài tham khảo 2
Lòng yêu nước là mạch nguồn cảm xúc dạt dào xuyên suốt dòng chảy văn học Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, nội dung yêu nước lại được thể hiện ở những khía cạnh riêng. Bài thơ “Sông núi nước Nam” tương truyền do Lý Thường Kiệt sáng tác trong cuộc kháng chiến chống Tống được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân Việt Nam. Bài thơ là tiếng nói khẳng định độc lập, chủ quyền và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược.

Nói về sự ra đời của bài thơ, có rất nhiều lời kể khác nhau trong đó có truyền thuyết năm 1077 quân Tống xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt đem quân chặn đánh giặc trên sông Như Nguyệt, một đêm bỗng nghe trong đền thờ thần sông Như Nguyệt, có tiếng ngâm bài thơ này. Sự ra đời của bài thơ gắn với niềm tin tâm linh khiến cho bài thơ không chỉ hào hùng mà còn thiêng liêng.

Hai câu thơ đầu, tác giả đã khẳng định chân lý của độc lập, chủ quyền:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”

Trong quan niệm đương thời, “đế” là đại diện cho dân cho nước, vì thế ý thơ cần được hiểu rộng sông núi của nước Nam là do người dân nước Nam ở. Chân lý này tưởng chừng là điều đơn giản, hiển nhiên nhưng nó đã được đánh đổi bằng bao mồ hôi, xương máu, nước mắt và cả sự hi sinh của cha ông ta. Chính vì thế Nam quốc là mảnh đất thiêng liêng, anh hùng mà không một ai được phép xâm phạm tới. Câu thơ đầu tiên chính là lời tuyên bố hùng hồn, đanh thép về chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc. Tác giả tự xưng dân tộc mình là “Nam quốc”, gọi vua nước ta là “đế”, đó chính là cách để thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Xưa nay, các nước phương Bắc hay coi thường, miệt thị nước ta, xem Đại Việt ta là một nước chư hầu thuộc địa không phải là một quốc gia độc lập, vua ta chỉ là các vương hầu dưới quyền cai trị của chúng hằng năm phải nộp cống vật. Chỉ bằng cách gọi tên ấy, tác giả đã đưa nước Nam sánh ngang cùng các quốc gia khác, khẳng định nước ta là một nước độc lập, có lãnh thổ, chủ quyền riêng không chịu phụ thuộc bởi bất cứ thế lực nào, vua ta cũng là những bậc đế vương anh minh, tài giỏi không thua kém vua bất cứ nước các khác. Câu thơ không chỉ vang lên niềm tự hào, kiêu hãnh về dân tộc mà còn là lời cảnh tỉnh cho sự hống hách, ngông cuồng của bọn đế quốc phương Bắc.

Chân lý của độc lập, chủ quyền của dân tộc không chỉ được minh chứng bằng lý lẽ thực tiễn mà còn được khẳng định bởi “thiên thư”. Hai chữ “tiệt nhiên” được thốt lên chắc nịch, mạnh mẽ, đanh thép mà không ai có thể lên tiếng phản bác. Sông núi nước Nam đã được định phận ở sách trời, có thần linh chứng giám cho nên điều đó là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Kẻ nào dám chống đối với ý đồ đặt gót chân dơ bẩn vào bờ cõi nước Nam cũng có nghĩa là đang đi ngược lại ý trời, kẻ đó ắt sẽ bị trừng phạt thích đáng. Câu thơ mang màu sắc thần linh khiến cho chân lí về độc lập, chủ quyền thêm phần thiêng liêng và có giá trị hơn.

Sau lời khẳng định hùng hồn về độc lập, chủ quyền dân tộc, tác giả đã đưa ra lời cảnh cáo đanh thép đối với kẻ thù:

“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Câu hỏi vang lên mạnh mẽ, dứt khoát đầy cứng rắn hướng tới bọn giặc xâm lược. Coi chúng là “nghịch lỗ” nghĩa là tác giả đã phân định rõ rệt tính chất chính nghĩa và phi nghĩa của cuộc chiến. Ta chiến đấu vì chính nghĩa ắt sẽ gặt hái được thành quả thắng lợi, còn bọn giặc dữ phi nghĩa kia sẽ phải nhận lấy những hậu quả xứng đáng. Câu thơ đã thể hiện rõ thái độ giận dữ, uất hận của tác giả đối với kẻ thù ngang tàng đi ngược lại chân lí, phạm phải ý trời. Càng uất giận, ý chí càng tăng cao, câu thơ cuối cùng như một cú đánh mạnh mẽ có sức cảnh tỉnh lớn với lũ giặc bất nhân: “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

Đến đây, tác giả đã trực tiếp gọi quân giặc là “chúng mày” với thái độ coi thường, khinh bỉ. Câu thơ thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng chống lại bọn giặc xâm lược và niềm tin sắt đá vào sự thất bại tất yếu của kẻ thù. Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc cùng giọng điệu đanh thép, hùng hồn, bài thơ đặt trong hoàn cảnh của cuộc kháng chiến có ý nghĩa lớn lao trong việc khích lệ, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ, đồng thời là lời cảnh cáo đanh thép đối với kẻ thù xâm lược.

“Sông núi nước Nam” là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam mang đậm cảm hứng yêu nước. Cảm hứng yêu nước với những tuyên ngôn về độc lập chủ quyền với sức mạnh cổ vũ quân dân và cảnh tỉnh kẻ thù sau này còn được mở rộng, phát triển trong hai áng tuyên ngôn lớn của dân tộc đó là Bình ngô đại cáo và Tuyên ngôn độc lập.
Tải file tài liệu:
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận của bạn tại đây
Gửi ý kiến bình luận của bạn tại đây:
Hình ảnh (nếu có):

(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tài liệu hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem và tham khảo tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Đăng tài liệu
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư